* Sản lượng tên lửa Iskander của Nga tăng vọt
Theo Bulgarian Military, sản lượng tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander của Nga đã vượt mốc tăng trưởng của những năm trước và đang được sản xuất với số lượng lớn hơn nhiều so với bất kỳ năm nào trước đây. Tổng công trình sư Valery Kashin thuộc Phòng thiết kế KB Mashinostroyeniya cho biết việc bàn giao tên lửa cho quân đội cũng dự kiến sẽ tăng đáng kể so với năm 2023.
Trước đó, các chuyên gia quân sự cho rằng, cuối năm 2023 và đầu năm 2024 Nga sẽ gia tăng sử dụng tên lửa 9K720 Iskander trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trên thực tế, quân đội Nga đã tăng cường sử dụng tên lửa Iskander-M nhằm vào các mục tiêu Ukraine kể từ giữa tháng 3 năm nay. Chỉ cách đây 2 ngày, thành phố Odessa đã bị một tên lửa 9K720 Iskander tấn công và theo báo cáo của RBC-Ukraine, vụ tấn công đã gây thiệt hại cho một số tòa nhà hành chính của thành phố.
Sản lượng tên lửa Iskander của Nga tăng vọt. Ảnh: Bulgarian Military |
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn 9K720 Iskander có tầm bắn tối đa khoảng 500km, đạt hiệu quả cao trong việc tấn công các cơ sở hạ tầng mà đối phương không thể phản công.
Để đạt được tầm bắn này, tên lửa 9K720 Iskander sử dụng nhiên liệu đẩy rắn một giai đoạn, cho phép nó nhanh chóng đạt được tầm bắn tối đa. Cùng với hệ thống máy tính tích hợp cả hệ thống dẫn đường quán tính và quang học, tên lửa Iskander có thể duy trì chính xác quỹ đạo bay của nó với tốc độ cao, khiến việc đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn. Khi tiếp cận mục tiêu, Iskander phóng ra một loạt đầu đạn, bao gồm đầu đạn nổ mạnh thông thường, đầu đạn chùm và thậm chí cả đầu đạn hạt nhân. Điều này cho thấy tính linh hoạt của hệ thống tên lửa uy lực này.
* Hy Lạp mua 35 trực thăng UH-60M Black Hawk
Chính phủ Hy Lạp đã chính thức công bố kế hoạch mua 35 máy bay trực thăng UH-60M Black Hawk từ Công ty trực thăng Sikorsky thuộc Tập đoàn Lockheed Martin. Việc mua lại này sẽ được thực hiện thông qua chương trình mua sắm quân sự nước ngoài (FMS) với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ.
Chủ tịch Sikorsky Paul Lemmo cho biết: “Trực thăng UH-60M Black Hawk thế hệ mới nhất sẽ giúp thực hiện chương trình hiện đại quân đội của Bộ Quốc phòng Hy Lạp”. Được tin cậy và vận hành bởi hơn 35 quốc gia, bao gồm ngày càng nhiều các quốc gia thành viên NATO, trực thăng đa nhiệm Black Hawk có khả năng phối hợp tác chiến chưa từng có, giúp gia tăng đáng kể khả năng răn đe của Hy Lạp và tất cả các nước thành viên NATO. UH-60M Black Hawk sẽ đem lại cho Hy Lạp năng lực tác chiến mạnh hơn và khả năng tiếp cận hệ sinh thái toàn cầu gồm hơn 5.000 máy bay trực thăng Black Hawk khác.
Hy Lạp chính thức công bố kế hoạch mua 35 trực thăng UH-60M Black Hawk. Ảnh: Vệ binh quốc gia Wisconsin (Mỹ) |
Hợp đồng mua sắm này của Hy Lạp cũng bao gồm gói đào tạo nhân sự và trang thiết bị bảo đảm cho quân đội Hy Lạp tích hợp liền mạch với hệ thống sẵn có. Với việc bổ sung UH-60M Black Hawk vào đội trực thăng, trong đó có các trực thăng hải quân S-70B và MH-60R, Hy Lạp sẽ đồng bộ đội bay, nâng cao hiệu quả hoạt động.
* Ấn Độ tiếp nhận 24 tên lửa phòng không Igla-S
Moscow mới đây đã chuyển giao 24 hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S cùng 100 đạn tên lửa cho New Delhi. Việc giao hàng diễn ra vào cuối tuần qua và đã được Ấn Độ xác nhận và công bố chính thức vào ngày 9-4.
Đây là một phần trong thỏa thuận lớn hơn về đơn hàng tổng cộng 100 hệ thống phóng Igla-S và 400 đạn tên lửa được hai bên nhất trí vào cuối năm 2023. Trong số 400 tên lửa đã được đặt hàng, 100 tên lửa đầu tiên hiện đã được chuyển giao cùng 24 hệ thống phóng. Nga sẽ còn tiếp tục cung cấp thêm 76 hệ thống phóng và 300 đạn tên lửa của hệ tên lửa phòng không di động Igla-S cho phía Ấn Độ.
Theo Bulgarian Military, việc chuyển giao 24 hệ thống phóng Igla-S này chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, bởi việc cung cấp 76 hệ thống phóng và số đạn tên lửa còn lại về cơ bản sẽ được thực hiện thông qua thỏa thuận cấp phép cho Ấn Độ lắp ráp hệ thống Igla-S trong nước. Cách tiếp cận này liên kết quá trình mua sắm với sáng kiến “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) của chính phủ Ấn Độ. Hệ thống Igla-S Nga - Ấn Độ sẽ được thiết kế để triển khai cùng các đơn vị phòng không Ấn Độ đóng tại khu vực phía Bắc nước này.
Ấn Độ tiếp nhận 24 tên lửa phòng không Igla-S. Ảnh: Bulgarian Military |
Ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport, cho biết: “Chúng tôi đang hợp tác với một công ty tư nhân Ấn Độ để bắt đầu sản xuất hệ thống tên lửa vác vai MANPADS Igla-S ở Ấn Độ”.
Đáng chú ý, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong đó Nga vẫn duy trì vị thế là nguồn cung chính, ngay cả trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2018 đến năm 2022, Ấn Độ duy trì khoảng 45% lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga, Pháp đứng thứ hai với 29% và Mỹ chỉ là 11%.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)