Ai Cập đã đấu tranh để đưa binh sĩ của mình - những người được cho là bị bắt giữ bởi một trong các bên tham chiến ở Sudan - về nước.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết một lãnh chúa Libya đã cung cấp vũ khí cho phe người này ủng hộ.
Các nhà ngoại giao, từ châu Phi, Trung Đông đến phương Tây, đã kêu gọi ngừng cuộc giao tranh khiến một số khu vực của thủ đô Khartoum trở thành “chiến trường” khói lửa.
Cuộc cách mạng năm 2019 - trong đó hàng chục nghìn người Sudan tham gia biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Omar Hassan al-Bashir - được cho là sẽ mở ra một tương lai tươi sáng và dân chủ.
Nhưng nó cũng tạo ra cơ hội mới cho các cường quốc bên ngoài theo đuổi lợi ích riêng của họ ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi, theo New York Times.
Sudan nằm ở vị trí chiến lược trên sông Nile và Biển Đỏ, với nguồn tài nguyên khoáng sản và tiềm năng nông nghiệp rộng lớn, chỉ mới nổi lên sau nhiều thập kỷ bị trừng phạt và cô lập.
Tướng al-Burhan (phải) và tướng Hemetti (trái) - lãnh đạo hai phe phái đang đối đầu tại Sudan. Ảnh: BBC. |
Tìm kiếm lợi thế
Nga tìm cách tiếp cận hải quân cho tàu chiến của mình tại các cảng Biển Đỏ của Sudan.
Một số quan chức cho biết Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trả tiền cho một trong những tướng lĩnh đang tham chiến của Sudan, tướng Mohamed Hamdan, để giúp họ chiến đấu ở Yemen. Trong khi đó, Ai Cập, ủng hộ vị tướng khác - tướng Abdul Fattah al-Burhan.
Israel, từ lâu bị xa lánh trong thế giới Arab, cũng nhìn thấy cơ hội đạt được thứ mà họ thèm muốn từ Sudan: Sự công nhận chính thức.
“Các nước đều muốn có một phần tại Sudan nhưng không thể có tất cả sự can thiệp”, Magdi el-Gizouli, nhà phân tích người Sudan tại Viện Rift Valley cho biết.
“Có quá nhiều lợi ích cạnh tranh và quá nhiều yêu sách”, ông nói thêm. “Khi đó sự cân bằng mong manh sẽ nổ tung, như bạn có thể thấy bây giờ”.
Theo Liên Hợp Quốc, trong tuần qua, hơn 400 người đã thiệt mạng và 3.500 người bị thương trong cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội chính quy do tướng al-Burhan chỉ huy và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do tướng Hamdan lãnh đạo.
UAE là một trong số những “người chơi” nước ngoài quan trọng nhất ở Sudan. Quốc gia vùng Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ đã tích cực mở rộng ảnh hưởng ở vùng Sừng châu Phi những năm gần đây.
Mối quan tâm của họ đối với Sudan xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước, bắt nguồn từ tiềm năng nông nghiệp to lớn của nước này mà UAE hy vọng có thể giảm bớt lo ngại về nguồn cung lương thực của họ.
Về mặt công khai, UAE không đứng về phía nào trong các cuộc tranh giành quyền lực ở Sudan và là một phần của nhóm ngoại giao được gọi là Quad. Nhóm, bao gồm Mỹ, Anh và Saudi Arabia, cho đến gần đây đã cố gắng đưa Sudan trở lại chế độ dân sự.
Khói bốc lên trên Khartoum, thủ đô của Sudan. Ảnh: Reuters. |
Nhưng đồng thời, các quan chức cho biết UAE cũng giúp hỗ trợ tướng Hamdan. Trong những năm qua, tướng Hamdan đã mở rộng “rương chiến tranh” của mình thông qua các giao dịch kinh doanh.
Vào năm 2018, UAE đã trả tiền cho tướng Hamdan để gửi hàng nghìn lính đến chiến đấu ở Yemen. Tướng Hamdan cũng trở nên giàu có nhờ khai thác vàng ở Sudan và vận chuyển đến Dubai.
Một số quan chức phương Tây cho biết tài sản của tướng Hamdan bao gồm trang trại chăn nuôi, bất động sản và các công ty an ninh tư nhân. Số tiền đó, phần lớn được giữ ở Dubai, đã giúp ông xây dựng lực lượng bán quân sự, hiện được trang bị tốt hơn quân đội Sudan thông thường.
Theo các nhà ngoại giao ở Sudan, đồng minh thân cận nhất của tướng Hamdan tại UAE là phó tổng thống nước này, Sheikh Mansour bin Zayed al Nahyan.
Tuy nhiên, các tiểu vương quốc thích đi nước đôi và một số hoàng tử khác đã đứng về phía các đối thủ của tướng Hamdan. Vào năm 2020, Sheikh Tahnoon bin Zayed al Nahyan đã đầu tư 225 triệu USD với Osama Daoud - ông trùm người Sudan thân cận với quân đội - trong dự án nông nghiệp.
Can thiệp
Kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu vào cuối tuần trước, một số quan chức nước ngoài cho biết các nhà ngoại giao UAE đã cố gắng để ngăn chặn nó.
Nhưng ngay cả khi giao tranh nổ ra, một số nguồn cung cấp vũ khí vẫn tiếp tục chảy.
Các quan chức Mỹ nói rằng tướng Hamdan đã được cung cấp vũ khí từ Khalifa Hifter - một lãnh chúa người Libya cũng được trang bị vũ khí và tài trợ bởi UAE. Các quan chức nói rằng không rõ liệu vũ khí đó là từ kho của chính ông Hifter hay UAE.
Ai Cập, một quốc gia Arab khác, nằm ở phía bên kia của sự phân chia quân sự ở Sudan.
Khi căng thẳng gia tăng bên trong Sudan năm qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, đã công khai đứng về phía chỉ huy quân đội, tướng al-Burhan.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi cùng tướng Abdel Fattah al-Burhan. Ảnh: Egypt Today. |
Ông el-Sisi được cho là rất nghi ngại tướng Hamdan - thủ lĩnh dân quân một thời - và muốn thấy Sudan được cai trị bởi một sĩ quan được đào tạo chính quy như ông. Ngoài ra còn có mối liên hệ cá nhân: Ông el-Sisi và tướng al-Burhan học cùng trường đại học quân sự.
Đầu năm nay, Ai Cập đã đưa ra sáng kiến chính trị ở Cairo để tập hợp các phe phái ở Sudan lại với nhau.
Nhưng các nhà ngoại giao nước ngoài ở Khartoum - những người đang cố gắng để đạt được thỏa hiệp giữa tướng Hamdan và tướng al-Burhan - coi Ai Cập là “kẻ phá hoại”, hành động có lợi cho quân đội Sudan và chống lại tướng Hamdan.
Vào ngày 12/4, 3 ngày trước khi giao tranh nổ ra, lực lượng RSF của tướng Hamdan đã bao vây căn cứ quân sự ở Merowe - nơi khoảng một chục máy bay chiến đấu và binh lính Ai Cập đóng quân.
Động thái này gây ra sự phản ứng công khai từ quân đội Sudan, vốn khẳng định rằng người Ai Cập đang ở đó trong một cuộc tập trận. Tướng Hamdan dường như lo sợ rằng Ai Cập sẽ hỗ trợ trên không cho đối thủ của ông - quân đội Sudan - trong trường hợp xảy ra giao tranh.
Khi xung đột nổ ra, lực lượng của tướng Hamdan đã bắt ít nhất 27 người Ai Cập từ căn cứ Meroe - khiến các quan chức phương Tây phải nỗ lực để xoa dịu cuộc khủng hoảng và tránh khả năng xung đột khu vực mở rộng.
Màn kịch đó dường như kết thúc vào hôm 20/4, khi lực lượng của tướng Hamdan bàn giao những người Ai Cập bị giam giữ. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho biết nguy cơ Ai Cập bị cuốn vào cuộc xung đột ở Sudan vẫn còn.
Trong khi đó, những ngày gần đây, RSF đã nhận được lời đề nghị cung cấp vũ khí, bao gồm cả tên lửa đất đối không, từ ông Prigozhin, các quan chức Mỹ cho biết.
Các quan chức cho biết tướng Hamdan chưa quyết định có nhận vũ khí hay không.
Trước cuộc giao tranh khốc liệt, phương Tây đang thúc đẩy các cường quốc vùng Vịnh như Saudi Arabia và UAE sử dụng đòn bẩy của mình để buộc tướng lĩnh tham chiến phải từ bỏ.
“Liệu họ có thể đóng băng tài sản nếu (các tướng Sudan) không chịu lắng nghe?” Alan Boswell, chuyên gia tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đặt câu hỏi. Ông nêu ý kiến rằng các quốc gia vùng Vịnh có thể gây áp lực với tướng lĩnh của Sudan bằng cách nhắm vào sự giàu có của họ. “Không ai muốn một nhà nước thất bại ở Sudan”.