*Xe chiến đấu bộ binh mới của Nga có thể rải 120 quả mìn chống tăng
Tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2024, Quân đội Nga đã giới thiệu Impulse-KPTM, một loại xe chiến đấu bộ binh không người lái (UGV) mới được thiết kế cho các hoạt động rải mìn.
Xe chiến đấu bộ binh không người lái Impulse-KPTM có thể đạt tốc độ tối đa 10km/giờ và có thể leo dốc 25 độ. Ảnh: Army Recognition |
Xe chiến đấu bộ binh này được trang bị 30 ống phóng, mỗi ống có thể chứa nhiều hộp rải mìn khác nhau như KPOM-3, KPTM-3 và KPTM-4, cho phép triển khai tới 120 quả mìn chống tăng và chống bộ binh cùng lúc để tạo ra nhiều loại bãi mìn. Ngoài ra, xe có thể kéo nhiều loại xe và rơ moóc, giúp tăng tính linh hoạt trong vận hành.
Impulse-KPTM có thể đạt tốc độ tối đa 10km/giờ và có khả năng leo dốc 25 độ. Phương tiện có thể đi qua góc nghiêng tối đa 15 độ, di chuyển qua nhiều địa hình khác nhau. Xe được cung cấp năng lượng bởi động cơ có tổng công suất 20 kilowatt, cho phép hoạt động liên tục trong 4 giờ. Xe có tổng trọng lượng là 1.350kg.
Impulse-KPTM sử dụng kênh điều khiển vô tuyến có thể nhận thông tin video và truyền tín hiệu điều khiển trong phạm vi 1km. Đối với các hoạt động tầm xa, xe có thể chuyển sang kênh điều khiển cáp quang, cho phép liên lạc trong khoảng cách lên tới 20km.
Trong số các hộp rải mìn mà Impulse-KPTM có thể triển khai, hộp KPOM-3 có thể rải mìn chống bộ binh POM-3. Mỗi hộp KPOM-3 chứa 4 quả mìn POM-3, được trang bị cảm biến địa chấn để phát hiện rung động, ví dụ như tiếng bước chân. Mìn POM-3 có chiều cao 200mm và đường kính 60-70mm và có trọng lượng 1,3kg. Khi được kích hoạt, mìn POM-3 sẽ phát tán khoảng 1.850 mảnh vỡ trong phạm vi hiệu quả 8-13m.
Trong khi đó, hộp rải mìn KPTM-3 có thể triển khai mìn chống tăng PTM-3, sử dụng thuốc nổ định hình để xuyên thủng lớp giáp và được trang bị ngòi nổ từ tính, kích hoạt bằng những thay đổi trong từ trường. Mỗi quả mìn PTM-3 nặng 8,5kg khi lắp ráp hoàn chỉnh và chứa 1,8kg thuốc nổ TG-40, hỗn hợp của RDX và TNT. Loại mìn này được thiết kế để triển khai trên diện rộng qua nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm hệ thống gắn trên xe tải và trực thăng. PTM-3 được lập trình tự hủy sau 16-24 giờ triển khai để giảm thiểu rủi ro lâu dài liên quan đến vũ khí chưa nổ.
Hộp rải mìn KPTM-4 có thể chứa 2 quả mìn nổ định hình chống tăng PTM-4. Mỗi quả mìn PTM-4 có trọng lượng 3,25kg và chứa 1,4kg thuốc nổ TG-40. PTM-4 có chiều dài 350mm, rộng 110mm và cao 55mm. Loại mìn này được kích hoạt bằng bộ đánh lửa từ không tiếp xúc VT-14, phát hiện từ trường do các phương tiện gần đó tạo ra. PTM-4 cũng có thể được thiết lập chế độ tự hủy sau 8, 12, 24 hoặc 48 giờ và được lập trình để tự động vô hiệu hóa sau 120 ngày để giảm nguy cơ bom mìn chưa nổ.
