Phòng khám nước ngoài 'vẽ bệnh, moi tiền' ra sao?

ANH ĐÀO| 15/12/2022 18:10

Chỉ vì tin theo những lời quảng cáo “ngon ngọt” trên các trang mạng xã hội của các phòng khám nước ngoài nhiều người trả giá bằng tính mạng, sức khỏe trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.

kiem-tra-phong-kham-15915398134821919552347.jpeg
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra các phòng khám tư - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Những cái bẫy đặt sẵn

Chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh bị phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền” ông Q.K. (54 tuổi, Đồng Nai) nhớ lại. Cuối tháng 5/2022, ông mắc phải bệnh lý đi tiểu đêm nhiều lần.

Một lần khi đang lướt Faebook thấy bài đăng quảng cáo của phòng khám đa khoa N.V.(quận 10) chuyên điều trị những bệnh khó nói của nam giới, tiểu đêm. Với hi vọng hết bệnh, ông nhắn tin hỏi thăm thì được một nhân viên nữ còn rất trẻ tư vấn và mời nhiệt tình.

“Ngày nào phòng khám này cũng nhắn tin, gọi điện liên tục hỏi thăm và hối tôi đi khám. Nghĩ cơ sở dịch vụ chăm sóc tốt tôi đã quyết tâm lên để thăm khám. Tới nơi tôi được yêu cầu tắt hết nguồn điện thoại và nằm lên bàn kiểm tra, hai người tự sưng là bác sĩ luồn ống thông nước tiểu.

Sau khi luồn, những người này thông báo tôi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt phải tiêm một loại thuốc giá 18 triệu (khỏi 50%) và 22 triệu (khỏi 90%). Đang trong tâm thế hoảng loạn tôi đồng ý tiêm loại 22 triệu và chuyển khoản cho họ”, ông K. nói.

Sau khi về đến nhà thấy tình trạng bệnh không hết, mở hóa đơn kiểm tra thì thuốc được truyền cho ông K. là oxy già và thuốc sát khuẩn với giá vài chục ngàn đồng ngoài tiệm thuốc. Ông đã đến một bệnh viện tư nhân thăm khám trả 1,2 triệu đồng đã hết bệnh.

“Tôi rất bức xúc và muốn cơ quan pháp luật trừng trị nghiêm”, ông K. nói.

Cuối tháng 12/2021, bà O. vợ ông Nguyễn Thế Hữu (Bình Chánh, TP.HCM) cảm thấy đau tức phần bụng dưới, ghé Phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5) thăm khám.

Tại đây, một phụ nữ trực tiếp thăm khám đeo bảng tên và tự giới thiệu mình là "bác sĩ trưởng khoa của Bệnh viện Hùng Vương, tên Hồng".

Bà O. sau đó thông báo có mụn trong cổ tử cung, nếu không điều trị có thể vỡ gây ung thư. Ngoài ra bà còn được chẩn đoán “có thai 24 tuần bị biến dạng ngoài tử cung do uống thuốc điều trị COVID-19”.

Sau khoảng 10 ngày đến phòng khám Hồng Phong "vô thuốc" (mỗi lần đóng 2 triệu đồng), chân của bà O. phù nề, khi lo lắng hỏi "bác sĩ Hồng" thì được giải thích do tác dụng của thuốc.

Lúc này, bà O. được "bác sĩ Hồng"tiếp tục hẹn qua phòng khám đa khoa Thăng Long (cùng một hệ thống quận 10). Phòng khám này yêu cầu bà phải đóng tạm ứng 40 triệu đồng. Bà O. được cho thuốc về uống, hẹn ngày hôm sau lên điều trị.

"Tôi để vợ ở lại khám, ra về có việc. Chưa được vài tiếng, phòng khám này gọi điện thông báo vợ tôi bị té xỉu trong lúc ngồi chờ khám, được chuyển đến Bệnh viện 115 cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, cơ thể tím tái, co giật, sùi bọt mép" - ông Hữu nói.

Xử phạt nhiều lần vẫn ngang nhiên hoạt động

Gần đây nhất, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt 200 triệu đồng đối với phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5) và tước giấy phép hoạt động trong 4 tháng. Người chịu trách nhiệm chuyên môn cũng bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh 3 tháng.

Trước đó, đầu năm 2022, cơ sở này cũng từng bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 35 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng và buộc tháo gỡ quảng cáo sai phạm.

Còn đối với phòng khám đa khoa Quốc tế (quận 1) bị xử phạt đến 116 triệu đồng. Ngoài phạt hành chính, phòng khám này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh 2 tháng…

Bà Lê Thiện Quỳnh Như - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết mặc dù trong thời gian bị đình chỉ hoạt động nhưng cả hai cơ sở này vẫn ngang nhiên khám chữa bệnh. Sở Y tế đã phối hợp với UBND TP, phòng y tế tiếp tục kiểm tra đối với các phòng khám này.

Bên cạnh đó, giữa tháng 8/2022, Sở Y tế cũng đã xử phạt 101 triệu đồng đối với phòng khám đa khoa Hồng Cường (87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10) do mắc nhiều lỗi sai phạm.

Địa chỉ này trước đây là điểm hoạt động của phòng khám đa khoa Elizabeth. Năm 2014 phòng khám này bị xử phạt 315 triệu đồng với các sai phạm trong lĩnh vực y tế.

Sau đó, địa chỉ này nhiều lần đổi tên thành phòng khám đa khoa Thành Thái, phòng khám đa khoa Khang Thái. Cả 2 phòng khám tiếp tục hoạt động với những chiêu trò "vẽ bệnh, thu tiền" người bệnh.

Đến khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động (có thời hạn), tại địa chỉ cũ phòng khám Khang Thái đã "đổi tên" thành phòng khám đa khoa Hồng Cường để tiếp tục hoạt động.

1a7c363f6278ba26e369.jpg
Phòng khám đa khoa Quốc Tế (quận 1) vừa bị Sở Y tế TP.HCM đình chỉ hoạt động 24 tháng - Ảnh: ANH ĐÀO

Các nước siết chặt khi bác sĩ nước ngoài hành nghề

Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết quy định cho bác sĩ nước ngoài hành nghề rất khác nhau giữa mỗi nước, từ đơn giản (dễ dàng cho bác sĩ nước ngoài hành nghề) đến nghiêm ngặt (bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề phải thành thạo ngôn ngữ của nước bản địa, phải trải qua kỳ thi và thoả một số điều kiện bắt buộc).

Đáng ghi nhận là Lào, một bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Lào phải thành thạo ngôn ngữ Lào và phải trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức, chứng chỉ có thời hạn 5 năm.

Ông Tăng Chí Thượng, cho rằng, rất cần bổ sung các hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các phòng khám xem thường pháp luật, đồng thời tăng cường các quy định pháp luật về việc cho phép các bác sĩ nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam.

Cụ thể, ngành Y tế TP đã có kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh; các quy định này cần sớm có hiệu lực khi được ban hành.

Bên cạnh đó, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.

Thanh tra Sở Y tế duy trì thường xuyên công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài và từng vi phạm, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.

Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, cụ thể là chỉ đạo phòng Y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.

Sở Y tế kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế khi gặp tình huống các phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền” bằng cách gọi số điện thoại nóng 0989.401.155 hoặc vào app “Y Tế Trực Tuyến” phản ánh trực tiếp đến Thanh tra Sở Y tế để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phòng khám nước ngoài 'vẽ bệnh, moi tiền' ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO