Dự án này cho phép các nước châu Âu có được dòng trực thăng tấn công hiện đại trong những thập kỷ tới. Các tiêu chuẩn mới sẽ cung cấp cho máy bay khả năng sử dụng trong “chiến trường kỹ thuật số”. Cụ thể, nó có thể tiến hành các hoạt động chiến đấu như một phần của tổ hợp có người lái và không người lái, đồng thời trao đổi thông tin chiến thuật trong thời gian thực.
Dự kiến chuyến bay đầu tiên của trực thăng Tiger MkIII sẽ diễn ra vào năm 2025. Ảnh: Breaking Defense |
Cấu hình thiết bị điện tử tiêu chuẩn của Tiger MkIII có ống ngắm, bộ thiết bị điện tử hàng không, hệ thống ngắm bắn mục tiêu, hệ thống nhận diện “địch-ta” nâng cấp, hệ thống định vị vệ tinh và hệ thống dẫn đường quán tính, chủ yếu do các hãng Thales và Safran sản xuất.
Máy bay sở hữu hỏa lực mạnh mẽ, trong đó gói vũ khí trang bị cho phía Pháp bao gồm tên lửa không đối đất MAST-F và tên lửa không đối không Mistral-3. Đối với Tây Ban Nha, hệ thống vũ khí trang bị có tên lửa dẫn đường 70mm và một tên lửa không đối đất mới. Máy bay cũng được cải thiện khả năng phát hiện và đánh trúng mục tiêu. Việc tích hợp hệ thống điện tử hàng không hiện đại sẽ giảm tải công việc cho tổ lái, cho phép họ hoàn toàn tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể.
Lâu nay Tiger được đánh giá là trực thăng có tính cơ động cao, với tốc độ tối đa 315km/giờ, tốc độ leo cao 10,7m/giây, trần bay 4km, tầm hoạt động hoạt động 1.300km với các thùng dầu phụ.
Pháp và Tây Ban Nha cùng hiện đại hoá trực thăng Tiger MkIII. Nguồn: Defense Simplified |
Dự kiến chuyến bay đầu tiên của Tiger MkIII sẽ diễn ra vào năm 2025, sau đó trực thăng được bàn giao cho quân đội Pháp và Tây Ban Nha từ năm 2029.
THẾ TRUYỀN(theo Breaking Defense)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới để tiếp tục cập nhật, xem các tin, bài về vũ khí, trang bị, khí tài và hoạt động tác chiến của các nước trên thế giới.