* Mỹ tăng cường sản xuất tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM cho các quốc gia đồng minh
Mới đây, Tập đoàn quốc phòng Raytheon vừa ký hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm thúc đẩy sản xuất tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM cho một nhóm các quốc gia đồng minh, bao gồm Bahrain, Bulgaria, Canada, Phần Lan, Đức, Hungary, Italy, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Sĩ, Ukraine và Anh.
Khoảng 603 triệu USD trong hợp đồng này được các quốc gia đối tác tài trợ.
Tên lửa AMRAAM có tính linh hoạt cao, tương thích với nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau như F-15, F-16, F/A-18, F-22 và F-35. Ảnh: US DoD |
AMRAAM, được định danh là AIM-120, là tên lửa không đối không tầm trung được đưa vào phục vụ trong Quân đội Mỹ từ năm 1991 và hiện đang được lực lượng không quân của 36 quốc gia trên thế giới sử dụng. Tên lửa này có tính linh hoạt cao, tương thích với nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau như F-15, F-16, F/A-18, F-22 và F-35... Nó cũng tương thích với hệ thống phòng không NASAMS của Na Uy, giúp mở rộng hơn nữa khả năng triển khai của hệ thống.
AIM-120 dài 3,6m và nặng 150,7kg khi phóng, mang theo đầu đạn nổ phân mảnh nặng 18,1kg. Tên lửa có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 55,6km bằng radar chủ động và hệ thống dẫn đường quán tính trên máy bay. Khả năng "bắn và quên" này cho phép phi công tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, khiến tên lửa trở thành một công cụ quan trọng trong không chiến hiện đại.
* Căn cứ Devonport của Hải quân Hoàng gia Anh hoàn tất việc nâng cấp cơ sở tàu ngầm hạt nhân
Theo thông tin được Chính phủ Anh công bố, Hải quân Hoàng gia vừa mở lại ụ tàu khô lớn nhất tại Căn cứ Hải quân Devonport, góp phần tăng cường đáng kể năng lực bảo dưỡng tàu ngầm hạt nhân của quốc gia.
Căn cứ Devonport của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: UK MoD |
Có tên gọi “9 Dock”, cơ sở này đã được cải tạo theo hợp đồng trị giá 200 triệu bảng Anh với tập đoàn Babcock International Group, nhằm mục đích đẩy nhanh việc bảo dưỡng tàu ngầm lớp Vanguard, tạo thành cốt lõi của Lực lượng răn đe hạt nhân liên tục trên biển (CASD) của Anh.
Căn cứ Devonport, căn cứ lớn nhất ở Tây Âu, đã trở thành nền tảng cho các hoạt động của Hải quân Hoàng gia Anh kể từ cuối thế kỷ 17. Ngày nay, căn cứ trải dài trên 2,6 triệu m2 (650 mẫu Anh) và có 15 ụ tàu khô, cùng với các cơ sở ven sông rộng lớn. Với lực lượng lao động gồm 7.000 người, bao gồm cả quân nhân và lực lượng dân sự, căn cứ này đóng góp khoảng 14% vào nền kinh tế của Plymouth, củng cố tầm quan trọng chiến lược của căn cứ này ở cả cấp địa phương và quốc gia.
Việc nâng cấp "9 Dock" tập trung vào việc hiện đại hóa các dịch vụ hỗ trợ và cơ sở hạ tầng, bao gồm tăng cường an ninh, nâng cấp thiết bị và đưa vào sử dụng gói xử lý cơ học thay thế. Hệ thống mới này được thiết kế để rút ngắn thời gian bảo trì cho đội tàu lớp Vanguard, qua các giai đoạn bảo trì sâu (DMP) định kỳ để đảm bảo khả năng sẵn sàng hoạt động và tích hợp công nghệ mới nhất.
Các tàu ngầm lớp Vanguard đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh quốc gia, vì tàu ở trên biển quanh năm, cung cấp khả năng răn đe hạt nhân liên tục. Việc nâng cấp "9 Dock" dự kiến sẽ hợp lý hóa các quy trình bảo trì thiết yếu, cho phép tàu được tái triển khai hiệu quả hơn.
QUỲNH OANH (tổng hợp)