Khó đạt doanh thu như kỳ vọng, bài học nào cho ê kíp phim Đất rừng phương Nam?
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 22:03, 06/11/2023
Xem thêm: Dũng ‘khùng’ đính chính, khán giả chê ‘đạo diễn giải thích phim là dở rồi’
Doanh thu 150 tỷ đồng của Đất rừng phương Nam là thành công hay thất bại?
Theo thống kê của trang Box Office Vietnam, doanh thu Đất rừng phương Nam tính đến ngày 6/11 có được hơn 134 tỷ đồng. Nhiều khả năng phim sẽ chạm mốc 150 tỷ đồng sau hơn 1 tháng công chiếu.
Doanh thu này được xem là ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh phần lớn phim Việt thất bại kể từ sau dịch Covid-19 đến nay.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác việc Đất rừng phương Nam được hậu thuẫn lớn từ sân nhà, doanh thu nói trên rõ ràng là một thất bại đối với bộ phim tốn nhiều giấy mực lẫn kỳ vọng từ truyền thông cùng fan điện ảnh Việt Nam.
Với dự án được đầu tư lớn, công phu nên các nhà sản xuất, phát hành gần như dọn chỗ sẵn cho Đất rừng phương Nam có cơ hội độc chiếm thị trường trong nước.
Cụ thể, thời điểm phim được phát hành vào tháng 10, gần như không có phim Việt nào đủ sức cạnh tranh (ra rạp cùng lúc chỉ có Thành phố không ngủ), phim nước ngoài cũng không có dự án nào được xem là “bom tấn”. Thế nên, tất cả suất chiếu đều dồn cho Đất rừng phương Nam với kỳ vọng sẽ có cú nổ phòng vé, nhằm vực dậy thị trường èo uột hiện tại.
Vì được dọn đường sẵn, bộ phim của Nguyễn Quang Dũng có những thống kê ấn tượng ban đầu khi chỉ sau 3 ngày công chiếu, doanh thu cán mốc 45 tỷ đồng khá nhanh chóng.
Thậm chí có những ngày Đất rừng phương Nam giành tới 5.000 suất chiếu/ngày theo thống kê trên báo điện tử Tiền Phong, con số khiến những bộ phim ra cùng thời điểm phải ghẹn tị
Sự khởi đầu khá hanh thông nên tại buổi chiếu ra mắt ở TP.HCM, với tư cách nhà đầu tư, Trấn Thành cũng chia sẻ rằng phim thắng hay thua cứ nhìn doanh thu 3 ngày đầu sẽ rõ.
Và ai cũng ngỡ Đất rừng phương Nam ở thế một mình một ngựa sẽ dễ dàng về đích bằng doanh thu kỷ lục, nhưng rồi những tranh cãi khiến bộ phim này có một cú ngã đau đớn…
Những cuộc khẩu chiến trên MXH: Phim gây tranh cãi sẽ thắng?
Từ nhiều năm nay, những người làm phim thường truyền đi thông điệp: Khi khán giả bàn tán về bộ phim (dù khen hay chê) tức gây chú ý là đáng mừng hơn còn hơn không được ai nhắc đến.
Có nghĩa dù phim hay hay dở không quan trọng, nếu dư luận bàn tán, gây nhiều tranh cãi mặc nhiên sẽ thắng. Ở một khía cạnh, trường hợp nào đó, điều này có thể đúng, nhưng dường như phim Đất rừng phương Nam lại là ngoại lệ.
Nói ví von, phim Đất rừng phương Nam "chơi dao và bị đứt tay" dù vô tình hay cố ý sau hàng loạt drama, tranh cãi ngay từ khi ra mắt dự án tới lúc công chiếu.
Khi phim đến gần ngày công chiếu, khán giả bàn tán nhiều về Trấn Thành. Từ tạo hình vai bác Ba Phi đến những phát ngôn gây chú ý của ông xã Hari Won thời gian qua đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay, điều này hoàn toàn gây bất lợi cho bộ phim.
Nhưng Trấn Thành không phải nguyên nhân duy nhất khiến đám đông tranh cãi. Khi phim đang công chiếu, người ta tiếp tục bàn tán yếu tố lịch sử, chuyện người Hoa tham gia phòng trào chống Pháp mà không phải Việt Minh và trang phục không thuần Việt... điều này dấy lên làn sóng phản đối tẩy chay trong dư luận.
Dù nhiều nơi nói về Đất rừng phương Nam, cũng có sự ủng hộ... nhưng rốt cuộc làn sóng tẩy chay phim vẫn là khá rầm rộ buộc đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phải lên tiếng.
Nhưng việc này được ví như “châm dầu vào lửa” khiến cuộc chiến không có hồi kết.
Xem thêm: Đạo diễn Dũng ‘khùng’: ‘Nhiều người vùi dập, triệt tiêu Đất rừng phương Nam’
Những lý do trên đã tác động mạnh mẽ đến doanh thu của Đất rừng phương Nam. Và việc phim không cán mốc 200 tỷ đồng như kỳ vọng có lẽ khiến các đoàn phim phải rút ra bài học cay đắng: Không phải cứ gây tranh cãi là phim sẽ thắng.
Đã qua thời báo chí/mạng xã hội khen phim là khán giả sẽ xem phim đó. Ngày nay, lớp khán giả trẻ có những tiêu chí riêng và họ không dễ dàng bị “dắt mũi” như trước. Họ thường xem phim dựa trên yếu tố “truyền miệng” nhiều hơn. Nghĩa là một người đi xem, có những trải nghiệm tốt, họ sẽ tác động đến bạn bè, người thân nhiều hơn là những lời có cánh trên MXH.
Khi mọi thứ đang dần thay đổi, nhà làm phim buộc phải có cách tiếp cận khán giả khác đi thay vì áp dụng những công thức truyền thống.