Cả nhà gọi anh Quân là "siêu đầu bếp"
Chiều Xuân sinh năm 1967, là con gái đạo diễn sân khấu Đức Đọc. Chị đóng phim sớm, nổi tiếng với vai Thuận phim Mẹ chồng tôi (đạo diễn Khải Hưng), Na phim Người yêu đi lấy chồng, Ngân Hà phim Hà Nội 12 ngày đêm, Hương phim Hàng xóm, Mai phim Tình biển...
Với vẻ đẹp đằm thắm, lối diễn tự nhiên, chị là một trong những mỹ nhân "làm mưa làm gió" trên màn ảnh.
Gần đây, chị trở lại trong dự án phim điện ảnhKẻ ăn hồn - một tác phẩm kinh dị. Trong phim, NSƯT Chiều Xuân xuất hiện trong vai bà Tám Kheo với nhiều phân đoạn cảm xúc, gây ấn tượng với khán giả.
Nữ diễn viên đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về cuộc sống, công việc của mình.
Nhiều người thắc mắc, vì sao NSƯT Chiều Xuân lại nhận lời vào phim "Kẻ ăn hồn" của đạo diễn Trần Hữu Tấn?
- Khi Trần Hữu Tấn mời tôi tham gia phim, tôi đã phải suy nghĩ khá nhiều. Tôi buồn và thương cho nhân vật vì đó là một bà mẹ có con bị chết thương tâm. Sau khi đọc kịch bản, tôi quyết định tham gia vì thấy đây là vai diễn có chiều sâu.
Bên cạnh đó, Tấn làm nhiều phim như: Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà, Bắc Kim thang… có yếu tố kinh dị, tôi xem thấy rất cuốn hút. Phim của cậu ấy cũng có nhiều chất liệu văn hóa dân gian, đó là điều tôi thích thú.
Vai bà Tám Kheo có phải là một vai khá nặng về tâm lý với chị không?
- Đó là một vai với tâm lý khá nặng. Trước khi quay, tôi thường ngồi suy nghĩ về vai diễn, nỗi đau mất con đẩy lên cùng cực khiến khá giả cũng có nhiều đồng cảm với nhân vật này.
Nhiệm vụ của nghệ thuật là phải khai sáng, để người diễn viên được lăn lộn vào những bi kịch, đau thương lẫn hân hoan để soi chiếu chiều sâu bên trong con người. Khi phim ra rạp, xem lại, tôi cũng thấy xúc động và thương nhân vật Tám Kheo hơn.
Làm phim ở Hà Giang một thời gian dài, chị có gặp có nhiều khó khăn?
- Sau Tết Nguyên đán 2023 là chúng tôi đã quay phim. Tôi đã có hơn 1 tháng để lên Hà Giang làm phim Kẻ ăn hồn. Để lên trên Hà Giang, tôi phải di chuyển bằng xe khách giường nằm, lên xe chỉ ngủ một giấc dài là đến Yên Minh, có thể ngắm nhìn các đèo trên đó.
Lên một chút nữa là tới dốc Thẩm Mã, tôi từng lên đây chụp ảnh nên khá quen thuộc với nơi này. Khi trở lại làm phim, tôi thấy rất sung sướng.
Làng mà chúng tôi quay phim có nhiều thiếu thốn, nơi đây không có điện, không có nước. Để có nước sinh hoạt, đoàn phim phải kéo từ dưới lên, dùng một cái ống dài, kéo nước vào một cái hồ lớn, từ đó bơm nước lên làng. Ê-kíp có dựng các lều ở ngoài để sinh hoạt và để đồ quay phim.
Thời gian đó, đoàn phim "dính" 2 lần Covid-19. Cả đoàn ai cũng bị và khỏi dần, nhưng không ai kêu ca mà rất quy củ để đoàn kết vượt qua khó khăn.
Chị đi xa nhà lâu vậy, ông xã chị - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - có cằn nhằn không?
