Chờ 4 tháng vẫn chưa tới lượt xạ trị
Chen chúc qua hàng trăm bệnh nhân mệt mỏi chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, chúng tôi cũng đến được phòng bệnh của Khoa Điều trị tia xạ. Sâu trong góc phòng, ông Võ Văn Lâm (tỉnh Vĩnh Long) đang đối diện với đau đớn do khối u ở cổ.
“Bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, tôi phẫu thuật xong, hằng ngày đều được thăm hỏi và động viên. Nhưng mà... tôi đợi 4 tháng rồi vẫn chưa tới lượt xạ trị” - ông Lâm nghẹn ngào.
Chúng tôi tiếp tục đến phòng điều khiển của khoa để trực tiếp ghi nhận công tác xạ trị cho bệnh nhân. Vừa làm việc, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Hòa vừa nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức lực nhưng do chỉ có một máy xạ trị nên không đáp ứng được nhu cầu bệnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ ngày đến đêm, chúng tôi phải vào ra nơi có hàng chục, hàng trăm bệnh nhân mòn mỏi chờ đợi. Họ đau đớn còn chúng tôi thì đau lòng và áp lực.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Phong - Trưởng khoa Điều trị tia xạ thông tin, khoa đang sử dụng máy xạ trị Cobalt 60 để xạ trị cho bệnh nhân khu vực ĐBSCL. Đây cũng là chiếc máy duy nhất được trang bị tại bệnh viện. “Máy xạ trị Cobalt đưa vào sử dụng từ năm 2010, là máy lạc hậu mà không bệnh viện nào còn dùng nữa.
Tuy nhiên, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ phải sử dụng hết công suất vì có quá nhiều bệnh nhân chờ đợi” - bác sĩ Phong bày tỏ.
Khẩn thiết xin đầu tư
Để đáp ứng điều trị cho 300 lượt bệnh chờ đợi mỗi ngày, Khoa Điều trị tia xạ đã chia 4 ca trực xạ trị cả ngày lẫn đêm. Mỗi lượt xạ trị trung bình từ 15 - 20 phút, đáp ứng được khoảng 75 người/ngày. Trong khi đó, đối với hệ thống máy xạ trị gia tốc hiện đại mà các bệnh viện trên cả nước đang sử dụng, mỗi lượt xạ trị chỉ kéo dài 5 - 7 phút, rút ngắn được khoảng 1/3 thời gian. Trao đổi với Lao Động, ông Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ - cho biết, bệnh viện đã trình các cơ quan chức năng của thành phố từ 6 tháng trước để khẩn thiết xin được đầu tư mới hệ thống máy xạ trị gia tốc thay thế cho máy xạ trị Cobalt lạc hậu.
"Nếu không kịp thời đầu tư các trang thiết bị này trong thời gian sớm nhất thì có thể bệnh viện phải ngưng hoạt động hệ thống xạ trị. Ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau hay Trà Vinh đều đã có hệ thống máy xạ trị gia tốc nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đến xạ trị được. Thứ nhất, họ phải di chuyển xa và kế đến, đa số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn lệ thuộc vào bảo hiểm y tế. Chúng tôi không ngoại trừ khả năng rằng khi Cần Thơ ngưng hoạt động hệ thống xạ trị sẽ có rất nhiều bệnh nhân không được xạ trị kịp thời" - vị giám đốc nói thêm.
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 4.7, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết, tại Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu có 2 cơ sở. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân khám và điều trị lớn vì toàn bộ khu vực miền Tây chỉ có một trung tâm điều trị chất lượng cao tại TP Cần Thơ nên dẫn tới tình trạng quá tải.“Để giải quyết tình trạng này, trước mắt Sở Y tế đang làm tờ trình cho UBND thành phố thông qua chủ trương bổ sung thêm một máy xạ trị cho Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ trong công tác xạ trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu để sớm tái khởi động lại Bệnh viện Ung bướu 500 giường sử dụng nguồn ODA của Hungary” - ông Cường cho hay. Được biết, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường) được UBND thành phố quyết định và phê duyệt ngày 25.1.2017, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng. Bệnh viện khởi công vào tháng 10 cùng năm, tuy nhiên, do vướng mắc nguồn vốn nên dang dở.