Quản lý thiên tai – điểm sáng nổi bật trong hợp tác ASEAN

Khánh Linh| 25/12/2023 08:22

Hợp tác trong quản lý thiên tai là một nội dung quan trọng trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của hợp tác ASEAN.

Indonesia hiện đang đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ cháy rừng và đất than bùn do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan. (Nguồn: Hum News)
Indonesia đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ cháy rừng và đất than bùn do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan. (Nguồn: Hum News)

Đông Nam Á, khu vực có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những đợt thiên tai vốn ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất. Số liệu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về châu Á-Thái Bình Dương cho thấy, các thảm họa thiên gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia trong khu vực trung bình hằng năm lên tới 86,5 tỷ USD.

Theo Báo cáo về Khảo sát triển vọng khí hậu Đông Nam Á 2023 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á công bố hồi tháng 9 vừa qua, gần 50% người dân ASEAN nhận thức rõ biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đời sống của họ. Kết quả khảo sát cho thấy, người dân ASEAN xác định, ba tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu hiện nay là lũ lụt, nắng nóng và hạn hán.

Những cơ chế hợp tác nổi bật

7h58 sáng ngày 26/12/2004, trận động đất có độ lớn 9,1 ngoài khơi phía Bắc đảo Sumatra gây ra cơn sóng thần cao tới 17,4 m quét qua các khu vực ven biển của 14 quốc gia, trong đó có Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka... cướp đi sinh mạng của 230.000 người.

Sự kiện này là động lực để ra đời Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER), đặt nền móng vững chắc về mặt pháp lý cho sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực trong quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp trong khu vực.

Ngay sau đó, Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong xử lý thảm họa (AHA) cũng đã được thiết lập tạo điều kiện cho các nước tăng cường phối hợp và hợp tác. Đây cũng là kênh chính thức phối hợp với các tổ chức của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế liên quan trong hoạt động ứng phó với các thảm họa.

Kể từ khi thành lập vào năm 2023, Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) liên tục mở rộng việc hợp tác với các đối tác bên ngoài bao gồm các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức phi chính phủ. Nỗ lực này thể hiện cam kết của ACDM trong việc hợp tác với các nước khác nhằm xây dựng khả năng phục hồi sau thảm họa trong khu vực.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như các Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030.

Khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam

Năm 2023, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai. Theo đó, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 và các phiên họp của ACDM, cùng nhiều hoạt động liên quan khác do Việt Nam chủ trì, được tổ chức tại nước ta.

Chủ đề do Việt Nam đề xuất “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” nhấn mạnh tới việc thay đổi hướng tiếp cận trong quản lý rủi ro thiên tai của các nước ASEAN, chuyển từ ứng phó mỗi khi có thiên tai sang hành động sớm. Việc các quốc gia ASEAN ngày càng chú trọng tới hành động sớm thể hiện sự gia tăng cam kết trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận trong công tác quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Ngày 12/10/2023, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) diễn ra Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quản lý thiên tai lần thứ 11.

Các Bộ trưởng, Thứ trưởng các nước thành viên ASEAN tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 12/10/2023. (Nguồn: TTXVN)

Đáng chú ý, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 8-13/10, đã thông qua “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN”. Tuyên bố khẳng định cam kết của Bộ trưởng về lĩnh vực quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN trong việc tăng cường thực hiện hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN, đặc biệt là thực hiện ba trụ cột chính gồm: thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; lập kế hoạch, vận hành và thực hiện; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn.

Có thể nói tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của Việt Nam trong hợp tác ASEAN nói chung tiếp tục được phát huy trong hợp tác về quản lý thiên tai. Việt Nam phấn đấu thể hiện vai trò dẫn dắt trong ASEAN không chỉ trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế mà còn thể hiện trên phương diện văn hóa-xã hội, mà ở đây là bảo đảm an toàn cho cộng đồng trước thiên tai.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quản lý thiên tai – điểm sáng nổi bật trong hợp tác ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO