Những ngày xuân tháng 10 ở Úc, Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 2003) - quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020 - ghé thăm thành phố Adelaide nhỏ bé nhưng yên bình nằm tại bang Nam Úc.
"Lâu lâu, em lại "xách balo lên và đi" vài hôm để sạc lại năng lượng cho bản thân", cô chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Thu Hằng hiện là sinh viên ngành kinh doanh tại Đại học Công nghệ Swinburne, Úc. Bên cạnh việc học và làm thêm, cô luôn dành thời gian để cân bằng cuộc sống, đi du lịch, khám phá nhiều nơi.
Mất nửa năm để quen cuộc sống mới
Sau khi vô địch Olympia, Thu Hằng phải trì hoãn kế hoạch du học hơn một năm vì dịch Covid-19 phức tạp.
Trong thời gian chờ đợi, cô học ngành Kinh doanh tại Đại học Swinburne Việt Nam. Nữ sinh muốn vừa trải nghiệm môi trường mới, vừa tối ưu thời gian học tập vì các tín chỉ môn học ở Swinburne Việt Nam đều được công nhận tại Swinburne Úc.
Tới tháng 3/2022, Thu Hằng mới chính thức đặt chân đến Úc. Giống như nhiều du học sinh, cô gặp không ít khó khăn trong nửa năm đầu tiên khi phải tập làm quen từ ngôn ngữ, văn hóa đến cách sống và làm việc khác hoàn toàn với những gì vốn quen khi còn ở nhà.
Thách thức lớn nhất với Thu Hằng là rào cản ngôn ngữ. Do ban đầu chưa quen giọng Anh - Úc, cô bị hạn chế khi nghe thầy cô giảng bài và trò chuyện với bạn bè bản xứ.
Bù lại, điều Thu Hằng thấy thích ở Swinburne là môi trường giáo dục cởi mở. Sinh viên không bị động ngồi nghe giảng mà hoàn toàn có thể chất vấn giảng viên nếu có vấn đề gì thắc mắc.
Tinh thần tự học được đề cao nên hàng tuần, cô chỉ đến lớp 2-4 tiếng cho một môn, mỗi kỳ học 4 môn, còn lại tự tham khảo, tìm tòi thêm. Khi gặp kiến thức khó, nữ sinh thường gửi email (thư điện tử) nhờ thầy cô giải đáp hoặc hỏi các quán quân Olympia những mùa trước.
Cứ thế, sau 6 tháng cố gắng hòa nhập, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo với Thu Hằng.
Trưởng thành, tự lập hơn
Rời xa vòng tay của gia đình, một mình ở đất khách xa xôi, quán quân Olympia 2020 thấy mình trưởng thành hơn theo từng ngày.
Vì ở trọ xa trường, Thu Hằng thường phải dậy từ 5h30 sáng để nấu cơm, chuẩn bị đồ đi học. Cũng nhờ phải tự lo A-Z như vậy, từ những ngày đầu loay hoay gần 2 tiếng trong bếp mới nấu được bữa cơm, giờ cô làm mọi thứ rất thành thục.
Thu Hằng chia sẻ, cô thích tự vào bếp nấu nướng, ít khi ăn ngoài vì giá thành cao lại không thể tìm thấy hương vị quê nhà.
Đó là những điều nhỏ bé trong cuộc sống mà trước đây Thu Hằng không để tâm đến. Giờ đi xa, cô mới càng trân trọng thời gian được ở bên gia đình, người thân, bạn bè.
Hiện Thu Hằng vừa học, vừa làm cho một công ty startup (khởi nghiệp). Thời gian còn lại, cô ưu tiên cân bằng cuộc sống, đi du lịch, khám phá nhiều nơi để mở rộng vốn hiểu biết xã hội và tự tin hơn khi giao tiếp.
Mong Olympia có thêm quán quân nữ
Sau chung kết Olympia 2023, Thu Hằng gửi lời chúc mừng tân quán quân Lê Xuân Mạnh với màn thể hiện ấn tượng. Tuy nhiên, việc thí sinh nữ vắng bóng ở trận đấu cuối cùng suốt 3 năm qua cũng khiến cô để tâm.
"Em hy vọng trong những năm sắp tới sớm có một bạn nữ khác giành giải quán quân", nữ sinh nói.
Trong số nhà vô địch Olympia đang ở Úc, Thu Hằng sống gần nhất với Nguyễn Hoàng Cường (quán quân năm thứ 18) và Hồ Đắc Thanh Chương (quán quân năm thứ 16). Cả ba có một số cuộc hẹn đi ăn, dạo chơi vào lúc rảnh rỗi.
"Anh Cường và anh Chương đã, đang hỗ trợ em rất nhiều, không chỉ trong học tập mà cả trong cuộc sống. Các anh khác cũng rất tốt. Mọi người vẫn giữ liên lạc qua hình thức nhắn tin để hỗ trợ nhau nhưng do khoảng cách sống khá xa nên chưa có nhiều cơ hội giao lưu trực tiếp", cô kể.
Với Thu Hằng, dù ở đâu, cô cũng hướng về quê hương và mong có cơ hội đền đáp những gì mình từng nhận được, cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy, khi được hỏi, câu trả lời của nữ quán quân vẫn kiên định như 3 năm trước: "Nếu có cơ hội, em chắc chắn sẽ trở về".
Thư An