'NSND đẹp trai nhất màn ảnh' bị cụt 1 ngón tay, được NSƯT Tất Bình một đời mang ơn

21/02/2025 07:00

NSND Trần Phương là một tên tuổi lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông không chỉ là một nam diễn viên được khen ngợi 'đẹp nhất màn ảnh Việt' thập niên 50, 60, 70 mà còn là một đạo diễn tài ba đứng sau hàng loạt bộ phim đình đám.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương từng bị cụt mất 1 ngón tay

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Ngày trẻ, ông đi theo kháng chiến, học nghề thợ tiện và phục vụ trong xưởng quân giới của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Năm 1952, trong một lần thử đạn, Trần Phương không may bị thương, mất 1 ngón tay và được phép về làm công tác hậu cần tại Trường Văn nghệ nhân dân Liên khu Việt Bắc.

Nghệ sĩ Nhân dân đẹp trai nhất màn ảnh Việt bị cụt 1 ngón tay, từng đóng chồng của Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang - Ảnh 1.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương nổi tiếng với vai "Vợ chồng A Phủ". Ảnh: TL

Đây chính là thời điểm Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương được tiếp xúc với những tên tuổi lớn của văn đàn Việt Nam. Ông theo học kịch với nghệ sĩ Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ; học văn với nhà văn Nguyên Hồng, Tô Hoài; học chèo với nghệ nhân Năm Ngũ, Cả Tam; tham gia đóng ca kịch Hòn đá của nhạc sĩ Đỗ Nhuận… Đây chính là cơ hội mở ra nhân duyên của ông với bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Năm 1955, Trần Phương làm diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam – Hãng phim nhà nước lớn nhất Việt Nam ra đời dưới tên Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập năm 1953. Ông được đạo diễn Phạm Văn Khoa giới thiệu cho xem một số bộ phim điện ảnh của Nga, Trung Quốc… Và ông bắt đầu hứng thú với loại hình nghệ thuật này. Bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên ông được tham gia là Chung một dòng sông nhưng chỉ là vai nhỏ và không được ghi danh.

Năm 1959, ông được chọn tham gia phim Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài. Khi biết mình được chọn đóng vai A Phủ - chàng trai người Mèo theo cách mạng, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương được Thế Lữ khuyên đi thực tế ở Tây Bắc. Sau 3 tháng sống ở Tây Bắc, nam nghệ sĩ sinh hoạt như người Mèo, biết nói tiếng Mèo, biết cưỡi ngựa không cần yên, làm nương rẫy, hiểu thêm về cuộc sống, phong tục tập quán của người Mèo...

Với việc thể hiện thành công vai A Phủ, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương đã ghi dấu trong lòng khán giả Việt. Sau thành công của vai diễn này, ông tiếp tục đóng thành công nhiều vai diễn khác trong nhiều bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Cách mạng như: Khoa trong Chị Tư Hậu, Tơm trong Biển gọi, Khiêm trong Tiền tuyến gọi, Lực trong Truyện vợ chồng anh Lực, Tiệp trong Ngày Lễ Thánh

Nghệ sĩ Nhân dân đẹp trai nhất màn ảnh Việt bị cụt 1 ngón tay, từng đóng chồng của Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang - Ảnh 2.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương thời trẻ. Ảnh: TL

Trong những bộ phim kể trên, Trần Phương từng đóng chồng của NSND Trà Giang, NSND Tuệ Minh… Ngoại hình nam tính, khỏe khoắn của một người lính chuyển sang diễn xuất càng giúp Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương ngày càng ghi dấu ấn trong lòng khán giả hơn. Ông nhiều lần được đánh giá là "người đàn ông đẹp nhất điện ảnh Việt Nam" thời bấy giờ.

Sau nhiều vai diễn, Trần Phương quyết định chuyển sang làm đạo diễn phim. Ông đã từng đạo diễn các bộ phim: Mưa rơi trên thành phố, Dưới chân núi trắng. Bộ phim Tội lỗi cuối cùng do ông làm đạo diễn đã gây nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu ở cả Nam lẫn Bắc vào năm 1980, đem về cho đạo diễn Trần Phương giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, diễn viên Phương Thanh của phim này giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Trần Phương tiếp tục thực hiện những bộ phim khác như: Hy vọng cuối cùng, Đứng trước biển, Hoàng Hoa Thám, Dòng sông hoa trắng... Thập niên 1990, Trần Phương từng làm nhiều bộ phim đem về doanh thu cao như: Vụ án Hồ Con Rùa, Dòng thác, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Vệt sáng ngược, Hai năm nữa anh về...

Năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.

Đẹp trai, đào hoa... nhưng vẫn một lòng thủy chung với vợ

Nhiều nghệ sĩ cho biết, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương vốn là người rộng rãi. Ngay từ khi gắn bó với điện ảnh, ông đã không màng đến chuyện tiền bạc, thù lao. Thời kỳ vào Nam làm phim thị trường, mỗi khi có tiền, ông đều gửi ra Bắc để chia sẻ khó khăn cùng đồng nghiệp tại Hãng phim. Cho tới đầu những năm 2000, khi đã ngoài 70, "lão tướng" Trần Phương vẫn miệt mài với mối duyên điện ảnh.

Nghệ sĩ Nhân dân đẹp trai nhất màn ảnh Việt bị cụt 1 ngón tay, từng đóng chồng của Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang - Ảnh 3.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương được xem là người đẹp trai nhất điện ảnh Việt thập niên 50, 60, 70. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Đức Lưu nhớ thời trẻ, ông đẹp trai, hào hoa, quyến rũ cả trên phim lẫn ngoài đời. Mỗi khi đi quay, khán giả nữ thường túm năm tụm ba trò chuyện với ông. Ông hài hước, vui vẻ, hoạt ngôn nên nói chuyện rất duyên dáng và một lòng chung thủy với vợ. Thời trẻ, ông đinh ninh mất trước vợ nên suốt ngày lo bà ở lại buồn nhưng không ngờ vợ ông lại đi trước ông.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân, điều đáng quý nhất ở Trần Phương là luôn ấm áp với đồng nghiệp. Ngay cả với những người trẻ đi học việc, ông cũng rất ân cần chỉ dạy. Ông rất có trách nhiệm với lớp trẻ mới chập chững vào nghề.

Nghệ sĩ Trần Phương giúp đỡ nhiều người mới làm nghề, trong đó có Nghệ sĩ Ưu tú Tất Bình. Ông nâng đỡ nam nghệ sĩ rất nhiều từ khi còn là diễn viên, sau này thành đạo diễn. Bản thân Nghệ sĩ Ưu tú Tất Bình từng tuyên bố ông coi nghề Trần Phương là người thầy lớn bởi "không có Trần Phương thì không có Tất Bình ngày nay".

Thời điểm về già, trí nhớ của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương có phần sa sút. Ông có một thời gian an dưỡng trong Viện dưỡng lão ở Sóc Sơn. Mỗi lần ra Hà Nội, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang đều ghé lại Sóc Sơn thăm bạn diễn của mình. Mỗi lần gặp lại đồng nghiệp, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương đều bịn rịn không muốn rời nhau. Trong mắt Trà Giang, Trần Phương đẹp trai và tài năng, khiến đàn em ngưỡng mộ.

Nghệ sĩ Nhân dân đẹp trai nhất màn ảnh Việt bị cụt 1 ngón tay, từng đóng chồng của Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang - Ảnh 4.
Nghệ sĩ Trần Phương qua đời năm 2020. Ảnh: TL

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, bên cạnh tài năng đóng phim, đạo diễn và viết kịch bản, Trần Phương còn khiến bà yêu quý vì ông là một người cha có tình yêu to lớn với các con. Trần Phương có bốn người con gái và một người con trai. Về sau, người con trai út là Trần Lâm đi học quay phim ở Cuba và qua đời. "Đó là nỗi đau tận cùng đối với anh Trần Phương" – Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang nói.

Trước khi ông qua đời khoảng vài năm, các con đã đưa ông về nhà chăm sóc, sống vui vầy bên con cháu. Trong quãng thời gian đó, ông sống rất vui vẻ. Ông từng đùa: "Bây giờ cha đi, người tiễn thì không có mà người đón thì rất nhiều", nghĩa là ở thế giới bên kia có nhiều bạn bè của ông ở đó, mọi người đều đã đi trước ông.

Ngày Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương mất, chính Nghệ sĩ Ưu tú Tất Bình đã cùng gia đình đứng ra tổ chức tang lễ và đọc điếu văn tiễn biệt.

Theo danviet.vn
https://danviet.vn/nghe-si-nhan-dan-dep-trai-nhat-man-anh-viet-bi-cut-1-ngon-tay-3-lan-lam-chong-cua-nsnd-tra-giang-20250220115153651.htm
Copy Link
https://danviet.vn/nghe-si-nhan-dan-dep-trai-nhat-man-anh-viet-bi-cut-1-ngon-tay-3-lan-lam-chong-cua-nsnd-tra-giang-20250220115153651.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        'NSND đẹp trai nhất màn ảnh' bị cụt 1 ngón tay, được NSƯT Tất Bình một đời mang ơn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO