* Đức xuất khẩu UAV cảm tử sang Ukraine
Army Recognition dẫn thông báo từ Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức chính thức chấp thuận cho công ty vũ khí Donaustahl xuất khẩu máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) có tên là Maus cho Ukraine. Kiev cũng là khách hàng đầu tiên của sản phẩm này.
Được biết, UAV Maus sẽ được chuyển cho Trung đoàn Kraken - đơn vị đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine. Tuy nhiên, số lượng, giá trị hợp đồng và thời gian giao hàng không được tiết lộ.
Một nguyên mẫu của UAV cảm tử Maus được nhà sản xuất trưng bày. Ảnh: Merkur |
Theo nhà sản xuất, UAV Maus là nền tảng đạn tuần kích thích ứng đầu tiên trên thế giới, được thiết kế để tấn công cảm tử chống lại bộ binh, xe bọc thép và nhiều loại mục tiêu khác nhờ mang theo đa dạng các loại đầu đạn, cùng khả năng hoạt động ban ngày và ban đêm với việc tích hợp camera hồng ngoại và ảnh nhiệt.
Về thông số kỹ thuật, UAV Maus có phạm vi chiến đấu tối đa 7km, tốc độ leo cao 18-22m/giây, tải trọng tối đa 2,7kg.
Một điều đặc biệt ở UAV này là vật liệu chế tạo. Cụ thể, không giống như các dòng UAV thương mại, MAUS không được làm từ carbon mà từ gỗ đã qua xử lý đặc biệt. Mặc dù điều này khiến cho nó nặng hơn khoảng 10% so với UAV FPV tiêu chuẩn, nhưng chi phí sản xuất phần khung thân thấp hơn khoảng 75%.
* Romania chốt mua 32 tiêm kích F-35 của Mỹ
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Romania Angel Tilvar cho biết Bucharest dự kiến sẽ ký một thỏa thuận liên chính phủ với Washington để mua tiêm kích F-35 thế hệ mới nhất nhằm củng cố năng lực của không quân nước này.
Trước đó, tháng 9 năm ngoái, Romania tiết lộ kế hoạch mua 32 chiếc F-35 từ nhà sản xuất Lockheed Martin (Mỹ) với tổng giá trị lên tới 6,5 tỷ USD. Thỏa thuận bao gồm cả các dịch vụ hậu cần, huấn luyện, mô phỏng bay và đạn dược kèm theo.
Theo dự kiến, hai bên sẽ ký hợp đồng sớm nhất là vào mùa thu tới và những chiếc F-35 đầu tiên sẽ được bàn giao sau năm 2030.
Romania muốn mua tiêm kích F-35 để nâng cao năng lực của không quân nước này. Ảnh: Joint Base San Antonio |
Ngoài số máy bay trên, Romania cũng mua 32 tiêm kích F-16 đã qua sử dụng từ Na Uy để tăng cường cho 17 chiếc khác đã đặt mua từ Bồ Đào Nha năm 2016 sau khi ngừng hoạt động chiếc MiG-21 cuối cùng.
Cùng với đó, Romania đã công bố một trung tâm huấn luyện khu vực dành cho phi công lái máy bay F-16, trong đó có huấn luyện các phi công của Ukraine.
Sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, Romania - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 2,5% trong năm 2023 để nâng cấp thiết bị, khí tài quân sự. Trong đó, sở hữu năng lực không quân mạnh mẽ, đáng tin cậy, có thể tương tác, linh động và hiệu quả là một phần trong các cam kết của Bucharest với EU và NATO.
Trong khi đó, Mỹ đã bố trí một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Romania, còn NATO cũng triển khai một nhóm chiến đấu thường trực tại đây.
* Dinh thự Tổng thống Nga được bảo vệ bởi hệ thống phòng không Pantsir như thế nào?
Newsweek đưa tin, một hệ thống phòng không Pantsir-S1 đang đảm nhiệm “canh gác” một trong những dinh thự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thị trấn Valdai thuộc vùng Novgorod ở miền Tây nước này.
Một số hình ảnh vệ tinh trên Google Map cho thấy hệ thống Pantsir-S1 được lắp đặt trên một tòa tháp, nằm cách dinh thự trên khoảng 3km. Trong số những dinh thự chính thức của ông chủ Điện Kremlin bên ngoài thủ đô Moscow, còn có Bocharov Ruchey ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin trên.
Một hệ thống phòng không Pantsir-S1. Ảnh: Getty Images |
Các bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội vào đầu năm ngoái cũng cho thấy hệ thống Pantsir-S1 được bố trí trên các mái nhà ở Moscow, trong đó có cả trên một tòa nhà được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng.
Pantsir-S1 là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm ngắn và tầm trung, được trang bị 2 pháo tự động cỡ nòng 30mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút. Điểm nổi bật của hệ thống này là tổ hợp radar hiện đại, được cấu thành từ một ăng ten mảng pha phân kỳ và một radar theo dõi tần sóng kép. Việc sử dụng đồng thời hai kênh dẫn đường giúp cho hệ thống có thể đối phó được với các loại tên lửa chống bức xạ radar. Mặt khác, Pantsir-S1 còn mang theo 6 tên lửa 57E6M-E tầm bắn tối đa 30km và 6 tên lửa 57E6-E tầm bắn 18km.
Trong biên chế quân đội Nga, Pantsir-S1 thường được sử dụng để bảo vệ những mục tiêu trọng yếu, khi chúng vừa có thể hoạt động độc lập, vừa có thể cùng tác chiến với các hệ thống phòng không như S-300 hay S-400. Mục tiêu của Pantsir-S1 là máy bay hoặc trực thăng, một số tên lửa hoặc các mối đe dọa nhỏ hơn như thiết bị bay không người lái.
MINH ANH(tổng hợp)