Điện ảnh độc lập dường như luôn đi liền với khó khăn vì kinh phí thấp. Với bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng”, tình hình cũng không phải ngoại lệ. Chỉ có sự đam mê và niềm tin mới giúp êkíp làm phim liên tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tác phẩm. Để rồi tháng 5/2023 vừa qua, giới yêu điện ảnh trong nước vỡ òa khi Việt Nam thêm một lần ghi danh trên bảng vàng Liên hoan Phim Cannes danh giá.
Niềm tin yêu của khán giả Việt có lẽ sẽ thêm phần trọn vẹn, khi phim đã được ấn định lịch công chiếu tại rạp từ 11/8 tới đây.
“Đức tin” của người làm phim
“Bên trong vỏ kén vàng” (tựa Anh: Inside the yellow cocoon shell) theo chân Thiện - một thanh niên đang trên đường đưa thi thể của người chị dâu xấu số về quê để chôn cất. Trong tai nạn cướp đi sinh mạng của chị, con trai của người chị dâu và cũng là cháu của anh lại sống sót một cách kỳ diệu. Giờ đây Thiện phải tiếp tục lên rừng đi tìm anh trai ruột của mình, vốn đã mất tích nhiều năm nay, để gửi lại cậu bé cho người bố.
Thiện trong phim là một con chiên ngoan đạo. Nếu Thiện có một đức tin mãnh liệt vào Chúa, thì đạo diễn Phạm Thiên Ân lại có một niềm tin vững chắc với bộ phim của mình.
Ân từng tâm sự rằng khởi quay trong điều kiện thiếu kinh phí là rủi ro lớn. “Bên trong vỏ kén vàng” có tổng thời gian quay phim 110 ngày, trải dài theo các đợt từ 2020-2022.
“Thông thường, một phim độc lập phải xin được 80-90% ngân quỹ mới tiến hành sản xuất. Chúng tôi mới xin được 20-30% đã bắt tay vào làm, xác định phải đi mượn tiền trước để quay, rồi mới đi xin các quỹ quốc tế để trả lại sau,” Ân kể.
Thiếu tiền, êkip của Ân "như thiêu thân lao vào lửa" sản xuất. Tại sao họ lại quyết định một cách đầy rủi ro như vậy?
Phạm Thiên Ân trên phim trường. (Ảnh: NVCC)
Việc này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Lý do khách quan là diễn viên vừa có người già, vừa có trẻ nhỏ. Nếu phải chờ quá lâu, diễn viên nhí sẽ lớn dần và “vỡ nét,” người lớn tuổi thì có thể gặp vấn đề sức khỏe, phim bị sai raccord (sai bối cảnh, không khớp về mặt hình ảnh, dàn cảnh, màu sắc, ánh sáng…).
Nguyên nhân chủ quan chính là thái độ sẵn sàng, quyết dấn thân của đoàn phim. Đạo diễn 34 tuổi phim coi điện ảnh như “tiếng gọi thiêng liêng” mà bằng một cách rất tự nhiên, anh phải nghe theo. Khi đã bắt tay vào làm, anh cho rằng tiền vốn không quan trọng bằng chính sự sẵn sàng và niềm tin "Mình sẽ làm được."
Có lẽ, nhờ niềm tin sắt đá ấy mà Phạm Thiên Ân nhiều lần xin quỹ thành công, từ quỹ lớn trong khu vực Đông Nam Á như quỹ của Purin Pictures, cho đến quỹ của Liên hoan Phim Lorcarno (Thụy Sỹ) và một số cái tên lớn nhỏ khác. Điều thú vị khi nhìn lại, Ân cho rằng những bối cảnh anh phải xin quay khi không có tiền lại mang đến hiệu quả lớn hơn so với những dự kiến ban đầu, vốn là tốn kém hơn.
Đoàn phim dựa nhiều vào bối cảnh thô sẵn có, ít sắp đặt, rồi dùng con mắt nghệ thuật của người làm điện ảnh để tạo nên những bức tranh duy mỹ trên màn ảnh.
Khung cảnh vùng quê, vùng núi Việt Nam hiện lên mờ ảo dưới làn sương, tạo một nét huyền bí vừa quen vừa lạ. Giới phê bình quốc tế không tiếc lời khen ngợi cho “Bên trong vỏ kén vàng.” Nền tảng Mubi chuyên chiếu phim kinh điển, phim quốc tế đánh giá cao phim của Phạm Thiên Ân là một thiên sử thi gây mê hoặc lòng người.
Với giải thưởng dành cho phim đầu tay sáng tạo và xuất sắc, thành công này được Guy Lodge, cây bút kỳ cựu của Variety, đánh giá là "rực rỡ" và đáng chú ý nhất lịch sử Liên hoan phim Cannes.
Phải thành thực với thế giới của mình
Phạm Thiên Ân tự nhận mình không giỏi giao tiếp. Cách Ân chọn để thể hiện bản thân là qua điện ảnh và với anh, mọi thứ đều rất bản năng.
Bộ phim dài 3 tiếng, nói về tuổi trẻ lạc lõng đi tìm lẽ sống trong cơn mơ tăm tối. Đạo diễn lý giải tiêu đề: Vỏ kén vàng giống như vỏ bọc của con người trong xã hội, là những thứ lôi kéo họ vào một vòng tròn bất tận, cuộc chạy đua với tiền bạc, danh vọng. Con nhộng bên trong giống như linh hồn của một người.
Hành trình của Thiện không chỉ là di chuyển về mặt địa lý, mà còn đi qua các miền suy tư về những giá trị cốt lõi trong đời người.