- Trong thời gian đi quay ở Hà Giang, tôi về nhà 1 lần. Ông xã bảo, thôi cứ ở lại quay xong hãy về, vì sợ tôi đi lại, di chuyển vất vả. Đi xa thế, tôi thấy mình vẫn có thể sắp xếp việc nhà từ xa được.
Nhà tôi ai cũng nấu ăn ngon, kể cả anh Quân. Cả nhà thường gọi anh ấy là "siêu đầu bếp". Anh ấy nấu cơm, hay phở cũng rất ngon.
Mỗi lần đi làm về, mệt, tôi chỉ cần mua nguyên liệu và ông xã sẽ là người nấu. Tôi may mắn vì có được điều này nên luôn yên tâm mỗi khi đi làm. Nhà lại có bác giúp việc nên tôi không lo lắng lắm.
Có thời gian tôi rất nóng tính
Nhắc đến Chiều Xuân - Đỗ Hồng Quân, người ta thường nói đến một cặp đôi gần 40 năm chung sống vẫn giữ được hạnh phúc, anh chị có bí quyết gì không?
- Nếu nói gần 40 năm chỉ ngọt ngào thì cũng không đúng, để có được hạnh phúc thì cũng có nhiều sóng gió, vất vả. Đừng nghĩ, vì sao tôi chăm sóc anh mà anh không chăm sóc tôi? Khi mình chăm sóc chồng con thật tâm thì họ cũng sẽ lo lắng cho mình thôi.
Khi chúng tôi lớn tuổi, vẫn thấy rất yêu nhau là vì chúng tôi hiểu được giá trị của nhau, tôn trọng nhau từ lúc lấy đến bây giờ.
Tôi cũng luôn tâm niệm, giá trị của chồng ngày càng tăng lên. Đừng nghĩ, thân quen quá rồi thì không cần trân trọng nữa. Đừng nghĩ "gần chùa gọi bụt bằng anh", điều đó là không được.
Nhiều phụ nữ muốn mình là nội tướng trong gia đình thì mới giữ chân được người đàn ông, với chị thì sao?
- Câu "lạt mềm buộc chặt" không đúng với tôi lắm. Mình đừng giữ ai thì mọi người sẽ không bỏ mình đi đâu cả. Mình tôn trọng tự do của mọi người, thì mình sẽ được tự do. Mình phải hiểu đối phương chứ không phải trong gia đình, mình muốn làm bà tướng, điều khiển mọi thứ theo ý mình, vậy là hỏng hết.
Tôi còn có công việc, sở thích riêng. Tôi không có thời gian để quản lý sở thích của mọi người trong gia đình, điều này rất vô lý. Khi mình vui thì mọi người sẽ ủng hộ mình thôi.
Dù không nói ra nhưng các thành viên trong gia đình đều coi chị là nội tướng?
- Trong cuộc sống, mình vẫn phải "nghệ thuật" một chút nhưng mình đừng phụ thuộc vào câu "nghệ thuật để sống", như thế rất mệt mỏi.
Tôi thấy mình là người biết nhu, biết cương. Anh Quân cũng là một người rất chiều vợ, thương con, thương cháu. Vợ con chưa có vấn đề gì anh ấy đã "rền rĩ, nỉ non" lo lắng. Tôi phải luôn động viên anh ấy rằng, anh yên tâm, mọi chuyện đều ổn.
Trong gần 40 năm sống bên nhau, chị đã bao giờ phải giữ chân anh Quân, hay anh ấy phải giữ chân chị không?
- Chắc cũng có, hồi trẻ thì có đấy. Điều này tôi tự nghĩ ra thôi, vì tuổi trẻ mọi thứ đến với mình rất nhanh, nhưng mỗi tuổi một khác, suy nghĩ cũng chín chắn hơn.
Anh Quân có phải là người lãng mạn?
