Quân sự thế giới hôm nay (15-4): Đức cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine

15/04/2024 08:10

Quân sự thế giới hôm nay (15-4) có những nội dung sau: Đức bổ sung thêm tên lửa Patriot cho Ukraine, Nhật Bản mua 3 máy bay trực thăng H225 Super Puma, MBDA nâng cấp tên lửa đất đối không Aster 15.

* Đức bổ sung thêm tên lửa Patriot cho Ukraine

Ngày 14-4, trang Bulagarian Military cho biết sau cuộc điện đàm mang tính xây dựng giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Đức đã quyết định hỗ trợ Ukraine ngay lập tức 1 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng Patriot.

Quyết định này của Berlin đã đáp ứng một phần lời kêu gọi của Kiev đối với các đối tác phương Tây về bổ sung thêm hệ thống phòng không như Patriot, IRIS-T hoặc NASAMS.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: Không quân Mỹ

Hai nhà lãnh đạo đã công khai chia sẻ suy nghĩ của mình trên mạng xã hội X. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: “Đức ủng hộ Ukraine”, trong khi Tổng thống Zelensky bày tỏ lòng biết ơn thủ tướng Đức vì đã cung cấp hệ thống Patriot và các tên lửa.

Đức hiện vẫn là nhà cung cấp chính các hệ thống cần thiết cho quân đội Ukraine. Đức đã giao cho Ukraine xe tăng Leopard 2A6 và 1A5, xe chiến đấu bộ binh Marder, pháo phòng không tự hành Gepard, hệ thống phóng tên lửa đa nòng MARS II, pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, hệ thống phòng không IRIS-T SLM, các phương tiện cứu hộ bọc thép, máy bay không người lái trinh sát Vector, các hệ thống tên lửa như Stinger, Panzerfaust, và đạn dược.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng Patriot là khí tài phòng thủ linh hoạt. Nó có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu, bao gồm máy bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Đáng chú ý là Patriot có khả năng tích hợp với các cơ chế phòng thủ khác. Patriot có thể kết hợp hài hòa với hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis để tạo thành một hệ thống phòng thủ nhiều lớp có thể ngăn chặn các mối đe dọa ở các giai đoạn và độ cao khác nhau. Patriot có phạm vi phòng thủ rộng. Patriot PAC-3 có thể đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 160km và độ cao 24km.

* Nhật Bản mua 3 máy bay trực thăng H225 Super Puma

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã đặt mua thêm 3 máy bay trực thăng H225 Super Puma của Airbus, nâng tổng số đội bay H225 tại Nhật Bản lên 18 chiếc.

Trực thăng H225 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ảnh: Airbus

The Defense Post cho biết, các máy bay trực thăng mới này sẽ thực hiện các nhiệm vụ như diễn tập thực thi pháp luật hàng hải, cứu trợ thiên tai.

Theo Giám đốc điều hành Airbus Helicopters tại Nhật Bản Jean-Luc Alfonsi, trực thăng H225 là lựa chọn hoàn hảo vì tính linh hoạt của nó cho phép thực hiện các nhiệm vụ ven bờ và biển đảo trong mọi điều kiện thời tiết.

Tháng 12-2023, đội bay H225 của Nhật Bản đã được bổ sung thêm 3 chiếc và gần đây nhất là tháng 2, đội bay được tăng cường thêm 1 trực thăng.

H225 Super Puma là máy bay trực thăng 2 động cơ, có thể chở 24 hành khách. Trực thăng được trang bị động cơ Turbomeca Makila 2A1, đạt tốc độ tối đa 275km/giờ trong phạm vi 857km.

Hiện 12 quốc gia trên thế giới đang khai thác trực thăng H225 cho mục đích quân sự, trong đó có Hungary, Singapore và Indonesia.

* MBDA nâng cấp tên lửa đất đối không Aster 15

Theo Meta Defense, công ty MBDA của châu Âu chuẩn bị giới thiệu Aster 15 EC, phiên bản nâng cấp của tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung Aster 15, với tầm bắn tăng gấp đôi so với tên lửa tiền nhiệm, giảm khoảng cách tiếp cận tối thiểu, từ đó tăng cường cả khả năng tấn công tầm xa và phòng thủ tầm gần.

Tên lửa Aster 15 lần đầu tiên được sử dụng trên tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp năm 2001, đánh dấu sự ra đời của tên lửa đất đối không phóng thẳng đứng của châu Âu.

Tên lửa Aster 15 có tầm bắn 30km trong khi tên lửa Aster 30 có tầm bắn 120km. Ảnh: MBDA

Tên lửa Aster có 2 mẫu: Tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung Aster 15 và tên lửa đất đối không tầm xa Aster 30. Cả hai mẫu đều có thân tên lửa giống hệt nhau, nhưng Aster 30 sử dụng động cơ đẩy lớn hơn để tăng tầm bắn và tốc độ. Aster 15 dài 4,2m, nặng 310kg trong khi Aster 30 nặng 450kg, dài chưa đến 5m. Do kích thước lớn hơn, Aster 30 sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) Sylver A50 hoặc A70, mặc dù nó cũng tương thích với VLS Mark 41 của Mỹ. Aster 15 có tầm bắn 30km trong khi tầm bắn của Aster 30 gấp 4 lần tầm bắn của Aster 15.

Được phát triển như một phần của dòng tên lửa do Pháp và Italy khởi xướng vào những năm 1990, Aster 15 có khả năng đạt tốc độ Mach 3 và đặc biệt là khả năng đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh và cơ động, bao gồm cả những mục tiêu bay thấp. Được trang bị hệ thống tìm kiếm radar chủ động, Aster 15 có thể theo dõi tự động các mục tiêu tàng hình, cho phép phóng nhiều tên lửa cùng một lúc.

Việc phát triển tên lửa Aster 15 EC là một phần quan trọng trong sáng kiến hiện đại hóa 4 tàu khu trục phòng không lớp Horizon của Pháp và Italy.

Tên lửa Aster đã được khai thác hiệu quả cuối năm 2023 khi các tàu khu trục Languedoc và Alsace của Hải quân Pháp bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Tên lửa Aster 30 cũng được sử dụng trong hệ thống phòng không mặt đất SAMP/T cung cấp cho Ukraine.

MAI HƯƠNG (Tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-15-4-duc-cung-cap-ten-lua-patriot-cho-ukraine-772812
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-15-4-duc-cung-cap-ten-lua-patriot-cho-ukraine-772812
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (15-4): Đức cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO