Phút hoảng hồn của nữ phát thanh viên khi già làng dọa đổ cơm xuống suối

03/10/2024 09:32

Từ phản ứng dữ dội của già làng, nữ cán bộ truyền thông cơ sở nhận ra rằng, để truyền thông hiệu quả, cần phải tìm hiểu sâu sắc về tâm lý, phong tục, tập quán của bà con.

Lời tòa soạn: Thông tin cơ sở là lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài viết về công việc của những người làm công tác thông tin cơ sở.

Một buổi trưa nắng gắt tại xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, chị Nguyễn Thị Kim Thuê – nữ cán bộ truyền thanh cơ sở xã bước vào nhà rông của làng với nụ cười thân thiện. Chị đến để tuyên truyền về một chính sách mới của Nhà nước, với mong muốn bà con dân làng nắm bắt kịp thời thông tin.

Chị không ngờ rằng, chỉ vài phút sau, mình sẽ đối diện với ánh mắt giận dữ của già làng và lời dọa nạt xen lẫn sự trách móc: "Nếu cán bộ không ăn cơm, mình sẽ đổ hết xuống suối!". Phút hoảng hồn ấy đã trở thành kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề của nữ tuyên truyền viên cơ sở, một hành trình gian truân nhưng cũng tràn đầy tình yêu và sự đam mê.

Học tiếng Bana để viết bản tin phát lúc 5 giờ sáng

Chị Thuê bắt đầu công tác tại xã Đăk Kơ Ning từ năm 2011, khi mới tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quản lý du lịch. Ban đầu, chị không hình dung được mình sẽ gắn bó với công việc của một công chức văn hóa – xã hội tại một vùng đất xa xôi như Đăk Kơ Ning. Nhưng cơ duyên đã đưa chị đến với nghề khi xã tuyển dụng và chị thấy bằng cấp của bản thân phù hợp.

"Nhiệm vụ chính của tôi là công chức văn hóa xã hội của xã, phụ trách các lĩnh vực như thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, phong trào toàn dân...", chị chia sẻ.

W-Hình ảnh hoạt động thông tin cơ sở 1.jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Thuê – nữ cán bộ truyền thanh cơ sở xã Đăk Kơ Ning. Ảnh: NVCC

Mỗi ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Kim Thuê đều bắt đầu từ 4 rưỡi sáng. Chị thức dậy, vận hành đài truyền thanh xã, chuẩn bị và phát sóng các bản tin cho bà con.

"Đài phát thanh xã có hai chương trình phát sóng: từ 5h đến 6h30 sáng và từ 17h đến 18h30 chiều. Xen lẫn giữa 2 khoảng thời gian đó, tôi tiếp tục công việc hành chính tại cơ quan", chị kể.

Với 80% dân số là người đồng bào dân tộc Ba Na, công tác truyền thông cơ sở tại địa bàn xã Đăk Kơ Ning đòi hỏi sự linh hoạt và hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán và văn hóa địa phương.

Do cuộc sống đặc thù gắn liền với công việc nương rẫy, người dân Đăk Kơ Ning thường thức dậy từ rất sớm. Nếu muốn gặp trực tiếp bà con để trao đổi công việc, cán bộ truyền thông cơ sở phải đi từ sáng sớm hoặc chiều tối muộn.

Đó cũng là lý do các bản tin phát thanh của xã Đăk Kơ Ning buộc phải phát vào lúc 5h chiều hoặc khi sáng tinh mơ.

W-Cụm truyền thanh Làng TKăt.jpg
Cụm loa truyền thanh làng TKắt, xã Đăk Kơ Ning. Ảnh: NVCC

"Nếu chỉ viết bản tin bằng tiếng Kinh, bà con sẽ khó hiểu hết. Do vậy cán bộ công chức ở đây bắt buộc phải biết tiếng Ba Na để giao tiếp với bà con. Tôi phải lồng ghép thêm các bản tin bằng tiếng Ba Na, đôi khi tự mình soạn hoặc xin từ đài huyện", chị giải thích.

Để làm được điều đó, chị Kim Thuê đã phải học thêm lớp tiếng Ba Na do huyện mở trong vòng một năm. Tuy vậy, trong quá trình soạn bản tin, khi gặp những từ ngữ khó, chị phải chủ động tìm gặp các già làng, trưởng bản hoặc các anh chị làm công tác thanh niên, phụ nữ cơ sở để nhờ hỗ trợ thêm.

Không chỉ soạn thảo và phát sóng các bản tin, để tuyên truyền tốt nhất các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, chị Thuê còn thường xuyên lặn lội xuống các thôn làng xa xôi, có khi phải ở lại qua đêm để kịp gặp bà con vào sáng sớm.