- Anh ấy là người rất chân chất, nhưng tận cùng bên trong là người lãng mạn, chân thành. Từ hồi đi học nước ngoài, hay sống với người lớn tuổi anh ấy vẫn vậy.
Nhiều người hỏi tôi: "Ở cơ quan anh ấy là lãnh đạo thì về nhà, anh ấy có quan cách không?". Tôi nói: "Quan cách với ai? Quan cách làm gì? Đi làm việc đã vất vả, nguyên tắc, kỷ luật thì về nhà thả lỏng ra, quan cách làm gì cho khổ ra".
Có thời gian anh ấy làm việc mệt mỏi, tôi rủ anh lên vườn (khu nhà vườn ở ngoại thành của vợ chồng chị) thư giãn, anh ấy đi luôn. Chưa lần nào tôi rủ mà anh từ chối.
Tôi thường đi xe buýt lên đó, xong anh ấy lên sau đón tôi về, hoặc sáng tôi lên vườn, trưa anh ấy chạy xe lên đó ăn cơm xong lại quay về thành phố. Anh ấy là người quý trọng tình cảm.
Nhắc đến Chiều Xuân, người ta nghĩ đến một người phụ nữ Hà Nội nhẹ nhàng, tình cảm, ở nhà chị có bao giờ to tiếng?
- Tôi có nổi nóng đấy, có thời gian tôi rất nóng tính. Tôi đã từng gào, hét vào mặt anh ấy, ầm ĩ cả nhà cửa. Đến mức con tôi nói: "Mẹ xem thế nào chứ, cứ gào lên như thế, con không thể chịu được". Con cái nói vậy, tôi cũng buồn, nghĩ các con "tệ" với mình quá. Sau đó, tôi lại nghĩ mình cũng tệ, "nguy hiểm quá, mình đang làm cái gì đây?"
Gia đình nào cũng giống nhau thôi. Lúc đó, tôi muốn mình phải hoàn thành việc này nhưng mọi người không cùng suy nghĩ với mình nên nổi điên một cách vô lối.
Tôi cáu, anh ấy không nói gì, thế là tôi hết "nhiệt huyết" cãi nhau. Giờ thì khác, mọi thứ thuộc vào tâm lý và tuổi tác, tôi giờ điềm đạm hơn rồi.
Trong gia đình, có phải chị là người thiên về cảm xúc, anh Quân là người kéo chị về lý trí?
- Không hẳn thế, anh ấy không có thời gian để đấu khẩu với tôi. Chính vì tính cách thế, mình hiểu được nên hóa giải được mọi thứ, biến chuyện lớn thành nhỏ.
Tôi thấy sung sướng và may mắn khi lấy được anh Quân. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn "chốt đơn" anh ấy. Sống với anh ấy, mọi thứ đều rất nhẹ nhàng vì anh ấy không chấp nhặt, anh ấy có nhiều việc lớn để làm hơn là đôi co với vợ.
Giờ tôi già rồi, đáng nhẽ phải lắm điều hơn, khó khăn hơn, nhưng tôi hiểu, mình cứ bình thường đi, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.
Chị có phải là "bà ngoại bỉm sữa" không?
- Tôi cũng tự tay chăm các cháu ngoại, tuy không ở cùng nhưng tôi biết các con cần mình ở thời điểm nào để hỗ trợ, chăm sóc. Nhiều lúc tôi ngồi ứa nước mắt vì sợ đi nhiều, các cháu quên bà ngoại. May mắn là các bạn nhỏ coi tôi là đồng minh, tôi thường đưa các cháu đi dạo, các cháu rất thích chơi với bà.
Có lần sang chơi, tôi bảo cháu ngoại là chuẩn bị đi làm xa. Cháu nói: "Sao bà đi nhiều thế mà chơi với cháu ít vậy?". Tôi kể với con gái thì bị trêu: "Đấy, bà thấy đau lòng chưa?". Chính vì thế, khi tôi có thời gian là sang thăm các cháu ngay.
- Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ!