Quân sự thế giới hôm nay (17-5): Trung Quốc và Nhật Bản khai trương đường dây nóng quân sự

17/05/2023 07:55

Quân sự thế giới hôm nay (17-5) có những thông tin quan trọng sau: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và người đồng cấp Nhật Bản khai trương đường dây nóng quân sự; Duma Quốc gia Nga phê chuẩn dự thảo rút khỏi Hiệp ước CFE; tính năng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

* Trung Quốc và Nhật Bản khai trương đường dây nóng quân sự

Ngày 15-5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Nhật Bản Yasukazu Hamada đã có cuộc điện đàm đầu tiên qua đường dây nóng quân sự mới được thiết lập.

Cuộc điện đàm giữa 2 bộ trưởng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng song phương tiếp tục gia tăng về nhiều vấn đề, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển Hoa Đông. Về cuộc điện đàm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết 2 bên đã có những “trao đổi về quan điểm của hai nước và quan hệ quốc phòng song phương”.

Đường dây nóng quân sự Trung Quốc - Nhật Bản sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Ảnh: Reuters

Được thiết lập vào tháng 3 vừa qua theo cơ chế liên lạc quốc phòng, đường dây nóng quân sự sẽ giúp “tăng cường” đối thoại song phương và “khả năng của 2 bên trong việc quản lý và kiểm soát khủng hoảng trên biển và trên không, đồng thời giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post), trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút giữa 2 bộ trưởng, hai bên đã khẳng định cơ chế liên lạc qua đường dây nóng sẽ “đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy lòng tin giữa các cơ quan quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc và tránh các để xảy ra các tình huống khẩn cấp” và đụng độ trên biển. Thông báo của hai bên cũng nhấn mạnh đường dây nóng sẽ được vận hành một cách “phù hợp và đáng tin cậy”.

* Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 16-5 đã bỏ phiếu nhất trí chính thức rút khỏi Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), một thỏa thuận an ninh giai đoạn cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc bỏ phiếu tại Duma Quốc gia diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra dự thảo về việc rút khỏi hiệp ước được ký kết vào tháng 11-1990 này.

Duma Nga đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Nga rút khỏi Hiệp ước CFE. Ảnh: Military Times

Hiệp ước CFE ra đời nhằm ngăn chặn các bên trong Chiến tranh Lạnh tập trung lực lượng tại hoặc gần biên giới chung giữa 2 phe thông qua việc thiết lập các giới hạn đối với 5 loại vũ khí, khí tài quân sự thông thường chính ở châu Âu là xe tăng, xe bọc thép, pháo, trực thăng và máy bay chiến đấu, quy định các bên tham gia phải tiêu hủy vũ khí, khí tài dư ra so với giới hạn. Năm 1999, Hiệp ước CFE cập nhật đã được soạn thảo và thông qua tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, có tính đến những thay đổi trong thực tế như việc Khối Hiệp ước Warszawa giải thể và sự mở rộng của NATO. Tuy nhiên, các nước NATO đã không phê chuẩn Hiệp định CFE mới này.

Đầu năm 2015, Moscow lần đầu tuyên bố ý định rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận CFE, nhưng chỉ đến ngày 10-5 vừa qua, Tổng thống Nga mới chính thức đưa ra một dự thảo về vấn đề này. Phát biểu trước Duma Quốc gia, ông Sergey Ryabkov - phái viên của Tổng thống - nhấn mạnh rằng các nước NATO đã “khiến Nga không thể” duy trì Hiệp ước CFE khi liên tục mở rộng sang Trung và Đông Âu. Chủ tịch Duma Quốc gia Leonid Slutsky thì cho rằng CFE “đã từ lâu chỉ tồn tại trên giấy”. Nhiều quan chức Nga cũng nhận định rằng CFE đã trở nên lỗi thời khi NATO thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự ở các quốc gia thành viên ở Trung và Đông Âu. Theo ông Ryabkov, sẽ mất khoảng 6 tháng để hoàn tất các thủ tục của quá trình rút khỏi Hiệp ước CFE. Dự kiến Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga sẽ xem xét vấn đề này vào ngày 16-5.

* Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal có gì đặc biệt?

Kinzhal là tên lửa đạn đạo triển khai từ trên không, có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn hiệu quả từ 1.500 đến 2.000km với tải trọng 480kg và có thể đạt vận tốc Mach 10 (10 lần tốc độ âm thanh hoặc 12.250 km/h).

Máy bay MiG-31K trang bị tên lửa Kinzhal. Ảnh: Điện Kremlin

Đây là một trong 6 vũ khí “thế hệ tiếp theo” được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong một bài phát biểu vào tháng 3-2018, có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại hiện có và bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trong tương lai. Nga cũng được biết tới là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tên lửa siêu vượt âm và vào thời điểm các quốc gia khác có khả năng sản xuất các loại tên lửa tương tự thì Nga đã có thể phát triển công nghệ chống vũ khí siêu vượt âm.

Năm 2012, lần đầu tiên tên lửa siêu vượt âm Kinzhal được triển khai trên thực địa khi máy bay chiến đấu mang theo tên lửa này tới Syria. Lần đầu tiên Kinzhal được sử dụng trên chiến trường là vào ngày 19-3-2022 theo tuyên bố của Nga khi một tên lửa Kinzhal đã bắn vào một khu chứa đạn ở khu vực Tây Nam Ukraine.

Ngày 6-5 vừa qua, Ukraine tuyên bố bắn hạ một tên lửa Kinzhal bằng hệ thống phòng không Patriot. Ngày 16-5, Nga tuyên bố phá hủy một hệ thống phòng không Patriot của Kiev bằng tên lửa Kinzhal. Thông tin của 2 bên thường khó kiểm chứng do tính chất của cuộc chiến tranh thông tin trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

QUÝ CHUNG (thực hiện)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (17-5): Trung Quốc và Nhật Bản khai trương đường dây nóng quân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO