* Tiêm kích Su-35E được chuyển đến Iran như thế nào?
Truyền thông Đức đưa tin, Không quân Iran đã nhận được 2 tiêm kích Sukhoi Su-35SE đầu tiên. Đây được đánh giá là bước tiến đáng kể trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân của Iran.
Theo trang tin Flugrevue của Đức, các máy bay chiến đấu đa năng này đã được tháo rời và vận chuyển đến Sân bay Mehrabad ở Tehran bằng máy bay vận tải quân sự Antonov An-124-100. Khi đến Tehran, các bộ phận máy bay được dỡ xuống để chuyển tiếp đến Căn cứ Không quân Chiến thuật số 3 gần thành phố Hamadan, nơi các máy bay sẽ được lắp ráp lại.
Theo Flugrevue, tiêm kích đa năng Su-35SE đã được tháo rời và vận chuyển đến Sân bay Mehrabad ở Tehran bằng máy bay vận tải quân sự Antonov An-124-100. Ảnh: theaviationgeekclub.com |
Flugrevue cũng lưu ý rằng, Iran ban đầu có kế hoạch mua 25 chiếc Su-35SE để thay thế phi đội Grumman F-14A Tomcats đã già cỗi tại Isfahan. Tuy nhiên, đơn đặt hàng sau đó đã tăng lên gấp đôi. Điều này cho thấy vai trò của Su-35SE trong lực lượng không quân Iran, có khả năng sẽ loại bỏ dần các máy bay chiến đấu McDonnell Douglas F-4E Phantom II đã cũ của nước này.
Để tích hợp những máy bay chiến đấu tiên tiến này vào kho vũ khí của mình, Iran phải sẽ phải trải qua một số bước về mặt thủ tục và hậu cần. Khi đến cơ sở ở Hamadan, các máy bay này sẽ được lắp ráp bởi nhóm chuyên gia, gồm việc kết nối các hệ thống quan trọng, hiệu chỉnh thiết bị điện tử hàng không và thử nghiệm các thành phần cơ khí và điện tử để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi lắp ráp, Su-35SE sẽ trải qua quá trình thử nghiệm trên mặt đất để kiểm tra các hệ thống động cơ, điều khiển bay và tích hợp vũ khí. Sau khi hoàn thành các cuộc kiểm tra, các phi công của Không quân Iran mới bắt đầu làm quen với chiến đấu cơ này với các chuyến bay thử nghiệm.
Ngoài phi công, đội ngũ mặt đất cũng sẽ phải trải qua quá trình đào tạo liên quan đến bảo dưỡng Su-35SE. Với hệ thống radar và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, Su-35SE đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ cao.
Cùng với đó, Iran cũng cần phải thiết lập chuỗi cung ứng phụ tùng đáng tin cậy, bởi bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay.
Việc mua lại máy bay chiến đấu này là minh chứng cho nỗ lực của Iran trong hiện đại hóa lực lượng không quân nước mình, đồng thời giải quyết tình trạng phụ thuộc vào các nền tảng đã lỗi thời. Tuy nhiên, Flugrevue nhấn mạnh, sẽ phải mất thời gian dài để máy bay này có thể hoạt động chính thức bởi quá trình lắp ráp, đào tạo và bảo trì dự kiến sẽ tốn nhiều thời gian.
Su-35SE được trang bị các hệ thống tiên tiến giúp chiến đấu cơ này trở thành sự bổ sung đáng gờm cho bất kỳ lực lượng không quân nào. Một trong những điểm đáng chú ý của máy bay này là radar N035 Irbis-E với khả năng phát hiện và theo dõi đồng thời tới 30 mục tiêu trên không ở phạm vi hơn 400km. Máy bay còn được trang bị động cơ đẩy vectơ, mang lại khả năng cơ động trong không chiến và thực hiện các động tác trên không phức tạp.
Về vũ khí, Su-35 có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo, bao gồm tên lửa không đối không như R-77 và R-73, vũ khí không đối đất như Kh-29 và Kh-31, và bom dẫn đường chính xác. Máy bay cũng được trang bị hệ thống đối phó điện tử Khibiny, giúp tăng khả năng sống sót bằng cách gây nhiễu radar và tên lửa của đối phương.
* Ba Lan tăng cường lực lượng mặt đất với K2 Black Panther
Theo Bulgarian Military, Ba Lan đang nỗ lực tăng cường khả năng của lực lượng mặt đất với quyết định mua lại xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther của Hàn Quốc.
