Sáng nay (17/4), ông Nguyễn Quang Tuấn đến TAND TP Hà Nội với mái đầu bạc trắng, đôi tay bị còng và bộ quần áo tù xanh ngắt… Nhìn những hình ảnh đó tôi thấy bùi ngùi đến lạ.
Chuyện ông Tuấn bị bắt rồi bị truy tố vì nguyên nhân gì hẳn nhiều người đã biết. Theo cáo trạng, từ năm 2015, ông Tuấn với cương vị là người đứng đầu, Chủ tịch hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư. Từ đó bệnh viện có vật tư sử dụng trước, sau đó ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới hợp thức các thủ tục cho doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán…
Ông Tuấn bị khởi tố với những sai sót trong đấu thầu. Và đặc biệt, những món quà “cảm ơn” khiến tội trạng của ông thêm tăng nặng. Việc ông Tuấn làm, chắc giờ đây ông đã nhận ra những sai lầm của mình, và ông sẽ phải trả giá cho những vi phạm đó bằng bản án được tuyên trong phiên tòa đang diễn ra.
Tuy nhiên, với rất nhiều người đã từng tiếp xúc với ông Tuấn, hình ảnh vị bác sĩ gày gò luôn gây được ấn tượng tốt, nhiều thiện cảm.
Trước hết, đó là khả năng chuyên môn của ông. Ông là một bác sĩ tim mạch được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước với những học hàm, học vị có thể nói là cao nhất của ngành: Giáo sư, Tiến sĩ.
Về thực hành ông cũng là một bác sĩ chuyên khoa tài hoa, được coi là một chuyên gia đầu ngành tim mạch. Biết bao bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ tài năng của ông. Và ông cũng từng giành được giải thưởng Nhân tài Đất Việt với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (Đặt stent)”.
Chính nhờ tài năng ấy, tên ông gắn liền với biệt danh nghề nghiệp: Tuấn Tim.
Tuấn Tim - Biệt danh ấy chắc chắn là do cái tài của ông chứ không phải vì ông là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, là Công dân ưu tú Thủ đô, là Thầy thuốc ưu tú...
Tài năng chuyên môn khiến ông đạt được những cương vị ấy một cách đương nhiên và nhiều người - trong cũng như ngoài ngành - cũng nghĩ ông xứng đáng.
Ông là bộ đội về đi học. Ông hoạt động xã hội hăng say và đặc biệt là học rất giỏi nên được làm bác sĩ nội trú tim mạch. Rồi ông đi tu nghiệp tại Pháp, tài năng của ông được đánh giá cao, được đề nghị ở lại làm việc, nhưng ông từ chối và trở về nước.
Những tháng năm sau đó có thể nói, với ông, là những tháng năm tuyệt vời của nỗ lực học tập, nghiên cứu, cứu sống bệnh nhân.
Cho đến tháng 8/2012, ông vừa làm chuyên môn nhưng lại vừa làm quản lý với cương vị Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Chuyên môn ông học và hành từ những tháng năm tuổi trẻ, được các bậc thầy tài giỏi dạy dỗ ân cần. Còn quản lý, ông cứ thế mà tự học, tự làm.
Và, thế là chỉ 3 năm sau ông vấp…
Những gì ông Tuấn nói và làm rất, rất nhiều người vẫn nhớ. Hồi ông ở Bệnh viện Tim Hà Nội, phương châm 3H (Head, Hand, Heart) - làm việc với trí tuệ, kỹ năng và cái tâm đã khiến nơi đây trở thành một địa chỉ tin cậy với bệnh nhân tim mạch, một trung tâm nghiên cứu và thực hành khoa học vượt lên tầm quốc tế.
Câu nói: “Nếu cái tâm không có sẽ lái cuộc đời theo hướng khác” của ông, chắc chắn một thời ông đã tách chiết ra từ quãng đời học nghề và làm nghề. Mọi người không thể quên và cũng không nghi ngờ.
Khi Bệnh viện Bạch Mai có biến, Giám đốc bị bắt và truy tố, ông Tuấn được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Giám đốc. Mọi người đã nghĩ đó là điều tất yếu.
Khi ông bị bắt, nhiều người sửng sốt, không tin được đó là sự thật.
Còn hôm nay ông ra tòa với mái đầu bạc trắng chắc do ông suy nghĩ mông lung lắm trong những tháng ngày tù tội, đôi bàn tay tài hoa chuyên thực hiện những kỹ thuật tim mạch phức tạp nằm trong đôi còng tay lạnh lẽo, và ông như gầy guộc hơn trong bộ quần áo tù nhân xanh ngăn ngắt còn nguyên nếp gấp.
Thương cho ông và cũng tiếc cho ông. Mong cho việc hợp tác điều tra, khắc phục hậu quả và quá trình quên mình học tập, nghiên cứu để chữa bệnh cứu người của ông là những tình tiết mà các vị quan tòa công minh xét tới khi lượng hình.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.