Tuy nhiên, lịch sử thế giới cho thấy, bên cạnh công cụ ngoại giao, hòa bình chỉ được duy trì bởi các chiến lược quốc phòng đúng đắn, với những loại vũ khí đủ sức răn đe... Trong kỷ nguyên số của quân sự nền tảng (platform military), các nền tảng được nối mạng đã trở nên quan trọng đối với những hoạt động quân sự khi các nền tảng kỹ thuật số hiện nay củng cố hoạt động tác chiến, xử lý dữ liệu và chia sẻ thông tin trên cơ sở toàn cầu với độ chính xác cao.
Chiến lược quốc phòng của Việt Nam dựa trên sức mạnh nội lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Đặc biệt mới đây, trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nguyên tắc: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
UAV do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel sản xuất được các đối tác quốc tế đánh giá cao. Ảnh: TRÀ MY |
Nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện một chiến lược an ninh quốc phòng trong kỷ nguyên của nền tảng quân sự, theo những chuyên gia quân sự, các nước có xu hướng nghiên cứu sâu 3 nội dung:
Quân sự nền tảng
Sự phức tạp ngày càng tăng của chiến tranh có nghĩa là số lượng lớn bên tham gia, lượng dữ liệu khổng lồ và môi trường địa lý phức tạp đòi hỏi phải sử dụng rộng rãi nhiều thuật toán cho các hoạt động quân sự. Trước đây, các hoạt động quân sự truyền thống thường định hình sẵn quá trình đưa ra quyết định thì ngày nay, kỹ thuật số và những ứng dụng dựa trên dữ liệu ở thời gian thực trở thành nền tảng nhằm tăng cường các hoạt động quân sự. Việc sử dụng các cảm biến và mạng vệ tinh để thu thập, truyền tải và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ đã trở nên quan trọng để kết nối đất liền, biển và không gian.
Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, dữ liệu thúc đẩy vòng lặp OODA-“Observation-Orientation-Decision-Action” (quan sát-định hướng-quyết định-hành động), vì vậy, nhiều quốc gia có xu hướng xây dựng một chiến lược quân sự nền tảng tiêu chuẩn theo 3 hướng chủ đạo: (1) Xây dựng đám mây quân sự phòng thủ nhằm phân tích và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực từ trung tâm chỉ huy đến chiến trường, đẩy nhanh chu kỳ quyết định trong quá trình phát triển của chiến tranh hiện đại; (2) Trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập dữ liệu trên AIP-“Artificial Intelligence Platform” (nền tảng trí tuệ nhân tạo). AIP cung cấp cho các nhà điều hành quân sự mạng liên lạc riêng nhằm quản lý tốt hơn các tài nguyên chiến trường thông thường (chẳng hạn như máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh, chuỗi cung ứng v.v..); (3) Tác chiến với tốc độ dữ liệu: Khi dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng thì sự cạnh tranh giữa tốc độ truyền tải của dữ liệu và tốc độ hành động, xử lý thông tin của con người cũng tăng theo dẫn đến việc phải đẩy nhanh vòng lặp OODA tới tốc độ vượt quá khả năng của con người. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất trong việc phát triển quân sự nền tảng trong tương lai.
Xu hướng công nghệ vũ khí
Đổi mới công nghệ luôn định hình bản chất của chiến tranh, hiện nay, quy mô và tốc độ thay đổi công nghệ đương đại là chưa có tiền lệ. Ở đây có thể điểm qua 5 xu hướng cơ bản định hình thị trường vũ khí trong kỷ nguyên quân sự nền tảng:
(1) Tên lửa siêu thanh, là loại đạn có thể đạt hoặc vượt quá Mach 5-những loại đạn có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Hiện tại không có hệ thống phòng thủ nào có khả năng ngăn chặn hệ thống tên lửa siêu thanh khi chúng đang bay;
(2) Internet vạn vật quân sự (IoMT): Bao gồm nhiều loại thiết bị kết nối internet có thể được sử dụng bởi những người lính ở tiền tuyến. Những thiết bị tiên tiến này có thể thu thập dữ liệu sinh trắc học quan trọng, phân tích điều kiện chiến trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chiến lược các tài sản quân sự. Các thiết bị IoMT sẽ cho phép chia sẻ dữ liệu liền mạch trên toàn bộ lực lượng chiến đấu;
(3) Hệ thống không người lái là máy bay không người lái hay phương tiện bay không người lái (UAV). Hiện nay đang có sự gia tăng nhu cầu về phương tiện không người lái trên mặt nước (USV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV). Các phương tiện không người lái rất hấp dẫn vì chúng có thể thực hiện những nhiệm vụ quan trọng mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của quân nhân;
(4) Đào tạo thực tế ảo (Virtual reality-VR) là một phần rất quan trọng trong chương trình phát triển đào tạo và huấn luyện của quân đội hiện đại;
(5) Chiến tranh mạng (Cyber warfare-CW) đang được sử dụng trong quá trình gia tăng số hóa của quân đội các nước trên khắp thế giới. Điều này đã làm cho CW trở thành vũ khí đáng lo ngại trong chính sách an ninh quốc phòng đối với mọi quốc gia trong việc phát triển phương pháp bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng và những nỗ lực nâng cao năng lực chiến tranh mạng của chính mình.
Công nghệ lưỡng dụng
Quân đội và chính phủ trên khắp thế giới đang ngày càng tập trung vào cách thức và lĩnh vực mà các công nghệ thương mại tiên tiến, những đổi mới và đột phá có thể tạo ra những năng lực mới về sức mạnh, lợi thế và đòn bẩy quân sự. Quá trình khai thác các công nghệ tiên tiến dựa trên dân sự này cho mục đích quân sự được gọi là MCF-“Military-civil fusion” (giao thoa quân sự-dân sự). MCF về cơ bản là chuyển giao các công nghệ thương mại tiên tiến sang sử dụng trong quân sự thông qua việc phát triển quân sự-dân sự chung và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào những sản phẩm quân sự.
Một nền quốc phòng được tổ chức tốt, phát triển và liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân dụng là một công cụ không thể thiếu để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Không chỉ lực lượng vũ trang mà công nghiệp nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng cũng là một bộ phận cấu thành chính của nền quốc phòng toàn dân. Chính vì vậy, phát triển sản xuất công nghiệp dân sự liên kết với ngành công nghiệp quốc phòng phải là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế để tạo ra những sản phẩm lưỡng dụng kỳ diệu của Việt Nam. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chính là tạo thể chế rất quan trọng cho xu hướng nói trên.
Ngoài ra, không giống như những phát triển công nghệ trong quá khứ (ví dụ như vũ khí nguyên tử hoặc máy bay tàng hình), sẽ không có quốc gia nào độc quyền về công nghệ kỹ thuật số do hầu hết tiến bộ trong lĩnh vực này hiện nay đều được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chứ không phải chính phủ, nên các công nghệ quân sự trong tương lai có thể sẽ phát triển nhanh chóng trên một thị trường toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải vừa cạnh tranh vừa hợp tác mạnh mẽ ở cả hai cấp độ chính phủ và doanh nghiệp trên bình diện quốc tế.
Cùng với nhận thức đúng về bối cảnh quốc phòng, an ninh mới, thực hiện hiệu quả chiến lược quốc phòng toàn dân, việc phát triển mô hình quân sự nền tảng, nắm bắt xu hướng công nghệ vũ khí mới và đặc biệt là mô hình công nghiệp lưỡng dụng, chắc chắn chúng ta sẽ cộng hưởng sức mạnh tổng hợp của dân tộc để thực hiện tốt mục tiêu và tầm nhìn của Đảng, Nhà nước trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
TS ĐOÀN DUY KHƯƠNG