* Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 sẽ lần đầu lộ diện trước công chúng
Army Recognition cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 Prometheus hiện đại nhất của Nga sẽ lần đầu tiên ra mắt công chúng tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế ARMY-2024 diễn ra từ ngày 12 đến 14-8 tại Moscow.
Các hình ảnh từ nhiều tài khoản mạng xã hội ở Nga cho thấy một xe phóng của hệ thống S-500 đã có mặt tại khu vực trưng bày để làm công tác chuẩn bị trước khi ARMY-2024 chính thức khai mạc. Army Recognition đánh giá, động thái này góp phần khẳng định Nga muốn chứng minh sức mạnh quân sự và năng lực công nghệ trên trường quốc tế, bất chấp tình hình địa chính trị căng thẳng và cuộc xung đột tại Ukraine chưa có hồi kết.
Xe phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 xuất hiện tại khu vực chuẩn bị trưng bày tại ARMY-2024. Ảnh: Russian Social Network |
Mặc dù đã tuyên bố đưa hệ thống S-500 vào biên chế, song quân đội Nga chỉ công bố hình ảnh của khí tài chứ chưa lần nào tổ chức trưng bày.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 được coi là một trong những chương trình phát triển vũ khí tham vọng nhất của quân đội Nga trong thập niên đầu thế kỷ 21. Cùng với các hệ thống phòng không sẵn có, hệ thống S-500 được đánh giá sẽ giúp tạo ra một chiếc ô phòng không vững chắc và tin cậy, chống lại mọi nguy cơ tấn công từ bên ngoài, từ đó bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Xét về khả năng phòng thủ tên lửa, S-500 có nhiều nét tương đồng so với hệ thống tiền nhiệm S-400 khi đều tiêu diệt được các loại máy bay, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, nhờ được trang bị các loại tên lửa đánh chặn hiện đại, S-500 được đánh giá là ưu việt hơn so với S-400 và các đối thủ hiện tại của nó khi có thể bắn hạ các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tên lửa hành trình siêu vượt âm, các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp và các loại tên lửa liên lục địa ở giai đoạn cuối, thậm chí là giai đoạn giữa của hành trình. Tầm bắn của S-500 lên tới 600km (xa hơn 200km so với S-400) và trần bắn là 200km.
* Hải quân Iran nhận tên lửa “né radar” Abu Mahdi
Hãng thông tấn Tasnim của Iran cho biết, lực lượng hải quân nước này đã nhận được tên lửa hành trình nội địa có tên Abu Mahdi, vốn được đặt tên theo Abu Mahdi al-Muhandis, Tư lệnh Lực lượng dân quân người Iraq, bị ám sát vào năm 2020.
Được công bố vào năm 2020, tên lửa có chiều dài 6m, đường kính 55cm, nặng 1.650kg với sải cánh 3,1m và đầu đạn nặng 410kg. Tên lửa được trang bị động cơ phản lực có khả năng bay ở tốc độ khoảng 900km/giờ, tầm bắn hơn 1.000km - gần gấp 3 lần so với các thế hệ tên lửa hành trình đời trước của Hải quân Iran. Điều này đưa Tehran vào nhóm nhỏ gồm các quốc gia có khả năng sản xuất tên lửa hành trình chống hạm tầm xa.
Tên lửa hành trình Abu Mahdi của Iran. Ảnh: EurAsian Times |
Tên lửa có thể được dẫn đường bằng vệ tinh, dẫn đường dựa trên radar chủ động và thụ động. Đáng chú ý, nó có thể bay ở độ cao thấp để né tránh các hệ thống radar, đồng thời tự động thiết kế biểu đồ đường bay tối ưu nhờ được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Sự khác biệt chính giữa Abu Mahdi với các tên lửa hành trình nội địa khác của Iran là hệ thống radar của tên lửa này có thể hoạt động hiệu quả chống lại hệ thống tác chiến điện tử của tàu khu trục đối phương, giúp gia tăng khả năng tàng hình và cho phép nó tiếp cận mục tiêu mà khó bị phát hiện.
Không rõ Iran đã sản xuất bao nhiêu tên lửa Abu Mahdi kể từ khi vũ khí này được đưa vào sử dụng, nhưng nếu được triển khai với số lượng lớn, chúng có thể cung cấp cho quân đội nước này quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển của Vịnh Ba Tư, Vịnh Oman và bao phủ gần như toàn bộ Biển Arab.
* Không quân Mỹ nhận trực thăng MH-139A đầu tiên
Theo Defense News, nhà thầu quốc phòng Boeing của Mỹ vừa bàn giao trực thăng MH-139A đầu tiên để đưa vào biên chế.
Chiếc máy bay này sẽ được triển khai tại căn cứ không quân Malmstrom ở bang Montana và thực hiện tuần tra các cơ sở tên lửa hạt nhân Minuteman III đặt xung quanh căn cứ.
MH-139A được Boeing phát triển từ dòng trực thăng AW139 của hãng Agusta Westland. Không quân Mỹ dự kiến sẽ bổ sung tối đa 80 chiếc MH-139A để thay thế vai trò của phi đội UH-1N Huey đã lỗi thời, song do tình hình ngân sách eo hẹp nên rút xuống chỉ còn 42 chiếc.
Trực thăng MH-139A. Ảnh: Air Force Times |
Đây là dòng trực thăng được dùng chuyên biệt cho các nhiệm vụ cấp chiến lược của Không quân Mỹ, trong đó có nhiệm vụ chuyên chở lãnh đạo quân sự cấp cao và bảo đảm an toàn cho các bãi thử cũng như cơ sở hạt nhân.
Về cấu hình, trực thăng MH-139A tương tự như AW139, với chiều dài 16,7m, cao 5m, đường kính cánh quạt 14m, trọng lượng rỗng 3,6 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 6,4 tấn, phi hành đoàn 2 người. Cửa trượt lớn được lắp ở hai bên thân máy bay. Máy bay có vận tốc tối đa hơn 310km/giờ, trần bay 6km, phạm vi hoạt động 1.000km, có thể chở 15 hành khách hoặc binh sĩ với trang bị đầy đủ và bay liên tục ít nhất 5 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.
Trực thăng có 2 giá treo bên ngoài và có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau, như tên lửa không dẫn đường hoặc súng máy có điều khiển và có thể được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử.
MINH ANH(tổng hợp)