Quân sự thế giới hôm nay (13-9): Mỹ tích hợp tên lửa AMRAAM vào UAV, Nga nhận thêm Su-57

13/09/2024 06:21

Quân sự thế giới hôm nay (13-9) có những nội dung sau: Không quân Nga nhận thêm máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35S, Mỹ tích hợp tên lửa AMRAAM vào UAV CCA, Hà Lan và Naval Group ký thỏa thuận hợp tác công nghiệp cho chương trình tàu ngầm.

*Không quân Nga nhận máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35S mới

Tập đoàn Máy bay thống nhất (UAC) của Nga đã bàn giao lô máy bay Su-57 và Su-35S mới cho Lực lượng Hàng không vũ trụ. Đợt giao hàng này đánh dấu sự bổ sung đáng kể vào đội máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga. Tuy nhiên, số lượng máy bay được bàn giao chính xác vẫn chưa được tiết lộ.

 Su-57 là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 do Sukhoi phát triển. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Su-57 là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm do nhà sản xuất Sukhoi của Nga phát triển. Chiến đấu cơ tàng hình này nổi tiếng với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, gồm không kích, chiếm ưu thế trên không và trinh sát. Khoảng 20 chiếc đã được chế tạo, bao gồm 4 nguyên mẫu.

Su-57 được trang bị 2 động cơ AL-41F1, dự kiến sẽ được thay thế bằng động cơ Izdeliye 30 mạnh hơn, tạo ra lực đẩy 170kN, mặc dù hiện tại được đánh giá ở mức 158 kN.

Su-57 có chiều dài 19,7m, sải cánh rộng 14m và cao 4,80m, trọng lượng rỗng 18,5 tấn và trọng lượng tối đa 37 tấn. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 2.600km/giờ (Mach 2.45) và trần bay 20.000m. Thời gian bay tự động là 5,3 giờ và bán kính chiến đấu khoảng 2.000km. Su-57 có thể mang nhiều loại vũ khí, bao gồm pháo 30mm bên trong và các khoang bên trong có khả năng mang nhiều tên lửa không đối không, không đối đất và bom dẫn đường. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của máy bay gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động Sh121 AESA thế hệ mới nhất, có khả năng phát hiện, theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Buồng lái cũng được tích hợp bộ tác chiến điện tử tinh vi, giúp tăng cường khả năng sống sót trong môi trường đối phương.

 Su-35S là phiên bản hiện đại hóa và cải tiến của Su-27. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Su-35S, cũng do Sukhoi chế tạo, là phiên bản hiện đại hóa và cải tiến của Su-27. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu đa năng, Su-35S được trang bị 2 động cơ NPO Saturn 117S, là động cơ phản lực cánh quạt kép có bộ đốt sau và hệ thống điều khiển lực đẩy, mỗi động cơ có khả năng tạo ra lực đẩy 130 kN.

Su-35S có kích thước lớn hơn Su-57, với sải cánh rộng 15,3m, chiều dài 21,9m và chiều cao 6,4m. Trọng lượng rỗng của máy bay là 17 tấn và có thể đạt trọng lượng tối đa là 35,8 tấn. Về hiệu suất, máy bay này có thể đạt tốc độ 2.500km/h và có trần bay 19.000m. Với bán kính chiến đấu 3.600km ở độ cao lớn, Su-35S có phạm vi hoạt động lớn hơn nhiều so với Su-57, nhưng chậm hơn về tốc độ. Máy bay này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công chính xác, và nổi tiếng với khả năng cơ động đặc biệt nhờ động cơ đẩy vectơ.

* Mỹ tích hợp tên lửa AMRAAM vào UAV CCA

Không quân Mỹ, với sự hợp tác của tập đoàn Raytheon, đang tích hợp tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM vào loạt máy bay không người lái (UAV) hiệp đồng chiến đấu (Collaborative Combat Aircraft, CCA) đầu tiên.

 Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 AMRAAM. Ảnh: US DoD

Các hệ thống không người lái này là một phần của chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (Next Generation Air Dominance, viết tắt là NGAD), hay còn gọi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Mỹ.

Jon Norman, Phó chủ tịch phụ trách hệ thống phòng thủ không gian và vũ trụ của Raytheon, cho biết UAV CCA sẽ được phát triển theo từng giai đoạn, cho phép cải tiến dần dần về thiết kế và khả năng. Không quân Mỹ có kế hoạch chế tạo những UAV này mang theo nhiều tải trọng khác nhau, phù hợp với các nhiệm vụ từ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) đến các cuộc tấn công trên không.

Raytheon đã tập trung vào việc cải thiện phạm vi, khả năng dẫn đường và chống nhiễu của AMRAAM như một phần của quá trình tích hợp này. Mặc dù tập đoàn này chưa nêu rõ biến thể tên lửa nào sẽ được sử dụng trên CCA, nhưng biến thể mới nhất, AIM-120D, có tầm bắn ước tính khoảng 160km.

* Hà Lan và Naval Group ký thỏa thuận hợp tác công nghiệp cho chương trình tàu ngầm

Theo thông cáo báo chí do Naval Group công bố mới đây, Hà Lan đang tiến hành hiện đại hóa quốc phòng thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác công nghiệp (ICA).

 Mô hình tàu ngầm lớp Barracuda tại Triển lãm NEDS 2023, ở Rotterdam. Ảnh: Navy Recognition

Thỏa thuận này có liên quan đến chương trình thay thế tàu ngầm đã cũ của Hà Lan (RNSC) sắp tới, trong đó 4 tàu ngầm viễn chinh thế hệ mới sẽ được chuyển giao cho Hải quân Hoàng gia Hà Lan. Dựa trên thiết kế của tàu ngầm lớp Barracuda, những tàu ngầm diesel-điện này có khả năng tàng hình tiên tiến, thời gian hoạt động dưới nước dài và tính linh hoạt cho cả hoạt động ở vùng nước nông và nước sâu. Tàu được trang bị công nghệ thu thập thông tin tình báo, triển khai lực lượng đặc nhiệm, tác chiến chống ngầm và nhiệm vụ tấn công tầm xa bằng tên lửa hành trình. Hai tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2034.

Thỏa thuận ICA sẽ chính thức hóa chiến lược hợp tác công nghiệp dài hạn, đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa Naval Group và các ngành công nghiệp quốc phòng và hàng hải của Hà Lan trong hai thập kỷ tới. Thỏa thuận cũng bao gồm việc hợp tác với nhiều công ty và viện nghiên cứu kiến thức của Hà Lan, nhằm tăng cường quyền tự chủ của Hà Lan trong sản xuất quốc phòng. Bằng cách hợp tác với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà đổi mới công nghệ cao, ICA tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng của Hà Lan vào thiết kế, phát triển và hỗ trợ vòng đời của tàu ngầm.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (13-9): Mỹ tích hợp tên lửa AMRAAM vào UAV, Nga nhận thêm Su-57
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO