Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, đây là hệ thống báo cháy thông minh và có cảnh báo từ xa. Do người sử dụng mua phải thiết bị không đảm bảo nên nó phát sóng 24/24h gây can nhiễu các thiết bị xung quanh như khóa thông minh của các hộ dân quanh đó.
Sau 5 ngày can nhiễu, những hộ dân lân cận không thể sử dụng chìa khóa thông minh của xe máy và ô tô, đã liên hệ qua hotline của Cục Tần số vô tuyến điện để thông báo tìm nguồn nhiễu. Cục Tần số vô tuyến điện Khu vực 7 đã xuống tận nơi và phát hiện ra nguồn nhiễu là thiết bị báo cháy bị lỗi. Thiết bị báo cháy này đã được hộ dân ở đây sử dụng 5 năm, nhưng mới bị lỗi gây ra sự cố can nhiễu.
“Thiết bị báo cháy được phát hiện tại Bình Thuận có công suất phát nhỏ nên chỉ gây can nhiễu trong phạm vi hẹp. Để có thể phát hiện can nhiễu trong phạm vi nhỏ hẹp, chúng tôi cần có sự hợp tác của người dân”, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết.
Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, các thiết bị điều khiển nằm trong dải tần số Wifi, dải băng tần dành riêng cho các thiết bị lái… thông thường chỉ sử dụng trong 1 thời gian rất ngắn để điều khiển thiết bị. Tuy nhiên, khi nó bị lỗi sẽ liên tục phát ra tín hiệu gây nhiễu các thiết bị điều khiển khác như khóa thông minh của ô tô, xe máy…
Thiết bị báo cháy đang dùng băng tần 433 Mhz là băng tần dùng chung cho các thiết bị có điều kiện. Các thiết bị điều khiển sử dụng băng tần này có tiêu chuẩn kỹ thuật khống chế công suất phát để không ảnh hưởng rộng đến các thiết bị điều khiển khác. Bên cạnh đó, thiết bị sử dụng băng tần này còn phải tuân thủ quy định về thời gian sử dụng để không ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị điều khiển khác.
‘Những thiết bị điều khiển này sử dụng chỉ trong một thời gian ngắn là micro giây và công suất phát nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến thiết bị khác, chẳng hạn như chìa khóa ô tô, xe máy hay cửa cuốn. Vì vậy, trên thế giới vẫn có những thiết bị sử dụng băng tần dùng chung trong y tế, nghiên cứu khoa học, thiết bị điều khiển công suất thấp vẫn có thể sống chung với nhau được. Ví dụ một thiết bị khóa thông minh lỗi và phát sóng liên tục gây ảnh hưởng cho các thiết bị khóa thông minh của ô tô, xe máy ở khu vực gần đấy, nhưng nếu nó không bị lỗi thì các thiết bị xung quanh vẫn hoạt động bình thường. Trước đây, tại phường Đồng Tâm, Hà Nội có thiết bị điều khiển máy bơm nước bị lỗi cũng phát sóng liên tục khiến cho ô tô, xe máy quanh khu vực đó bị can nhiễu không sử dụng được khóa thông minh”, đại diện Cục Tần số nói.
Mới đây, theo phản ánh của người dân khu vực ngã 3 phố Vọng - Nguyễn An Ninh, Hà Nội, trong bán kính khoảng 100m xảy ra hiện tượng kỳ lạ khi nhiều phương tiện, thiết bị như cửa cuốn, xe máy, ô tô điều khiển bằng smartkey đều không thể hoạt động. Cục Tần số sau đó đã phát hiện thiết bị điều khiển từ xa để điều khiển máy bơm nước gây nhiễu tín hiệu tại đây.
Đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I cũng cho hay, thiết bị gây nhiễu nêu trên không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem chứng nhận hợp quy, có chất lượng phát xạ không đảm bảo quy định trên tần số 433.9 MHz/ băng thông 37.5Khz. Do đó, đã gây nhiễu có hại trên băng tần dành cho thiết bị điều khiển từ xa đóng mở cửa ô tô, khóa xe máy... (433.05-434.79MHz) tại khu vực xung quanh. Sau đó, tổ công tác Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I (Cục Tần số vô tuyến điện) cùng với PA06 và Công an phường Đồng Tâm đã xử lý và thu giữ thiết bị này.
Đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 cũng cho biết, hiện Cục Tần số vô tuyến điện đã thiết lập số hotline 0862.92.92.92 để tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân khi phát hiện thiết bị khoá thông minh ô tô, xe máy và các trường hợp khác bị hiện tượng can nhiễu vô tuyến.