Phó Thủ tướng: 'Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL là hạ tầng giao thông'

Huỳnh Hải| 27/09/2023 15:40

"Nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển phải phù hợp thực tế với vùng ĐBSCL và có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp kinh tế thị trường, đảm bảo người dân sống được khi có đầu ra, đầu vào hợp lý".

Đó là lưu ý của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL Lê Minh Khái, tại hội nghị lần thứ nhất của hội đồng này diễn ra ở tỉnh Bạc Liêu ngày 27/9.

ĐBSCL còn tồn tại nhiều điểm nghẽn

Phó Thủ tướng khái quát, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực như lúa, tôm, cá tra, trái cây; giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, lương thực của cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, điểm nghẽn lớn nhất của vùng là hệ thống giao thông có nhưng chưa đầy đủ và đồng bộ; không có cảng nước sâu và hệ thống giao thông kết nối. Chính vì vậy, chi phí vận chuyển hàng hóa, xuất khẩu cao, sức cạnh tranh yếu.

Phó Thủ tướng: Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL là hạ tầng giao thông - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HH).

"Trong khi đó, vận chuyển đường bộ chi phí cao, đường sắt lại không có, kéo theo hệ lụy từ chi phí, sản xuất, thu hút đầu tư, kể cả nguồn nhân lực. Cần phải xác định và đầu tư cảng biển nước sâu trong khu vực để giải quyết vấn đề này", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, tồn tại nữa đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt việc phát triển những công trình ở thượng nguồn sông MêKông làm ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn nước, phù sa, ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ nguồn ĐBSCL.

Văn hóa, xã hội của vùng còn nhiều bất cập; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi đó lao động dư thừa về mặt số lượng phải dịch chuyển đến các nơi khác.

"Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của vùng, các địa phương cần có những đánh giá đầy đủ, cụ thể, không chung chung. Trên cơ sở đó, các địa phương đưa ra định hướng để có giải pháp giải quyết những tồn tại này một cách khả thi nhất", Phó Thủ tướng lưu ý.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết ĐSBCL được định hướng tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm là thủy sản - trái cây - lúa gạo, theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.

"Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó hỗ trợ chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực của vùng để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu kiến nghị.

Theo Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, một thực trạng ở ĐBSCL là sau khi thực hiện cơ giới hóa đã dôi ra rất nhiều lao động nhưng việc giải quyết việc làm còn rất thấp. Hầu hết lao động phải đi các tỉnh, thành khác, tạo ra làn sóng di dân của vùng rất lớn.

"Để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách làm sao cho người dân sống được tại địa phương, không di cư đi nơi khác", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư TP Cần Thơ, cho biết TPHCM có Nghị quyết 98, với những cơ chế chính sách rất mới. Ông đề xuất khi TPHCM triển khai nghị quyết này thì ĐBSCL nên nghiên cứu làm thí điểm, có thể tháo gỡ nhiều khó khăn về đất đai, đầu tư, dự án, ngân sách,…

Phó Thủ tướng: Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL là hạ tầng giao thông - 2

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư TP Cần Thơ, nêu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: HH).

Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu ra ít nhất 7 vướng mắc tại tỉnh nói riêng, của vùng ĐBSCL nói chung và đề nghị cần có chính sách tháo gỡ.

"Khi phân bổ nguồn đầu tư phát triển cho cụm Nam sông Hậu cần phải tính yếu tố đặc thù như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu là vùng đất thấp, phù sa nhiều, nền đất yếu nên suất đầu tư rất cao.

Nếu Trung ương phân vốn về các địa phương 100 tỷ đồng, vùng này làm giỏi lắm chỉ một nửa so với các địa phương khác. Cà Mau không cát, không đá, không xi măng rất khó khăn; không có hạ tầng tốt đồng nghĩa không thu hút được đầu tư, những địa phương này sẽ tụt hậu", Bí thư tỉnh Cà Mau trăn trở một trong những khó khăn.

Cơ chế, chính sách cho vùng phải trọng tâm, trọng điểm

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, một trong những mục tiêu phát triển của vùng ĐBSCL là trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và đô thị động lực,...

Ông đề nghị hội đồng điều phối vùng bám sát mục tiêu này và căn cứ các chức năng nhiệm vụ để triển khai thực hiện sao cho phù hợp, hiệu quả.

Phó Thủ tướng: Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL là hạ tầng giao thông - 3

Hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, tình hình sạt lở xảy ra phổ biến là những điểm nghẽn của vùng ĐBSCL (Ảnh: HH).

Theo Phó Thủ tướng, hiện ĐBSCL chỉ có tỉnh Long An và Sóc Trăng đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; 11 tỉnh, thành còn lại mới trình hội đồng thẩm định, đang tiếp thu hoàn thiện, chờ ký ban hành.

"So với các vùng khác, ĐBSCL làm tiến độ nhanh nhưng so với yêu cầu lại chậm. Nửa nhiệm kỳ chưa quy hoạch tỉnh xong, dẫn đến kế hoạch sử dụng đất chưa có cơ sở làm chậm một số quá trình như lập dự án, đề xuất đầu tư,… Do đó, các địa phương đã tích cực rồi thì cần sớm hoàn thiện", Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Với cơ chế chính sách phát triển ĐBSCL như đất đai, đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực, sản phẩm chủ lực…, theo Phó Thủ tướng, cần nghiên cứu sao cho phù hợp thực tế của vùng và có trọng tâm, trọng điểm, khả thi; phù hợp kinh tế thị trường, đảm bảo người dân, doanh nghiệp sống được khi có đầu ra, đầu vào hợp lý.

Về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đã, đang xảy ra khá phổ biến ở ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Từ các nguồn vốn, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp bộ, ngành sớm triển khai các công trình xử lý sạt lở trên tinh thần nhanh, thực tế thật, quản lý nguồn vốn hiệu quả, tránh sử dụng không hợp lý.

Đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn, đi qua nhiều nơi như thiếu cát phục vụ cho các công trình, Phó Thủ tướng đề nghị bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế xử lý, có giải pháp, phương án hợp lý vừa đảm bảo môi trường, vừa đáp ứng cho vùng.

Ngày 19/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch.

Phó chủ tịch hội đồng là Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải.

Các ủy viên gồm thứ trưởng và tương đương một số bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ĐBSCL.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng: 'Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL là hạ tầng giao thông'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO