Sáng 13/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại TPHCM.
Trong buổi sáng, sự kiện đã nhận được 16 ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý, chuyên gia, luật sư và đại diện người dân trên địa bàn.
Nhìn chung, phần lớn góp ý tại buổi làm việc đều bày tỏ sự đồng tình với bản dự thảo đề án và hy vọng, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố sẽ mang lại những hiệu quả trong chỉnh trang diện mạo đô thị, tạo thêm nguồn thu cho địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, đề án cần làm rõ các vấn đề liên quan đến mức thu, đối tượng chịu ảnh hưởng và cách thức tạo đồng thuận xã hội.
Thu phí có mâu thuẫn với Luật Giao thông đường bộ?
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 3 (phường 17, quận Bình Thạnh), cho rằng, thành phố đang gặp quá tải về hạ tầng. Do đó, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cần được tính toán, bám sát thực tế và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
"Qua khảo sát nhanh, 80% ý kiến cho rằng, thành phố chưa thực hiện thu phí mà vấn đề lấn chiếm đã tràn lan không xử lý được thì làm sao đảm bảo khi triển khai sẽ giữ vững trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị", bà Sáu nêu vấn đề.
Ngoài ra, vị Trưởng ban Công tác Mặt trận cũng cho rằng, hè phố và lòng đường bị chiếm dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến lưu thông của người dân. Điều này sẽ đi ngược với công tác quản lý và Luật Giao thông đường bộ.
Bà Sáu dẫn chứng, Luật Giao thông đường bộ quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. TPHCM áp dụng thu phí sử dụng dường như đang khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh tại những khu vực này.
"Thu các khoản này là khả thi, song có thể nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Việc thông qua đề án nên được rà soát, tính toán kỹ lưỡng", đại biểu tham gia phản biện góp ý.
Đại diện cho người dân tại TP Thủ Đức, ông Trần Việt Trung phát biểu, để việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đi vào cuộc sống, các cơ quan cần tạo được sự đồng thuận của người dân. Dự thảo của đề án nên làm rõ các bước thực hiện đề người dân không phản đối, và cần phổ biến đến từng phường, khu phố, hộ dân, đặc biệt các hộ kinh doanh.
"Khi đọc dự thảo, tôi nghĩ ngay đến thời điểm ông Đoàn Ngọc Hải cũng dọn dẹp vỉa hè, lề đường trước đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, công tác này cũng không giải quyết được", ông Trần Việt Trung bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Hóc Môn, cho rằng, ý thức người dân sẽ quyết định phần lớn sự thành công của bản đề án. Trước khi người dân thay đổi nhận thức về vấn đề này, thành phố sẽ rất khó để triển khai thu phí tạm thời lòng đường, hè phố.
"Người dân mình trước giờ luôn nghĩ vỉa hè, không gian phía trước nhà là của mình. Hộ kinh doanh đặt biển quảng cáo, người dân phơi đồ, để vật tư ở đây. Cần làm sao để người dân thay đổi ý thức trước đã", ông Nguyễn Văn Dũng phân tích.
Tại buổi phản biện, nhiều người dân, chuyên gia, nhà làm luật đều chung quan điểm, trước tiên, thành phố cần thí điểm tại một vài tuyến phố trước khi tổ chức thu phí rộng rãi toàn địa bàn. Những khu vực lựa chọn thí điểm cần đảo bảo các yêu cầu về mật độ, không gian cho giao thông, các hoạt động của người dân.
Sẽ làm rõ hơn các vấn đề liên quan thu phí
Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết, đơn vị sẽ bổ sung thêm quy định quản lý lòng đường, vỉa hè rõ hơn trong dự thảo. Cụ thể, bản đề án sẽ làm rõ vỉa hè, lòng đường ở vị trí nào thì có chức năng gì tương ứng, vì sao là thu phí tạm thời.
"Khi xây dựng đề án, chúng tôi đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, các thành phố lớn về quản lý vỉa hè, tài chính, văn hóa đô thị, không đơn thuần là bài toán giao thông", ông Lâm chia sẻ.
Theo bản đề án, mức thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ các phương tiện giao thông cao nhất là 350.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 50.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng.
Trong đó, mức thu cao nhất được áp dụng cho khu vực các quận trung tâm, có giá đất trung bình ở mức cao như quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phù hợp với quy định của thành phố để làm điểm trông, giữ xe; tổ chức các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng; điểm trung chuyển rác của doanh nghiệp môi trường đô thị; tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; lắp đặt các công trình tạm...
Các trường hợp miễn thu là tổ chức đám cưới, đám tang, trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; điểm trông giữ xe phục vụ sự kiện văn hóa, chính trị; công trình phục vụ tổ chức giao thông; công trình tạm phục vụ tuyên truyền, cổ động chính trị, trật tự an toàn giao thông; dịch vụ xe đạp công cộng; xe chữa cháy, quân sự, công an, cứu thương, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai; các xe phục vụ hoạt động cộng đồng; xe của gia đình hộ kinh doanh, xe đỗ trên các tuyến không thuộc phạm vi thu phí; trạm sạc xe điện, các thiết bị phục vụ giao thông công cộng.
Sở GTVT TPHCM thống kê toàn địa bàn có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên. Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm.