Tối 12/6, Bộ GD&ĐT phát đi chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Một trong những nội dung đáng chú ý trong chỉ thị là Bộ yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền.
Bộ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc: “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”.
Bên cạnh đó chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Thế nhưng, dư luận lại cho rằng chỉ thị này của Bộ GD&ĐT là quá chậm trễ!
Cụ thể, 31/5 là thời điểm kết thúc năm học theo đúng chương trình năm học, chính vì thế, ngay từ tháng 4, các trường học đã triển khai phát hành SGK cho năm học sau và yêu cầu phụ huynh học sinh đăng ký mua.
Và danh mục SGK để học sinh mua bao giờ cũng "bia kèm lạc" cả sách tham khảo, thậm chí cả đồ dùng học tập mà có những phụ huynh phản ánh rằng họ bỏ ra gần 900 nghìn đồng mua bộ sách thế này.
Đến giờ, khi phụ huynh đã chi tiền, sách giáo khoa đã đến tay học sinh thì Bộ GD&ĐT mới có chỉ thị yêu cầu cấm việc ép buộc mua sách tham khảo.
Một thực tế là mặc dù các NXB công khai giá sách giáo khoa chỉ dao động trong khoảng 177.000 - 301.000 đồng/bộ nhưng những ngày tháng 4/2022, nhiều phụ huynh "té ngửa" khi nhận phiếu đăng ký mua sách cho năm học mới.
Chị Nguyễn Thu Hiền - một phụ huynh ở Hà Nội, có con năm nay vào lớp 3 cho biết: "Dù SGK lớp 3 được các nhà xuất bản công bố giá sách dao động chỉ gần 200.000 đồng/bộ, nhưng thực tế chị và phụ huynh trong trường phải trả lên tới gần 4 lần con số thông báo kia. Thực tế phải đăng ký mua 28 đầu sách và thiết bị cho con với tổng số tiền là 717.000 đồng”.
Chị Hiền phải mua 28 đầu sách và thiết bị cho con với tổng số tiền là 717.000 đồng cho con lớp 3 (ảnh: Tào Nga) |
Chị N.T.H (Linh Đàm, Hà Nội) phản ánh chị phải mua bộ SGK cho con cùng đống vở bài tập, sách tham khảo, sách tự chọn cộng thêm bộ đồ dùng hình khối hơn tất cả là 800 nghìn. Trong khi đó, sách tự chọn thì không bán lẻ, tức là phụ huynh phải mua “cả chùm” sách tự chọn.
“Nhà tôi đăng ký mua sách cho con và nhận sách từ tháng 4 rồi mà giờ Bộ GD&ĐT mới ra chỉ thị yêu cầu cấm việc ép buộc mua sách tham khảo là quá muộn, chắc chỉ thị này áp dụng năm sau.
Tôi muốn hỏi, liệu năm nay khi đã mua xong sách thì có dám yêu cầu các trường cho học sinh đăng ký mua SGK năm học 2022 -2023 lại và mua theo đúng danh mục quy định không? Nếu không thì tôi nghĩ chỉ thị chỉ là hình thức chứ không có tác dụng thực tế”, chị H nói.
Chị H. cho biết sách tự chọn không bán lẻ mà phụ huynh phải mua cả "chùm". |
Trao đổi với PV Infonet, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) hoan nghênh tinh thần tiếp thu của Bộ GD&ĐT nhưng cũng cho rằng việc ban hành chỉ thị là chậm trễ thiếu tính thực tế.
“Tôi cho rằng chỉ thị số 643/CT - BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông không thực tế vì hiện nay đa số việc mua SGK đã triển khai xong tại các trường.
Hơn nữa việc yêu cầu không bán SGK kiểu “bia kèm lạc” có từ Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ban hành 8 năm qua nhưng thực tế là đến nay phụ huynh mua SGK vẫn phải mua thêm “chùm” sách tham khảo, sách tự chọn đồ dùng phụ trợ...
Trước hết hoan ngênh sự tiếp thu của Bộ GD&ĐT nhưng tôi cho rằng giáo dục là phải nói thật, làm thật. Ngoài ra, Bộ nên có hướng dẫn cụ thể hơn về việc cấm bán SGK kèm sách tham khảo thế nào để các địa phương có thể thực thi được chứ không phải chỉ nêu ra và để đó.
Với những trường hợp phụ huynh phải mua SGK kiểu “bia kèm lạc” trong năm học này, Bộ GD&ĐT phải có giải pháp khắc phục. Tức là những học sinh mua rồi thì giải quyết cụ thể thế nào chứ không phải chỉ là khẩu hiệu trên giấy thì không có tác dụng”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Hoàng Thanh