Gặp khó về quản lý sơ chế hàng hóa tại nguồn
Khuya 28.12, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM tổ chức đoàn làm việc và khảo sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán năm 2023 trên địa bàn thành phố.
Tại điểm khảo sát đầu tiên ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.Thủ Đức), từ 23h, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM dẫn đầu đoàn công tác đã có mặt để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thực phẩm tại các nhà lồng.
Ông Nguyễn Tấn Quang Vinh - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, chợ đầu mối hiện hoạt động chủ yếu vào ban đêm gồm 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa.
Tổng lượng hàng nhập chợ ước tính trong năm 2022 là 920.918 tấn. Bình quân mỗi ngày có 2.523 tấn rau, trái cây và hoa tươi nhập chợ, giảm 810 tấn/ngày (24%) so với bình quân năm 2021.
Qua công tác kiểm tra đã mời họp nhắc nhở 17 trường hợp vi phạm quy định do không ghi sổ nguồn gốc hàng hóa, không cập nhật thông tin niêm yết giá hàng hóa.
"Về công tác quản lý sơ chế hàng hóa tại nguồn, chúng tôi gặp nhiều khó khăn như một số thương nhân không nhập hàng vào ô vựa mà nhập về các hộ kinh doanh xung quanh chợ (bên ngoài phạm vi kiểm soát của chợ) để tránh việc kiểm soát của công ty đối với sơ chế tại nguồn.
Chợ có không gian mở sát với khu dân cư có nhiều ngõ ra vào nên việc giám sát này không thể đạt hiệu quả cao. Một số trường hợp hàng hóa của thương nhân không bán hết trong đêm để lại qua ngày hôm sau bắt buộc phải sơ chế lại để bán tiếp" - ông Quang Vinh cho hay.
Khó kiểm soát chợ tự phát
Rạng sáng 29.12, đoàn kiểm tra cũng đến khảo sát tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Đoàn đã kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của mặt hàng thịt heo và rau củ.
Ông Lê Văn Tiển - Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết, lượng hàng hoá nhập chợ bình quân của năm 2022 đạt khoảng 2.320 tấn/đêm.
Hàng hoá nhập chợ có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, Trung Quốc khoảng 4%, các nước khác khoảng 1%. Trong năm 2022, xử lý 3 trường hợp kinh doanh thịt heo không đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Một số ít thương nhân nhận thức còn hạn chế nên việc vi phạm trong kinh doanh thực phẩm an toàn vẫn xảy ra. Đồng thời, việc kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các tuyến đường xung quanh chợ đã gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của thương nhân trong chợ" - ông Tiển chia sẻ.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, thực phẩm thường tập hợp ở chợ đầu mối, sau đó được phân phối đến các điểm kinh doanh khác trên địa bàn thành phố. Do đó, công tác kiểm soát, kiểm tra an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm được tập trung dễ dàng hơn ngay từ đầu nguồn.
"Ghi nhận thực tế, sau dịch COVID-19, vấn đề buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối tăng cao và hiện vẫn chưa kiểm soát được. Điều này là không công bằng cho các tiểu thương buôn bán hợp pháp trong chợ.
Vì vậy, đòi hỏi phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Đồng thời, kêu gọi người dân và tiểu thương chợ truyền thống đến mua hàng trực tiếp trong chợ đầu mối, có hoá đơn rõ ràng để đảm bảo an toàn" - bà Lan cho hay.
Trong sáng 29.12, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.