Thoát nghèo nhờ cây na trên vùng đất núi
Với 800 cây na dai, na thái trong vườn cây của chị Lê Thị Duệ, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Chục Quan, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, mỗi năm cho 3 tấn quả, thu nhập từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/năm, nhờ đó đem lại nguồn lợi kinh tế lớn giúp gia đình chị vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, kinh tế gia đình chị Duệ cũng như các chị em trong thôn Chục Quan chủ yếu từ các loại cây nông sản như ngô, khoai, sắn và trồng lúa nên thu nhập thấp, bấp bênh.
Hơn mười năm trước, vợ chồng chị bắt tay vào lĩnh vực xây dựng, san lấp mặt bằng nhưng do tiền nợ đọng nhiều không thể thu hồi nên anh chị đành phải chuyển hướng phát triển kinh tế gia đình.
Sau khi có chủ trương của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế tại vùng và thí điểm trồng cây na dai, na thái,... phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương vợ chồng chị Duệ đã đăng ký thử nghiệm trồng.
Những ngày đầu, vợ chồng chị trồng hơn 400 gốc na dai nhưng do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách chăm sóc nên khi na ra quả bị đen, vẹo vọ, chất lượng ở mức trung bình, thu nhập thấp.
Sau 3 vụ na cho thu nhập thấp, vợ chồng chị đã từ bỏ na để chuyển sang trồng bưởi, ổi.
"Mùa bưởi đầu tiên quả đẹp, bán với giá 10.000đ-15.000đ/quả nên vợ chồng tôi rất vui, nghĩ rằng đã tìm được cây trồng hợp với đất, khí hậu.
Tuy nhiên, từ năm thứ 2 trở đi quả bưởi bị thâm đen, vẹo vọ nên rất khó bán, thu nhập thấp vợ chồng tôi đành phải tìm cây trồng khác", chị kể.
Sau đó, vợ chồng chị tiếp tục chuyển sang trồng cây ổi nhưng thu nhập không hiệu quả, cả vụ chỉ thu được từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.
Được sự động viên của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Vượng, đầu năm 2013, chị Duệ vực lại tinh thần, quyết tâm trồng lại loại na dai, na thái.
Lúc này, đã có nhiều hộ trên địa bàn huyện Hữu Lũng, Chi Lăng,... trồng na dai, na thái,... cho thu nhập cao, có kỹ thuật cũng như cách trồng, chăm sóc để quả na to, đẹp.
Lần này, chị được Hội LHPN cơ sở tạo điều kiện mời tham gia các buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả do hội khuyến nông tổ chức.
Đồng thời, vợ chồng chị cũng tự tìm hiểu về các tài liệu trồng na ở các vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Không chỉ thế, trong lúc vừa trồng cây, hai vợ chồng vừa cùng nhau đi tham khảo, học tập kinh nghiệm thực tế tại những vườn cây đã phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Với những kiến thức đã được tập huấn, học hỏi từ các hộ trồng thành công, chị và gia đình áp dụng nhiều cách chăm sóc cây na từ khi bón phân đến lúc bảo quản quả.
Chị đánh giá, việc chăm sóc cây na khi chúng phát triển là điều rất quan trọng vì nó là tiền đề để quả na có chất lượng vào mùa thu hoạch.
Đối với cây na thái, sau khoảng 3 năm trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch.
Cây na không giống cây khác, người dân có thể lựa chọn đậu quả vào từng thời điểm.
Mùa chính vụ từ tháng 7 đến tháng 9 nhưng muốn thu hoạch na gối, giá cao cũng có thể để cho cây thụ quả muộn hơn để thu hoạch vào tháng 10, tháng 11.
Đến mùa xuân cây đâm chồi, nảy nụ, thời điểm này người trồng na phải bỏ công chăm sóc, bón phân (chủ yếu là phân hữu cơ), cắt tỉa cành, dọn cỏ quanh cây.
Công đoạn quan trọng nhất là vào mùa na ra hoa vào tháng 5, hoặc thu hoạch na gối thì mùa hoa sẽ vào tháng 8 hoặc tháng 9.
Lúc này, người trồng na phải tỉ mỉ chọn từng bông hoa thụ phấn cho na. Đến khi na ra quả phải dùng túi nilon hoặc túi giấy bọc từng quả để phòng, trừ sâu bệnh, giúp quả phát triển đều, đẹp.
"Trồng na bây giờ sử dụng nhiều công nghệ nên quả đều, đẹp, không như trước đây. Từ khâu thụ phấn, ra hoa rồi kết quả đều được chọn lọc, quả nào đẹp thì để lại, còn không cắt bỏ.
Hiện mỗi cây na thái vợ chồng tôi chỉ giữ lại khoảng 50-70 quả, có quả to nặng hơn 1kg", chị chia sẻ đồng thời cho biết hiện gia đình chị đã có 800 cây na dai, na thái trên diện tích gần 2ha.
Ngoài ra, chị còn trồng thêm bưởi, ổi đan xen giữa các cây na đang phát triển.
Để đảm bảo thêm thu nhập gia đình, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy xúc, máy ủi phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân trên địa bàn.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả nên mô hình trồng na - ổi đan xen của gia đình chị mỗi năm thu hoạch được hàng tấn trái quả to, đẹp, không bị sâu. Với mô hình này, tổng thu nhập mang lại cho gia đình chị Duệ từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/năm
Trong thời gian thu hoạch na, bón phân, làm cỏ gia đình còn tạo việc làm cho 4-5 người trong thôn.
Phụ nữ giúp nhau thoát nghèo
Thành công trong phát triển kinh tế cho gia đình, chị Duệ tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào phụ nữ giúp nhau giảm nghèo do Hội LPHN xã Yên Vượng phát động.
Tại xã Yên Vượng không chỉ gia đình của chị Duệ mà còn rất nhiều vườn na như của chị Triệu Thị Mai Hương, Hoàng Thị Nhi, Nguyễn Thị Hằng,... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ phong trào phụ nữ giúp đỡ nhau, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, các hội viên phụ nữ tại xã Yên Vượng nói riêng và huyện Hữu Lũng nói chung đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô sang trồng cây na, ổi.
Nhờ có cây na, hàng chục hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Yên Vượng đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Bà Phùng Thúy Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Vượng đánh giá, để có được kết quả như hôm nay, vợ chồng chị Lê Thị Duệ đã chuyển đổi, trồng rất nhiều loại cây ăn quả khác nhau.
Qua nhiều lần trồng, thu hoạch thì cây na cho quả to, đẹp và giá cao, ổn định, đã giúp gia đình chị Duệ làm giàu từ cây na.
Hơn 10 năm qua, cây na cũng đã giúp nhiều hội viên phụ nữ khác trong xã Yên Vượng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.