Lợi nhuận tăng trở lại
Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Điện Mặt trời Trung Nam (Điện Mặt trời Trung Nam) vừa có báo cáo tình hình tài chính năm 2023 với lợi nhuận không còn suy giảm mà đảo chiều tăng 11%, lên hơn 278 tỷ đồng.
Các chỉ số tài chính khác đều cải thiện. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm từ 2,17 lần xuống 2,15 lần. Tỷ lệ nợ trái phiếu trên vốn chủ cũng giảm mạnh từ 1,81 xuống còn 1,45 lần. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng từ 19,87%/năm 2022 lên 21,53%. Vốn chủ sở hữu cũng tăng nhẹ.
Những chuyển biến tích cực của Điện Mặt trời Trung Nam diễn ra ngay sau khi ông lớn trong ngành năng lượng là Trung Nam Group công bố bán quyền kiểm soát tại dự án điện mặt trời lớn nhất của mình cho đối tác quen thuộc.
Trước đó, CTCP Điện Mặt trời Trung Nam là một thành viên thuộc Trung Nam Group và là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện Mặt trời Trung Nam. Dự án có công suất 204MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm, sử dụng hơn 700.000 tấm pin. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng và là một trong những dự án điện mặt trời quy mô lớn nhất của Trung Nam.
Trong vài năm gần đây, Trung Nam Group gặp khó khăn về dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tập đoàn này chậm thanh toán trái phiếu, trong khi lợi nhuận có xu hướng suy giảm.
Cũng có thể vì khó khăn về dòng tiền, gần đây Trung Nam Group đã buộc phải bán quyền kiểm soát tại dự án điện mặt trời được xem sẽ là "gà đẻ trứng vàng", cho đối tác quen.
Cụ thể, vào đầu tháng 7 vừa qua, Trung Nam Group đã công bố thông tin về việc chuyển nhượng quyền kiểm soát tại Điện Mặt trời Trung Nam, bán 19,9 triệu cổ phần tại doanh nghiệp này.
CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam (công ty con của Trung Nam Group) đã chuyển nhượng toàn bộ 19,9 triệu cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng tái tạo Á Châu (nhận 18 triệu cổ phần) và ông Nguyễn Thanh Bình, người vừa lên làm Chủ tịch HĐQT của CTCP Điện Mặt trời Trung Nam (nhận 1,9 triệu cổ phần)…
Năng lượng tái Tạo Á Châu và ông Nguyễn Thanh Bình sẽ trở thành bên đảm bảo cho 12 gói trái phiếu trị giá 1.900 tỷ đồng (đáo hạn từ 2026-2028).
Trước đó, trong tháng 6, Điện Mặt trời Trung Nam đã công bố thay đổi người đại diện theo pháp luật. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Bình (1981) thay thế cho ông Nguyễn Đăng Khoa và ông Nguyễn Tâm Thịnh (Chủ tịch Trung Nam Group) ở vị trí này và ông Bình cũng đã lên làm Chủ tịch HĐQT Điện Mặt trời Trung Nam.
Rút khỏi "gà đẻ trứng vàng", Trung Nam Group còn gì?
Như vậy, có thể thấy, đã có sự thay đổi về sở hữu và lãnh đạo tại Điện Mặt trời Trung Nam.
Đầu tư và Phát triển Năng lượng tái tạo Á Châu là công ty con của CTCP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT). ACIT trước đó đã sở hữu 49% cổ phần của Nhà máy Điện Mặt trời Trung Nam.
Do vậy, với việc ACIT nhận chuyển nhượng thêm cổ phần, nhiều khả năng Trung Nam Group đã mất quyền kiểm soát Điện Mặt trời Trung Nam.
ACIT chuyên về sản xuất tủ điện trung thế, hạ thế thi công các công trình điện. Đây là doanh nghiệp thi công nhiều dự án năng lượng tái tạo của Trung Nam Group.
Trước đó, hôm 12/7, Điện Mặt trời Trung Nam bị xử phạt vì hành vi không công bố thông tin về tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu, báo cáo tài chính tình hình sử dụng vốn một số năm.
Trong khoảng 2 năm qua, nhóm Trung Nam nhiều lần xin gia hạn, chậm trả nợ trái phiếu liên quan các dự án năng lượng tái tạo. Kết quả kinh doanh của nhóm sa sút.
Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, sau đó, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an về việc huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh với ông Thịnh.
Theo giới thiệu, Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004 tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Đây là một doanh nghiệp đi lên từ mảng xây dựng hạ tầng, sau đó đầu tư vào mảng bất động sản và thủy điện, rồi gần đây là lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hàng loạt các dự án điện mặt trời, điện gió. Một số dự án lớn như điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Bình Thuận, Ninh Thuận), điện gió Ea Nam, điện gió Trung Nam - Trà Vinh…
Theo trang web của Trung Nam Group, đến tháng 10/2021, Trung Nam Group đã đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.
Mặc dù vậy, trong khoảng 2 năm qua, Trung Nam Group và các doanh nghiệp thành viên gặp rất nhiều khó khăn.
Một đơn vị thành viên của Trung Nam Group là Công ty TNHH Điện Mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã từng có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Chính phủ trước nguy cơ xảy ra sự cố và gián đoạn vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam. Theo đó, doanh nghiệp này chưa thể đàm phán với EVN để tăng doanh thu từ nguồn phát điện, trong khi phải trả lãi ngân hàng.
Trong năm 2022, Công ty TNHH Điện Mặt trời Trung Nam Thuận Nam báo lợi nhuận sau thuế giảm 80% so với năm trước đó xuống còn 81 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 11/2023, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) công bố thông tin về việc chậm thanh toán khoản lãi đến hạn gần 107 tỷ đồng cho một lô trái phiếu có tổng trị giá 2.000 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, Trung Nam Group có vốn chủ sở hữu đạt hơn 27.900 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới hơn 68.100 tỷ đồng (tương đương gần 2,8 tỷ USD). Tổng nợ trái phiếu khoảng 24.270 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Trung Nam Group ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, chỉ còn 255 tỷ đồng, so với mức 1.635 tỷ đồng trong năm 2021.
Nhiều đơn vị thành viên khác của Trung Nam Group cũng gặp khó. CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam quy mô 600ha) nửa đầu năm 2023 lỗ 390 tỷ đồng, sau khi đã lỗ 858 trong năm 2022. Doanh nghiệp này cũng rơi vào tình trạng nợ chậm trả lãi trái phiếu. Điện Mặt trời Trung Nam, Điện Mặt trời Trung Nam Trà Vinh, Trung Nam Ninh Thuận…. đều ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận so với năm liền trước.