“Trong bộ phim này, linh hồn của nhân vật chính đã bị bỏ quên. Anh ta phải vật lộn, đấu tranh để tìm được chính mình, để chuyển hóa con người, thoát khỏi vỏ bọc - định kiến của xã hội để trở thành con người mới. Nó đều xoay quanh câu hỏi chúng ta sống vì điều gì, đâu là mục đích sống,” Ân diễn giải.
Hai nhân vật Thiện và người cháu tên Đạo trong một cảnh phim. (Ảnh chụp từ phim)
Từ bộ phim đến hậu trường, “Bên trong vỏ kén vàng” có mối liên kết mật thiết tới cuộc sống của chính đạo diễn. Bởi lẽ Ân cũng đã đi qua những cuộc tìm kiếm như vậy.
Phạm Thiên Ân sinh ra và lớn lên trong một xóm đạo ở vùng cao nguyên Lâm Đồng. Phần lớn người dân nơi đây duy trì thói quen đi lễ một ngày hai lần, sáng dậy sớm lúc 4 giờ và tối sau khi đã hết ngày làm việc.
Gia đình của Ân cũng theo Công giáo, sống cạnh một nhà thờ. Khi nhỏ, cha mẹ đưa anh vào ban giúp lễ. Nhưng trong suốt thời niên thiếu, Ân không thể hiểu thấu những lời được giảng cũng như những gì Kinh thánh viết, cũng không hiểu sao mình phải giữ đạo như vậy.
4 năm trước, anh cùng vợ sang Mỹ định cư. Gia đình khuyên anh học lấy một số nghề để ổn định kế sinh nhai, như cắt tóc hay làm móng (nail). Thời gian đó, đạo diễn trẻ như được tỉnh thức. Giống như Thiện trong phim, Ân bắt đầu lục lại những giá trị cốt lõi, sâu xa nhất trong mình và tự đặt rất nhiều câu hỏi: Mình sống vì cái gì, đức tin của mình có ý nghĩa ra sao, điều gì trong cuộc đời này mới thật sự quan trọng...?
Đây là một trong những nguồn cảm xúc đặc biệt quan trọng, giúp “Bên trong vỏ kén vàng” thành hình.
Hai đạo diễn Việt Nam - Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân cùng êkíp, người thân chụp kỷ niệm nhân một mùa Liên hoan Phim Cannes đầy ý nghĩa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Qua điện ảnh, Phạm Thiên Ân tái tạo một thế giới mơ màng và huyền ảo. “Làm phim điện ảnh, hay kể câu chuyện thành thật với chính mình. Điện ảnh không có giới hạn. Tôi có thể chơi đùa với cảm xúc, không gian và thời gian, là cái chất liệu tự do để mình truyền tải trăn trở của mình,” anh chia sẻ.
Có thể nói, Phạm Thiên Ân vô cùng may mắn khi có sự đồng hành tâm đầu ý hợp của vợ Huỳnh Phượng Hiền ở vị trí Giám đốc nghệ thuật. Cùng với đó, anh có hai người bạn “nối khố” là Đinh Duy Hưng, Trần Văn Thi, lần lượt đảm nhiệm vị trí quay phim và nhà sản xuất. Từ thuở ấu thơ, Ân, Hưng và Thi đã cùng tạo nên một tình bạn thật đẹp nơi xóm đạo.
Tất cả giúp vun đắp nên một bộ phim đáng xem. “Có quá nhiều thứ để chờ đợi ở bộ phim này, dù chắc chắn là một thách thức với 3 tiếng đồng hồ trong rạp chiếu,” nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định.
Cùng với "Quái vật" (Monster, một tác phẩm cũng gây tiếng vang tại Cannes 2023 vừa qua và đang được chiếu tại Việt Nam), ông Lâm cho rằng “Bên trong vỏ kén vàng” cần được xem ở rạp, không chỉ bởi chúng xứng đáng, mà còn giúp tạo cơ hội cho những bộ phim nghệ thuật tương tự được ra rạp thương mại thường xuyên hơn.
Dùng điện ảnh chậm (chậm về tiết tấu, tình tiết, diễn viên, thậm chí không có cao trào…), đạo diễn 34 tuổi xác định phim sẽ gây phân cực khán giả khi chiếu ở Việt Nam. “Tôi chỉ hy vọng mọi người mở rộng tâm trí để đón nhận bộ phim. Tôi không quá kỳ vọng vì biết phim mình sẽ khó coi.”/.
Trailer phim "Bên trong vỏ kén vàng":
Hiện tại, Phạm Thiên Ân đang “ghi nợ” nhà rạp kinh phí quảng bá phim. Khoản tiền này sẽ được trả khi phim có doanh thu. “Tôi rất mong được khán giả ủng hộ, bởi phim phải đạt trên 3 tỷ đồng mới bắt đầu có lãi,” Ân bộc bạch. Đạo diễn Phạm Thiên Ân (sinh năm 1989) tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, sau đó bắt đầu làm phim tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây 5 năm, phim ngắn “Câm lặng” (The Mute) của Ân được chọn để ra mắt tại Liên hoan Phim ngắn Palm Spring (Mỹ). Năm 2019, Ân lần đầu tiên đến Cannes với phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” (Stay awake, be ready) và giành giải Illy (một hạng phục trao riêng cho phim độc lập). Khán giả quan tâm có thể xem phim trên nền tảng Vimeo. Hiện Phạm Thiên Ân đang cùng vợ định cư ở Mỹ. Anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. |