"Đường đi từ huyện xuống xã rất khó khăn, phải đi qua 9 con suối. Nếu gặp trời mưa, chỉ có nước ở đâu đứng nguyên ở đó chứ không thể qua lại được. Nhưng vì công việc, mình phải cố gắng", chị chia sẻ với nụ cười lạc quan.

Hiểu tâm lý, phong tục bà con mới làm tốt truyền thông cơ sở

Sau 13 năm công tác, chị Kim Thuê có không ít kỷ niệm trong suốt chặng đường dài làm công tác thông tin cơ sở. Một trong số đó là kỷ niệm khó quên khi những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ tại xã Đăk Kơ Ning.

Sau buổi tuyên truyền tại nhà rông, chị được già làng mời ở lại dùng cơm. Do chưa hiểu rõ phong tục, chị lịch sự từ chối, với ý nghĩ không muốn làm phiền, sợ bà con tốn kém.

Nào ngờ, già làng nổi giận nói lớn: “Cán bộ xuống thôn làng. Bà con rất thương, rất quý nên mời cơm, cán bộ chê thì mình đem mình đổ hết ra ngoài suối kia. Nếu không ở lại ăn thì ngày mai khỏi phải xuống, khỏi phải gặp nữa”. Nghe thấy già làng nói vậy, nữ phát thanh viên hoảng hồn, vì chưa từng xử lý trường hợp như thế bao giờ.

"Chỉ khi già làng giải thích, tôi mới hiểu rằng việc từ chối ăn cơm là một sự thiếu tôn trọng, có thể làm tổn thương lòng hiếu khách của bà con. Từ đó, tôi nhận ra mình cần phải tìm hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán của họ để làm tốt công việc", chị tâm sự.

W-Thanh niên tập cồng chiêng.jpg
Thanh niên người đồng bào Ba Na xã Đăk Kơ Ning luyện tập chơi cồng chiêng. Ảnh: NVCC

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hiểu tâm lý và văn hóa địa phương, chị Thuê bắt đầu dành nhiều thời gian để học hỏi và tiếp xúc với bà con, tìm hiểu những điều kiêng kỵ, phong tục lễ hội, và thường xuyên trò chuyện với các già làng.

Chị hiểu rằng, chỉ khi mình hiểu và tôn trọng phong tục của bà con, họ sẽ mở lòng hơn, sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận thông tin

Nhờ sự thấu hiểu và gần gũi, chị Kim Thuê đã giúp bà con xã Đăk Kơ Ning tiếp cận với nhiều thông tin hữu ích. "Khi bà con nghe đài, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, họ đã mua máy xay xát, giảm bớt công việc nặng nhọc. Nhìn thấy sự thay đổi tích cực ấy, tôi cảm thấy mọi nỗ lực của mình đều đáng giá", chị nói với niềm tự hào.

Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Là một phụ nữ, chị Thuê gặp không ít khó khăn trong việc xử lý các vấn đề kỹ thuật của đài truyền thanh. "Khi loa hỏng, mình không thể tự leo trèo để sửa chữa mà phải nhờ người nọ, người kia, hoặc mời cán bộ ở huyện, ở nơi khác xuống khắc phục”.

Cán bộ phát thanh cơ sở ngoài làm việc theo giờ hành chính, còn phải đảm bảo việc vận hành đài truyền thanh ở 2 khung giờ sáng, chiều, nhưng hiện không có phụ cấp gì thêm cho công việc kiêm nhiệm.

Mong mỏi của chị Thuê và các cán bộ truyền thanh cấp cơ sở là Nhà nước và các ban ngành quan tâm hơn đến đời sống của các tuyên truyền viên cơ sở, có cơ chế phụ cấp cho người trực tiếp quản lý đài truyền thanh.

Bất chấp những khó khăn, điều khiến chị Kim Thuê gắn bó với công việc chính là niềm vui khi thấy bà con hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, các tuyên truyền viên cơ sở như chị Kim Thuê không chỉ giúp bà con nắm bắt kịp thời thông tin, mà còn góp phần thay đổi cuộc sống của họ theo hướng tích cực hơn.

Bài 2: Người cán bộ 45 năm gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/phut-hoang-hon-cua-nu-phat-thanh-vien-khi-gia-lang-doa-do-com-xuong-suoi-2324995.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/phut-hoang-hon-cua-nu-phat-thanh-vien-khi-gia-lang-doa-do-com-xuong-suoi-2324995.html
Bài liên quan
  • Học sinh, sinh viên chung tay bảo vệ môi trường
    Vừa qua, Striped Project đã tổ chức thành công LƯỢM ĐÂY II 2024: ANTHERAL - sự kiện thứ 3 của chặng hoạt động thứ 10 - với các hoạt động thu gom, tái chế nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phút hoảng hồn của nữ phát thanh viên khi già làng dọa đổ cơm xuống suối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO