Nữ du kích anh hùng ở vành đai giới tuyến

30/04/2023 14:41
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Bà Hoàng Thị Chẩm (sinh năm 1950, thường gọi là O Chẩm, ở Gio Linh, Quảng Trị) đã trở thành "huyền thoại" của một thời chiến tranh anh dũng vẻ vang.

Nữ du kích anh hùng ở vành đai giới tuyến - 1

Bà Hoàng Thị Chẩm với bên bức hình được chụp khi còn là du kích bắn tỉa tại Căn cứ quân sự Dốc Miếu (Ảnh: TTXVN).

Dành trọn tuổi thanh xuân sống và chiến đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bà Hoàng Thị Chẩm (sinh năm 1950, thường gọi là O Chẩm, ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành "huyền thoại" của một thời chiến tranh anh dũng vẻ vang. Bà là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Với bề ngoài nhỏ nhắn, người con gái ấy mang trong mình ý chí chiến đấu phi thường khiến nhiều tên địch trên vành đai giới tuyến cúi đầu run sợ.

O du kích 9 lần được phong dũng sĩ

Bà sinh ra trong một gia đình cách mạng, bố từng bị địch nhốt tù đày. Mẹ ở nhà nuôi giấu cán bộ ngay trong chính căn hầm ở dưới nhà. Hai người chú ruột hy sinh trong kháng chiến, cô ruột là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Khi tròn 12 tuổi, O Chẩm bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Làm giúp việc cho một gia đình ở thị xã Quảng Trị, tuổi còn nhỏ nhưng bằng ý chí và sự kiên nghị, nhanh nhẹn của mình, O Chẩm đã qua mắt được quân địch hỗ trợ ăn uống, liên lạc thư từ của quân ta từ Gio Linh vào Đông Hà, thị xã Quảng Trị và ngược lại. Nhờ vậy, nhiều thư từ qua lại đã được bà chuyển giao cho các căn cứ của ta đảm bảo bí mật tuyệt đối.

Quê của bà nằm sát bên dòng sông Bến Hải và vĩ tuyến 17 - giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đôi bờ Nam - Bắc đất nước, xã Trung Hải trong những năm tháng chiến tranh là "vành đai trắng" trong hệ thống hàng rào McNamara. O Chẩm vẫn nhớ như in trận càn vào tháng 5/1967, khi giặc Mỹ - Ngụy mở đợt càn quét tại 3 xã gồm Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang. Lúc này, nhà cửa, ruộng đồng bị đốt phá, chúng đã biến nơi đây thành một "vành đai trắng" không còn sự sống chỉ còn chết chóc, đau thương. Từ chối tham gia lớp K8 sơ tán ra Bắc, mong muốn bám trụ quê hương, chiến đấu chống lại quân thù, bà đã trốn về quê làm du kích bám đất, giữ làng.

Tháng 7/1967, bà được cấp trên cho tham gia học lớp bắn súng khẩu 12 ly 7, đồng thời được giao chức vụ Khẩu đội trưởng 12 ly 7 của thôn Xuân Long, thuộc Sư đoàn 308. Sau đó, bà Chẩm tham gia học thêm lớp bắn tỉa. Kể từ năm 1967 - 1969, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất, O Chẩm đã cùng với đồng đội của mình tham gia các đợt vây ép giặc tại căn cứ quân sự Dốc Miếu. Đây được xem là cứ điểm quan trọng nhất được trang bị tối tân của quân địch lúc bấy giờ.

Nhớ lại những ngày tháng không thể nào quên, O Chẩm kể, thời điểm ấy, chiến trường không lúc nào ngơi tiếng bom đạn, máy bay gầm rú gào thét trên bầu trời, tiếng bom, đạn pháo bắn khắp nơi. Đơn vị chúng tôi ẩn nấp trong các công hào quân sự, chờ đợi thời cơ để bắn tỉa đội lính tuần tra, dã ngoại hành quân tại các cứ điểm Dốc Miếu. Bà nhớ mãi kỷ niệm đợt càn của Mỹ - Ngụy vào năm 1969 tại thôn Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Hôm ấy, quân địch đã sử dụng 9 xe tăng càn quét khắp nơi. Do hỏa lực không có, bà và đồng đội đã nảy ra ý tưởng dẫn dụ địch vào bẫy mìn đã đặt trước đó. Thế nhưng, để dụ được địch vào bẫy  không hề đơn giản, bà đã lộ diện chạy trước xe tăng vừa cầm khẩu súng K43 vừa bắn vào quân địch vừa chạy. Vì muốn bắt sống bà, xe tăng của địch đã chạy vào bãi mìn, một chiếc xe tăng nổ tung cũng là lúc bà nhảy xuống hồ sen trốn thoát sang bên kia hồ.

Là nhân vật đi vào lịch sử của quê hương Quảng Trị, O Chẩm vinh dự là một trong số 4 người có mặt cắm cờ tại căn cứ quân sự Dốc Miếu của Mỹ - Ngụy trong trận đánh quan trọng giải phóng quê hương vào rạng sáng 2/4/1972. Trận chiến là một bước ngoặt quan trọng, tạo ra lợi thế, cục diện mới trên chiến trường, để quân và dân tiếp tục tấn công nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đây chính là mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống anh dũng, bất khuất, kiên cường trên quê hương đất lửa. Khoảnh khắc này đã được chụp ảnh và lưu giữ lại ở Bảo tàng Hiền Lương và Nhà truyền thống huyện Gio Linh.

"Đối với chúng tôi, ngày ấy được đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là một trọng trách vinh dự và rất đỗi tự hào. Dù có gian khổ, hy sinh, vẫn cảm thấy rất đáng giá. Nếu thời gian quay trở lại tôi vẫn nguyện một lòng với sự nghiệp cách mạng, vì quê hương, đất nước…" - đó là lời thề cách mạng sắc son của O Chẩm ở độ tuổi 73 khi tâm sự với chúng tôi giữa một ngày tháng 4.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam là một phóng viên chiến trường từng có mặt tại bờ Nam sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, Quảng Trị trong năm 1973. Hình ảnh o du kích nhỏ đã khắc sâu trong lòng ông. 50 năm sau gặp lại, ông vẫn không khỏi xúc động: "Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh O Chẩm có hình hài nhỏ nhắn nhưng lại mang trong mình một sức mạnh vĩ đại khiến biết bao kẻ thù phải run sợ.

Ngày ấy, cô mang không nổi khẩu K44, anh em phải đổi cho khẩu súng khác. Mới bập bẹ biết đọc, biết viết mà đã làm khẩu đổi trưởng 12 ly 7, chỉ huy bắn rơi máy bay. Rồi cô trở thành xạ thủ bắn tỉa xuất sắc của đội du kích xã Trung Hải. Đã có 36 tên giặc ở Dốc Miếu ngã gục dưới làn đạn bắn tỉa của cô. O Chẩm là hiện thân của những người dân Quảng Trị nói riêng và người dân Việt Nam lúc bấy giờ nói chung. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả tuổi xuân, xương máu sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước khi Tổ quốc cần", nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ.

Với những nỗ lực trong chiến đấu của mình, từ năm 1969-1972, bà Hoàng Thị Chẩm đã hai lần đạt chiến sỹ thi đua của Mặt trận miền Nam - Quân khu 4; chiến sỹ quyết thắng của mặt trận B5. Đặc biệt, bà Chẩm 9 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ cùng nhiều Huân, Huy chương quý giá khác.

Bà đỡ của những đứa trẻ dọc bờ sông giới tuyến

Sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, từ tháng 8/1972-3/1973, bà Chẩm được cử đi học lớp nữ hộ sinh của Vĩnh Linh, rồi sau đó được phân công nhiệm vụ là Trạm trưởng nữ hộ sinh xã Trung Hải. Trong điều kiện đất nước còn gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân còn thiếu thốn, nữ hộ sinh O Chẩm đã có mặt khắp mọi miền quê dọc hai bờ giới tuyến sông Bến Hải để đỡ đẻ cho hàng trăm sản phụ. Những ngày đầu khi chuyển từ cầm súng sang cầm kim tiêm, ống nghe… cứu người còn nhiều bỡ ngỡ, thế nhưng với sự cần mẫn, chăm chỉ, học hỏi không ngừng nghỉ O chẩm được bà con trong vùng yêu thương gọi bằng cái tên trìu mến "Bà đỡ mát tay".

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Đình Hà (58 tuổi, xã Trung Hải) cho biết, O Chẩm không chỉ là một nữ anh hùng, kiện tướng đi đầu trong mặt trận chiến đấu chống quân thù mà với người dân địa phương, bà như một người bà, người mẹ, người chị đáng quý. Khi đất nước mới giải phóng còn nhiều khó khăn, O Chẩm đã đỡ đẻ cho rất nhiều đứa trẻ ra đời an toàn. Ngày nay, O đã tuổi cao, nhưng mỗi lần đau ốm, chúng tôi vẫn tìm đến bà để hỏi cách chữa trị, xin các bài thuốc dân gian của bà.

Nữ du kích anh hùng ở vành đai giới tuyến - 2

Bà Hoàng Thị Chẩm và cuộc hội ngộ với Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam sau 50 năm (Ảnh: TTXVN).

Bà Hoàng Thị Chẩm cho biết, bà vẫn nhớ những năm 1973, mỗi ngày có ít nhất từ 2-3 ca đỡ đẻ. Vào những ngày cao điểm, con số ấy cao gấp nhiều lần. Thời ấy, do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, việc đỡ đẻ cho các sản phụ được an toàn đều dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Bà nhớ như in trường hợp của sản phụ bà Lê Thị Xoa (thôn Hải Chử, xã Trung Hải) có 4 lần sinh con, trong đó có 3 ca khó vì ngược, một ca sinh thường. Hành nghề cứu người vất vả là vậy nhưng mỗi khi nghe tiếng khóc của một em bé mới ra đời lại là động lực để bà cố gắng hơn.

Chiến tranh đã qua đi, trải qua những đau thương mất mát, phút giây sinh tử, bà hiểu được giá trị của sự sống. Các thế hệ trẻ dọc hai bên bờ sông giới tuyến ra đời như chứng minh cho sức sống, sự hồi sinh mãnh liệt trên mảnh đất từng chịu nhiều đau thương mất mát. Họ sẽ mang trên vai trọng trách gánh vác tương lai của đất nước, quê hương.

Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, bà Hoàng Thị Chẩm được ghi nhận là nữ du kích tuyến đầu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và giải phóng quê hương. Trong chiến tranh, O Chẩm đã nhiều lần lập thành tích xuất sắc, được công nhận là tay súng bắn tỉa tiêu biểu của du kích địa phương. Bà được nhiều lần phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Bà đã có công rất lớn trong chiến dịch tấn công nổi dậy đánh chiếm khu căn cứ Dốc Miếu và tham gia giải phóng huyện Gio Linh vào tháng 4/1972. Trong thời bình, O Chẩm có nhiều đóng góp xứng đáng cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn xã thông qua vai trò của người y tá tận tụy, từ nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã cho đến cộng tác viên y tế thôn bản. Bà được người dân địa phương tin yêu và mến phục…

Với những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ, năm 2007, bà Hoàng Thị Chẩm đã được trao Giải thưởng KOVA về "Những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống xã hội".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nữ du kích anh hùng ở vành đai giới tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO