Chia sẻ của một người bố có con trai ở độ tuổi dậy thì 12-13 ở thủ đô Hà Nội: Con tôi năm nay lên lớp 7. Cháu đang có hiện tượng hay ăn cắp vặt, nghiện game. Gia đình cố gắng sát sao, còn nhờ cả người quen bên công an dọa mà nó cũng không sợ. Nếu dùng biện pháp tịch thu điện thoại, cấm chơi game thì nó phản ứng rất dữ dội. Tôi không biết nên làm gì?
(Ảnh minh họa)
Theo chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn, lứa tuổi dậy thì bình thường là lúc diễn biến tâm lý của các con có nhiều phát sinh đột biến nhất, vì thế gia đình đều cần gần gũi, theo sát con.
“Việc lấy trộm tiền do bồng bột khi con muốn đi mua quà sinh nhật cho bạn gái hay xuống căng tin mua xúc xích, nem chua ăn với nhau đãi bạn… hoặc mê chơi game cũng có. Lúc đấy thứ nhất là mình giáo dục răn dạy. Hai nữa là đe dọa. Thứ ba là tiền phải quản lý chặt. Thế nhưng cũng có một trường hợp là ăn cắp là một chứng bệnh tâm lý”, chuyên gia Đinh Đoàn lý giải.
Việc ăn cắp có thể để gây sự chú ý, nghĩa là ăn cắp đủ thứ trên đời không phải chỉ riêng tiền. Muốn chắc chắn, nên cho con đến viện sức khỏe tâm kiểm tra về tâm lý tại Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra.
“Đôi khi trẻ con, nhất là tuổi dậy thì gây ra một việc gì đó khiến người lớn bực bội, tức là có thể nó đang thiếu thốn tình cảm hoặc đang rất muốn gây sự chú ý của người lớn. Thực tế đã những cháu bé cá tính tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ hoặc là tự nhiên bốc đầu xe máy lên… Tất cả nhằm mục đích gây sự chú ý của mọi người, thì trường hợp của con anh cũng có thể việc ăn trộm, ăn cắp của cháu là để gây chú ý của bố mẹ…”, chuyên gia phân tích.
“Dù thế nào, gia đình cứ cho cháu đi kiểm tra và hơn hết là gần gũi, chia sẻ cùng con. Cũng không nên dọa dẫm nhiều, bởi lẽ trẻ đang ở tuổi mới lớn, tâm sinh lý có những thay đổi do hóc môn nội tiết thay đổi. Nếu đánh đập, dọa nạt nhiều có thể gây ra thành một bệnh khác hoặc thậm chí còn nguy hiểm hơn”, chuyên gia khuyến cáo.
Theo VOV