* Nhật Bản tiếp nhận pháo tự hành Type 19
Theo Army Recognition, ngày 14-10, Lữ đoàn Pháo binh số 2 của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) mới đây đã tiếp nhận một pháo tự hành bánh lốp Type 19 155mm mới, có tầm bắn lên tới 40km khi sử dụng đạn nổ tiêu chuẩn với tốc độ bắn khoảng 6 phát/phút.
Pháo tự hành Type 19 có thể bắn đạn tiêu chuẩn với tầm bắn tối đa khoảng 40km. Ảnh: Vehicle Channel |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản khởi động chương trình phát triển Type 19 vào năm 2013 nhằm đáp ứng nhu cầu về một hệ thống pháo binh cơ động hiện đại và khắc phục những hạn chế của mẫu FH-70, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1978.
Type 19 là pháo tự hành bánh lốp đầu tiên do Nhật Bản tự phát triển cho lực lượng phòng vệ, đồng thời cũng là pháo tự hành bánh lốp đầu tiên trong kho vũ khí. Trước đó, JGSDF chỉ được biên chế pháo tự hành bánh xích Type 99 155mm và M110 203mm.
Type 19 được đặt trên khung gầm xe tải hạng nặng HX 7 8x8 của Đức nên trông khá đồ sộ. Sử dụng động cơ diesel tăng áp MAN DF2066 LF34, công suất 440 mã lực, kết hợp với hộp số tự động 12 cấp, xe có thể đạt tốc độ tối đa 88km/giờ và phạm vi hoạt động khoảng 800km.
Type 19 được trang bị súng 155mm/L52 tương tự như pháo tự hành bánh xích Type 99. Hệ thống nạp đạn bán tự động và thuốc phóng được nạp thủ công cho phép Type 19 tương thích với đạn nổ phá mảnh (HE-FRAG) có tầm bắn đạt 30km, và có thể lên tới 38km khi sử dụng đạn pháo tăng tầm. Khi sử dụng đạn nổ tiêu chuẩn, Type 19 có tầm bắn khoảng 40km với tốc độ bắn tối đa khoảng 6 phát/phút.
Type 19 có chiều dài 11,21m, rộng 2,5m, cao 3,4m và có trọng lượng gần 25 tấn. Kíp điều khiển gồm 5 người, trong đó 3 người ngồi ở cabin phía đầu xe, 2 người ngồi ở cabin giữa xe. Ưu điểm chính của pháo tự hành này là có khả năng cơ động cao và dễ dàng triển khai tại trận địa.
* Đức đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ bán máy bay chiến đấu Eurofighter
Sự kiện Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19-10 tới đây có thể là một chỉ dấu cho thấy Đức đã bật “đèn xanh” trong cuộc đàm phán thương vụ bán máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong giai đoạn đầu, Đức dự kiến sẽ chuyển giao 24 tiêm kích Eurofighter Typhoon cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Eurofighter |
Eurofighter Typhoon là máy bay chiến đấu đa năng hai động cơ do liên doanh Eurofighter GmbH hợp tác phát triển.
Typhoon được chế tạo nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, phòng thủ không phận, ngăn chặn, hỗ trợ trên không tầm gần và trinh sát. Thiết kế cánh tam giác kết hợp các hệ thống điều khiển tiên tiến mang lại cho máy bay sự nhanh nhẹn và tốc độ tối đa có thể đạt được là 2.495km/giờ.
Được tích hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động CAPTOR, Typhoon có thể theo dõi cùng lúc 20 mục tiêu và phạm vi quét là 160km. Bên cạnh đó, máy bay còn sử dụng hệ thống phòng thủ Praetorian, giúp phát hiện và cảnh báo các mối đe dọa từ tên lửa không đối không và đất đối không.
Vũ khí được trang bị trên Typhoon bao gồm tên lửa không đối không AMRAAM và ASRAAM, tên lửa chống radar và chống hạm và bom dẫn đường. Hệ thống vũ khí này, kết hợp với hệ thống điều khiển lái tiên tiến như VTAS ra lệnh bằng giọng nói, giúp tối đa hóa hiệu quả và giảm áp lực cho phi công trong khi bay, từ đó phản ứng nhanh trong các tình huống chiến đấu phức tạp.
Cuộc đàm phán có thể kéo dài khoảng 3 tuần, bao gồm các thông số kỹ thuật của máy bay, các giai đoạn mua sắm, đào tạo nhân sự và cách thức bảo dưỡng và quản lý phụ tùng. Đức dự kiến sẽ chuyển giao tổng cộng 40 máy bay Eurofighter Typhoon cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lô đầu tiên có thể gồm 24 máy bay, 16 chiếc còn lại được giao trong giai đoạn sau.
* Ukraine lần đầu giới thiệu tiêm kích Su-27 trang bị bom lượn GBU-39
Mới đây, quân đội Ukraine đã đăng tải một video trên mạng xã hội X cho thấy tiêm kích Su-27 Flanker được trang bị bom lượn đường kính nhỏ GBU-39, đánh dấu bước tiến đáng kể trong khả năng tấn công chính xác.
Ukraine trang bị bom lượn GBU-39 trên máy bay chiến đấu Su-27 Flanker. Ảnh: Ukrainian MoD/Boeing |
GBU-39 là một loại bom lượn cỡ nhỏ, có trọng lượng 113,4kg, được thiết kế để tấn công tầm xa trong mọi điều kiện thời tiết. Sử dụng công nghệ dẫn đường bằng radar chủ động và laser, GPS hoặc dẫn đường quán tính, tùy thuộc vào cấu hình, GBU-39 có khả năng xuyên thủng các mục tiêu kiên cố và tránh bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện.
Bom có phạm vi hoạt động dao động từ 75-110km khi thả từ trên cao. Kích thước nhỏ gọn cho phép máy bay mang nhiều bom lượn khi thực hiện nhiệm vụ, tối đa hóa khả năng tấn công, đồng thời giảm thiểu thiệt hại ngoài ý muốn. Giá đỡ BRU-61 trên Su-27 có thể mang theo tới 4 quả bom GBU-39, giúp tăng đáng kể tải trọng và hiệu quả chiến đấu của tiêm kích.
Mỹ gần đây đã đặt số lượng lớn bom lượn GBU-39 để trang bị cho lực lượng Không quân và các đồng minh nước ngoài, bao gồm cả Ukraine. Ngày 30-9, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký một hợp đồng dài hạn với Boeing, trị giá lên tới 6,9 tỷ USD, bao gồm sản xuất bom GBU-39 cho đến hết năm 2035. Hợp đồng bao gồm cả việc cung cấp bom này cho các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Bulgaria và Ukraine theo chương trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS).
QUỲNH OANH (tổng hợp)