Theo kế hoạch, Quân đội Ba Lan sẽ nhận được 96 xe tăng K2 trong năm 2025. Đây là một phần của thỏa thuận mua 180 chiếc trị giá 3,4 tỷ USD được ký vào tháng 8-2022. Kể từ tháng 12-2022, Ba Lan đã tiếp nhận 77 xe tăng K2, bao gồm 6 chiếc được giao vào tháng 11-2024. Cũng theo Bulgarian Military, đến năm 2026, số lượng xe tăng K2 của Ba Lan sẽ tăng lên theo cấp số nhân khi đơn đặt hàng lớn hơn gồm 820 xe tăng sẽ bắt đầu được giao.
Các xe tăng được giao từ năm 2026 sẽ được lắp ráp tại Ba Lan và sẽ được tùy chỉnh với lớp giáp gia cố, hệ thống bảo vệ chủ động mới và hệ thống quản lý chiến trường do nước này sản xuất. Hyundai Rotem, công ty phát triển K2, cũng đã đồng ý chuyển giao công nghệ như một phần của thỏa thuận.
Xe tăng K2 Black Panther của Quân đội Ba Lan. Ảnh: militarywatchmagazine.com |
Việc mua xe tăng K2 chỉ là một thành phần trong kế hoạch hiện đại hóa toàn diện lục quân của Warsaw, bao gồm việc mua một số lượng lớn pháo tự hành K9 của Hàn Quốc, pháo phản lực Chunmoo, xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất và hệ thống tên lửa HIMARS. Những thương vụ mua lại này đưa Ba Lan trở thành quốc gia có lực lượng lục quân mạnh thứ 2 trong NATO, chỉ sau Mỹ về hỏa lực và năng lực tổng thể.
* Italy bàn giao tàu đổ bộ tiên tiến LPD 'Al Fulk' cho Qatar
Ngày 29-11, Fincantieri, công ty đóng tàu nổi tiếng của Italy, đã chính thức bàn giao tàu đổ bộ "Al Fulk" cho Bộ Quốc phòng Qatar. Buổi lễ được tổ chức tại xưởng đóng tàu Muggiano của Fincantieri, đánh dấu sự thành công của chương trình hiện đại hóa quan trọng cho lực lượng hải quân nước này.
"Al Fulk" là một tàu vận tải đổ bộ tiên tiến, được phát triển như một phiên bản nâng cao của tàu lớp San Giorgio. Với chiều dài 143m, rộng 21,5, trọng tải 8.800 tấn, tàu được đánh giá là nền tảng linh hoạt cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tàu được trang bị hai động cơ diesel Wärtsilä 12V32, tạo ra tổng công suất 12.000 kW (tương đương 16.000 mã lực). Hệ thống đẩy này cho phép tàu đạt tốc độ tối đa 36km/giờ và phạm vi hoạt động lên tới 16.600km ở tốc độ hành trình 27km/giờ, giúp phương tiện này phù hợp với các đợt triển khai dài ngày.
"Al Fulk" được trang bị hai bãi đáp trực thăng, một ở mũi và một ở đuôi tàu, với khả năng mang tối đa 3 trực thăng NH90 và có thêm khoang chứa máy bay để bảo dưỡng. Được thiết kế để chở tới 440 binh lính cùng với đội ngũ thủy thủ đoàn 150 thành viên, tàu có thể hoạt động như phương tiện vận chuyển quân hoặc một trung tâm chỉ huy di động.
Hình ảnh tàu đổ bộ tiên tiến mới được đưa vào sử dụng của Qatar, LPD 'Al Fulk', Ảnh: Fincantieri |
Khả năng nổi bật của "Al Fulk" là phòng thủ tên lửa đạn đạo, nhờ được trang bị các hệ thống cảm biến như radar mảng pha quét điện tử chủ động Leonardo Kronos Power Shield để giám sát tầm xa và phát hiện tên lửa. Tàu cũng được trang bị 2 hệ thống phóng thẳng đứng SYLVER A50 với 8 ống phóng, có khả năng triển khai các tên lửa Aster 15 và Aster 30, giúp bảo vệ tàu khỏi các mối đe dọa trên không và tên lửa đạn đạo.
Tính linh hoạt của "Al Fulk" cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cứu trợ thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, triển khai lực lượng và phòng thủ hải quân. Con tàu này thể hiện tham vọng của Qatar trong việc hiện đại hóa năng lực hải quân, củng cố vị thế chiến lược và sự sẵn sàng giải quyết các thách thức an ninh khu vực.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)