Nữ cựu cục trưởng nhận hối lộ 25 tỉ đồng gửi lời xin lỗi Đảng, nhà nước và người dân

13/07/2023 18:04

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, khai việc nhận tiền hối lộ hơn 25 tỉ đồng có thể là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng nhằm tăng giá chuyến bay giải cứu công dân

Phiên tòa xét xử bị cáo Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng 53 đồng phạm trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" ngày 13-7 tiếp tục với phần xét hỏi. Thẩm phán TAND TP Hà Nội xét hỏi cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan.

Nữ cựu cục trưởng nhận hối lộ 25 tỉ đồng gửi lời xin lỗi Đảng, nhà nước và người dân - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan được dẫn giải tới phiên toà

Theo cáo buộc, từ tháng 5-2020 đến tháng 1-2022, 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được Nguyễn Thị Hương Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc này cấp phép chuyến bay. Trong quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay giải cứu, bị cáo Hương Lan nhận hối lộ 32 lần của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp với số tiền hơn 25 tỉ đồng.

Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan trình bày về nhiệm vụ của Cục Lãnh sự trong chủ trương giải cứu công dân về nước. Cục Lãnh sự được giao bảo hộ công dân, chịu trách nhiệm đưa công dân mắc kẹt ở nước ngoài về nước. Khi đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao giao thủ trưởng Cục Lãnh sự (bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự - PV) chịu toàn bộ trách nhiệm về mảng công tác của Cục.

Về quy trình tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép chuyến bay giải cứu của doanh nghiệp, Nguyễn Thị Hương Lan khai Văn phòng Cục Lãnh sự sẽ tiếp nhận các công văn liên quan đến chuyến bay combo. Sau đó, văn phòng sẽ tập hợp, chuyển các phòng nghiệp vụ, trong đó có Phòng Bảo hộ công dân.

Phòng Bảo hộ công dân sẽ tập hợp tất cả hồ sơ của các doanh nghiệp, sau đó dựa trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp do Tổ công tác 5 bộ (các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, Công an, Giao thông Vận tải - PV) thống nhất; số lượng các chuyến bay combo được thực hiện trong tháng, để lựa chọn những doanh nghiệp đạt yêu cầu, rồi đề xuất lên ông Đỗ Hoàng Tùng, cựu phó cục trưởng Cục Lãnh sự, phụ trách bảo hộ công dân. Tiếp đó, chuyển lên cho Nguyễn Thị Hương Lan rồi nữ cực cục trưởng báo cáo với bị cáo Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, bị cáo Lan khai có một số tiêu chí, gồm: Ưu tiên địa bàn có đông công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài. Cùng với đó, địa phương phải có văn bản đồng ý tiếp nhận công dân cách ly, không dồn quá nhiều công dân vào một địa phương, người đưa về phải là công dân Việt Nam, có nhu cầu về nước mà bị mắc kẹt, doanh nghiệp thực hiện chuyến bay phải đủ điều kiện triển khai trọn gói cho công dân…

Khai tiếp tại tòa, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự thừa nhận có một số doanh nghiệp được lãnh đạo Bộ, ban ngành giới thiệu sang để gặp bị cáo. Qua đó, bị cáo đã nhận tiền của 8 doanh nghiệp. "Đến lúc này, bị cáo nhận thức hành vi nhận tiền là sai. Việc nhận tiền này có thể là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng nhằm tăng giá chuyến bay giải cứu công dân, làm ảnh hưởng đến của Đảng, Nhà nước. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước và người dân"- bị cáo Lan nói và cho biết, gia đình bị cáo đã nộp khắc phục 900 triệu đồng.

Nguyễn Hưởng

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nữ cựu cục trưởng nhận hối lộ 25 tỉ đồng gửi lời xin lỗi Đảng, nhà nước và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO