Quân sự thế giới hôm nay (14-7): Đức bàn giao 100 tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T cho Ukraine

14/07/2024 07:12

Quân sự thế giới hôm nay (14-7-2024) có những nội dung sau: Đức giao 100 tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T cho Ukraine, Nhật Bản giới thiệu mẫu tên lửa diệt hạm Type 12 cải tiến, Israel ra mắt pháo tự hành bánh lốp ROEM.

Đức bàn giao 100 tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T cho Ukraine

Thiếu tướng Christian Freuding, người đứng đầu Trung tâm thông tin tình hình Ukraine thuộc Bộ Quốc phòng Đức, đã nói với kênh truyền hình ZDFheute của nước này hôm 12-7 rằng, gần như toàn bộ 100 tên lửa Patriot đã được bàn giao cho Ukraine theo đúng cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 11-6-2024. Theo Thiếu tướng Freuding, hoạt động bàn giao nhanh chóng này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đức dành cho Ukraine.

Tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T là mẫu tên lửa dẫn đường hiện đại với độ chính xác cao. Ảnh: Raytheon

Tên lửa PAC-2 GEM-T là phiên bản mới của hệ thống tên lửa Patriot, được chế tạo để nâng cao khả năng tác chiến so với các phiên bản tiền nhiệm. Mẫu biến thể tên lửa GEM-T được thiết kế dựa trên cấu tạo khung của mẫu PAC-2, tích hợp các nâng cấp đáng kể trong hệ thống dẫn đường và ngắm mục tiêu. Những cải tiến này nhằm tăng độ chính xác và tin cậy của tên lửa trong việc đối phó với các mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật, máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình. Bằng cách nâng cấp đầu dò và các thành phần dẫn đường, biến thể GEM-T có khả năng thu nhận và theo dõi mục tiêu tốt hơn, đảm bảo khả năng đánh chặn và tiêu diệt các mối đe dọa với độ chính xác cao hơn.

Ngoài hệ thống dẫn đường được cải tiến, tên lửa PAC-2 GEM-T còn có một bộ xử lý nâng cấp và các thuật toán tinh chỉnh trong phần dẫn đường. Những tiến bộ công nghệ này cho phép tên lửa phân biệt mục tiêu tốt hơn, nâng cao hiệu quả tổng thể của quá trình tấn công. Tên lửa PAC-2 GEM-T cũng tích hợp một ngòi nổ cải tiến, giúp tăng cường khả năng chống lại tên lửa đạn đạo. Mặc dù có nhiều nâng cấp phức tạp, tên lửa PAC-2 GEM-T vẫn tương thích với các bệ phóng và hệ thống tên lửa Patriot hiện có, cho phép tích hợp liền mạch vào cơ sở hạ tầng quốc phòng hiện tại. Sự kết hợp giữa hệ thống ngắm mục tiêu cải tiến với dẫn đường tinh chỉnh, và khả năng tương thích giúp cho tên lửa PAC-2 GEM-T trở thành một vũ khí quan trọng trong chiến lược phòng không và tác chiến phòng thủ tên lửa.

Nhật Bản giới thiệu mẫu tên lửa diệt hạm Type 12 cải tiến

Nhật Bản vừa cho thấy bước tiến mới nhất trong lĩnh vực công nghệ tên lửa bằng việc giới thiệu những hình ảnh đầu tiên của mẫu tên lửa diệt hạm Type 12 cải tiến.

Thông tin này được đưa ra trong Sách trắng Quốc phòng 2024 mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 12-7, bao gồm những nâng cấp quan trọng nhằm tăng cường năng lực phòng thủ ngoài khơi của Nhật Bản.

Mẫu tên lửa diệt hạm Type 12 cải tiến của Nhật Bản. Ảnh: defence-blog.com

Mẫu tên lửa mới do công ty Mitsubishi Heavy Industries phát triển có nhiều thay đổi đáng chú ý trong thiết kế. Khi so sánh những hình ảnh của mẫu tên lửa mới với những hình ảnh trong Sách trắng Quốc phòng 2022, dễ nhận thấy rằng dù hình dạng tổng thể và vị trí lấy không khí ở phía dưới tên lửa vẫn giữ nguyên, nhưng có nhiều thay đổi đã được thực hiện. Phiên bản cải tiến có cánh chính với góc nghiêng về phía sau rõ ràng hơn và cánh đuôi hình chữ X nổi bật, giúp nâng cao hiệu suất khí động học và độ ổn định. Cũng theo nội dung chú thích trong Sách trắng Quốc phòng 2024, bản cải tiến của Tên lửa diệt hạm Type 12 đã trải qua nhiều thử nghiệm trên mặt đất.

Sách trắng Quốc phòng 2024 có nội dung nhấn mạnh đến sự cấp bách của việc tăng cường năng lực phòng thủ ngoài khơi của Nhật Bản để đối phó với các mối đe dọa từ các tàu xâm nhập và lực lượng đổ bộ, đặc biệt là ở khu vực quanh các hòn đảo. Nội dung sách chỉ rõ, Nhật Bản đang tăng cường toàn diện năng lực phòng thủ ngoài khơi trước nguy cơ các tàu xâm nhập và lực lượng đổ bộ, bao gồm cả ở khu vực các đảo, bằng cách “triển khai Tên lửa diệt hạm Type 12 cải tiến (phiên bản phóng từ mặt đất) và mua tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất trước đó một năm, bắt đầu từ năm tài chính 2025.”

Tên lửa diệt hạm Type 12 cải tiến sẽ là vũ khí quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ ngoài khơi của Nhật Bản, yếu tố cốt lõi trong chiến lược phòng vệ của nước này trước các mối đe dọa.

Tên lửa diệt hạm Type 12 cải tiến giúp lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có khả năng tấn công từ những vị trí nằm ngoài tầm với của các hệ thống phòng không của địch, đảm bảo thế trận phòng thủ vững chắc trước các mối đe dọa tiềm tàng, nhấn mạnh  tầm quan trọng chiến lược của hệ thống tên lửa này trong việc đảm bảo cán cân quân sự và duy trì an ninh khu vực.

Israel ra mắt pháo tự hành bánh lốp ROEM

Theo các nguồn tin quân sự từ Israel và thông tin được công bố trên tờ The Jerusalem Post ngày 12-7, loại pháo tự hành bánh lốp 155mm thế hệ mới có tên gọi "ROEM" đã thực hiện lần bắn đầu tiên vào tháng 6-2024 và sẽ được triển khai vào biên chế của một đơn vị Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) trong năm sau.

Pháo tự hành bánh lốp ROEM của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF). Ảnh: Army Recognition

ROEM có kết cấu là một khẩu pháo lớn được đặt trên một chiếc xe bánh lốp, khác với pháo tự hành bánh xích M109 155mm hiện tại của Israel. ROEM vẫn sử dụng cùng loại đạn với pháo tự hành bánh xích M109 155m, là một phần của kế hoạch đầu tư mạnh vào công nghệ mới của Lực lượng phòng vệ Israel, trong đó có việc thay thế máy bay chiến đấu thế hệ cũ sang dòng máy bay F-35 hiện đại.

Pháo tự hành bánh lốp ROEM 155mm được phát triển bởi công ty Elbit Systems của Israel. “Mẫu pháo mới được coi là một trong những dự án an ninh quan trọng của Israel”. Theo tờ Ynet của Israel, “hầu hết cấu tạo bên trong của pháo vẫn được giữ bí mật. Chỉ có một số mẫu tồn tại, và một trong số đó đã được sửa đổi để phục vụ các khách hàng tiềm năng nước ngoài.” Ynet cũng cho biết phiên bản “châu Âu” của pháo tự hành bánh lốp ROEM có tầm bắn tới 80km, trong khi phiên bản của Israel dường như có tầm bắn ngắn hơn.

Loại pháo tự hành mới sẽ cơ động hơn và có tốc độ bắn nhanh hơn M109, do đó, quy mô tổng thể của các đơn vị pháo binh có thể sẽ phải thay đổi. Một khẩu đội pháo tự hành M109 chuẩn thường có khoảng 8 khẩu pháo, có thể giảm bớt xuống còn 60% số lượng xe được sử dụng trước đây. Điều này cũng giúp giải phóng nhân sự để làm các công việc khác.

Hồi tháng 5-2023, công ty Elbit Systems của Israel đã công bố một video cho thấy pháo tự hành ROEM thực hiện cơ động và kiểm tra bắn đạn thật. Pháo tự hành ROEM nằm trên khung gầm xe tải quân sự LVSR 10x10 Oshkosh của Mỹ đã được sửa đổi. Kíp lái có ba người được triển khai ở cabin phía trước và hệ thống pháo tự động được gắn ở phía sau.

ROEM được trang bị pháo cỡ nòng 155mm với cơ số đạn 52 viên được nạp đạn tự động và pháo được hiệu chỉnh tự động, thời gian ra vào nhanh chóng và tốc độ bắn cao. Cabin bảo vệ cho kíp lái ba người. Tùy thuộc vào nhiệm vụ, ROEM có khả năng tự động chọn và nạp đạn, nạp thuốc phóng và ngòi nổ cần thiết, cũng như hiệu chỉnh pháo để tối ưu hóa tấn công mục tiêu.

TRUNG THÀNH (Tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (14-7): Đức bàn giao 100 tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T cho Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO