LTS: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển bùng nổ nhưng đã đứng lại sau cú “phanh gấp” năm trước. Sự trầm lắng kéo dài trong hơn một năm qua vẫn tiếp diễn. Dù vậy, đã có sóng ngầm trên thị trường này, với những thỏa thuận dồn dập giữa doanh nghiệp với các trái chủ, giữa ngân hàng với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư.
Cơ hội tương lai của thị trường trái phiếu sẽ ra sao? Những gì cần thiết để thị trường trái phiếu phát triển mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, giảm bớt gánh nặng lên vai hệ thống ngân hàng cũng như thị trường cổ phiếu, như xu hướng ở các nền kinh tế phát triển?
"Ông lớn" tìm vốn ngoại
Cuối năm 2022, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) công bố kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng xin điều chỉnh room ngoại từ 18% lên 20%.
Trái phiếu bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo chiến lược đề ra của HDBank. Đồng thời, ngân hàng nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng sớm chuẩn mực Basel III.
Đến nay, HDBank chưa nói lại về kế hoạch này. Tuy nhiên, với lợi thế xếp hạng tín nhiệm B1, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành, an toàn vốn trong Top dẫn đầu… khả năng huy động vốn quốc tế của ngân hàng này được đánh giá cao.
Trước đó, năm 2020 và 2021, HDBank phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính uy tín trên thế giới.
Trong vài năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn huy động vốn ngoại mạnh mẽ, trong bối cảnh dòng vốn trong nước bị hạn chế. Trong lĩnh vực bất động sản, tháng 6/2022, Novaland chào bán thành công lô trái phiếu với tổng giá trị 5.774 tỷ đồng cho hai nhà đầu tư nước ngoài do Warburg Pincus dẫn đầu.
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng từng có kế hoạch huy động 1,5 tỷ USD từ phát hành trái phiếu quốc tế trong năm 2022. Tuy nhiên, sau đó Vingroup giảm quy mô phát hành.
Hồi tháng 5/2022, theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Vingroup đã hoàn tất huy động 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế để góp vốn đầu tư vào dự án VinFast. Lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Bên cạnh huy động vốn qua trái phiếu quốc tế, Vingroup cũng chốt niêm yết VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trình kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.
Không chỉ trái phiếu, một số doanh nghiệp vay được vốn nước ngoài với giá trị lớn. Hồi cuối tháng 11/2022, cũng chính Masan Group nhận giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn kỳ hạn 5 năm, trị giá 600 triệu USD, với lãi suất khá thấp 6,7%/năm. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Tháng 11/2022, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) nhận giải ngân khoản vay 150 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Tháng 6/2022, Techcombank huy động thành công khoản vay nước ngoài trị giá lên tới 1 tỷ USD. SeABank vay Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) 200 triệu USD.
Lãi suất thực tế không thấp
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong vài năm gần đây, một số doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một vài DN lớn có thể làm được điều này vì muốn phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế DN phải có uy tín lớn, có báo cáo tài chính kiểm toán chuẩn quốc tế, có sức khỏe tài chính tốt…
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài thường dựa vào xếp hạng tín nhiệm. Tín nhiệm của DN Việt Nam thường ở mức thấp, không cao hơn tín nhiệm quốc gia. Trong khi xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đang ở dưới mức đáng đầu tư. Đây là trở ngại cho DN trong việc phát hành trái phiếu quốc tế.
Gần đây, những biến động tiêu cực trên thị trường tài chính và bất động sản khiến sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh. Hồi tháng 5/2023, sau nhiều lần trì hoãn, đại hội đồng cổ đông CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã thông qua việc dừng triển khai phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi trị giá 300 triệu USD ra thị trường quốc tế.
Theo đó, DXG cho biết toàn bộ công tác chuẩn bị cần thiết để chào bán lô trái phiếu này đã hoàn thành. Tuy nhiên, do tình hình thị trường tài chính từ nửa cuối năm 2022 đến nay không phù hợp để thực hiện chào bán.
Theo ông Nguyễn Bá Khương, chuyên viên phân tích vĩ mô của Chứng khoán VNDirect, chỉ một số ít DN lớn Việt Nam thực hiện phát hành thành công TPDN tại thị trường quốc tế. Một số DN phát hành thành công điển hình như Tập Đoàn Vingroup, Ngân hàng HDBank, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova, Tập Đoàn BIM Group.
“Có thể nói kênh huy động vốn trái phiếu quốc tế rất tiềm năng. Tuy nhiên các DN Việt Nam vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn để có thể tiếp cận và huy động được vốn trên kênh này. Các khó khăn điển hình như các quy định của các thị trường quốc tế, khi quy định tổ chức phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hay các quy định khắt khe về quy trình phát hành trái phiếu quốc tế của các thị trường này”, ông Khương chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia của VNDirect, để có thể phát hành thành công trái phiếu quốc tế, các DN Việt Nam phải nắm rõ quy định của từng thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu của nước sở tại. Điều này khiến thời gian phát hành có thể kéo dài và có thể làm chi phí phát hành tăng lên, khiến cho việc phát hành trái phiếu quốc tế cũng kém hấp dẫn đi.
Bên cạnh đó, các thị trường nước ngoài cũng có thể đưa ra những điều kiện mang tính kỹ thuật mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể không đáp ứng được, như quy mô vốn hóa tối thiểu, hay phải có hồ sơ theo dõi xếp hạng tín nhiệm.
Về lãi suất, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc phát hành trái phiếu ở thời điểm hiện tại cũng không có lợi. Chuyên gia này cho rằng, trên thực tế, lãi suất trên thị trường quốc tế thấp hơn so với Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt huy động bằng tiền USD và khi tất toán phải trả bằng USD. Để đảm bảo không bị động, doanh nghiệp phải có bảo hiểm về tỷ giá.
Trong khi hợp đồng kỳ hạn lại dựa vào chênh lệch lãi suất về tiền đồng và USD. Doanh nghiệp phải trả phí bảo hiểm cao. Lãi suất trái phiếu quốc tế thấp nhưng cộng tất cả các chi phí bảo hiểm tỷ giá, chi phí bảo lãnh, phí giao dịch, thủ tục… thì chi phí vay quốc tế cũng không còn thấp.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu Chứng khoán MB cho biết, lãi suất USD hiện ở mức 5,5%. Tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến giờ giảm khoảng 1%. Tính cả năm có thể rơi vào 2%. Các loại chi phí khác khoảng 1-2%, thì tổng chi phí vốn nợ thực tế bằng ngoại tế rơi vào khoảng 9-9,5%. Hiện mức này không hấp dẫn.
Tuy nhiên, chuyên gia VNDirect Nguyễn Bá Khương nhận định, các đợt phát hành TPDN quốc tế gần đây của các DN Việt Nam thường có kỳ hạn khá dài, phổ biến là kỳ hạn 5 năm. Lãi suất phát hành danh nghĩa của các đợt phát hành quốc tế này chừng 4%-5,5%/năm, cộng với biến động tỷ giá mỗi năm khoảng 2%-3%/năm và các chi phí liên quan đến phát hành khoảng 2%-3%/năm.
Như vậy khi tính ra nội tệ thì lãi suất thực tế phát hành TPDN quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam là khoảng từ 8-11,5%/năm. Đây là mức lãi suất vừa phải so với lãi suất vay vốn trung và dài hạn (5 năm) của các ngân hàng thương mại hiện nay. Chứ không hẳn là nguồn vốn rẻ.