Nội chiến doanh nghiệp Việt
Ngay đầu năm mới 2023, Tập đoàn xây dựng thuộc top đầu Việt Nam - Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) - đối mặt với một cuộc nội chiến từ chính các thành viên người Việt trong Hội đồng quản trị (HĐQT).
Câu chuyện tiếp tục xoáy vào năng lực điều hành khi doanh nghiệp gặp khó khăn, có kết quả kinh doanh không tốt.
Cuộc nội chiến giữa hai bên, gồm nhóm ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khiến nhiều người lo lắng thương hiệu hàng đầu Việt Nam có thể lao dốc, thậm chí rơi vào tay ông chủ ngoại giống như một số trường hợp từng xảy ra trước đây.
Theo Thông cáo báo chí ghi ngày 6/1 được công bố trên website chính thức của HBC, vào chiều 5/1, hai thành viên HĐQT độc lập của HBC gồm, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng, đã tổ chức gặp gỡ và cung cấp thông tin với các phóng viên về các thông tin kinh doanh nội bộ của tập đoàn tại một quán cà phê trên đường Pasteur, Quận 1, TP.HCM. Địa điểm này được chọn sau hai lần chuyển chỗ trong cùng ngày.
Trong cuộc gặp gỡ này, nhóm ông Phú cáo buộc, nguồn cơn dẫn đến cuộc xung đột tại HĐQT Xây dựng Hòa Bình là do doanh nghiệp “bị thất thoát vốn và tỷ lệ nợ cao”, “không thể để tình trạng gia đình trị ở Hòa Bình”, “ông Hải điều hành đã đi sai hướng”... và sẽ khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM.
Ở chiều ngược lại, thông cáo ngày 6/1 cho rằng, hai thành viên HĐQT độc lập cố tình bóp méo, xuyên tạc, thậm chí nói ngược với sự thật, với động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo và danh tiếng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như quyền lợi của các cổ đông.
Cuộc "nội chiến" tại Xây dựng Hòa Bình có thể còn kéo dài, khi cả hai bên đều rất căng thẳng, tuyên bố dự định đâm đơn kiện, thậm chí để “xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân”.
Trước đó, cuộc chiến quyền lực tại doanh nghiệp từng là đầu ngành xây dựng Coteccons (CTD) đã buộc người sáng lập Nguyễn Bá Dương phải ra đi năm 2020. Hơn một thập kỷ trước, khi bất động sản khó khăn do khủng hoảng tài chính, sức ép lớn buộc Coteccons quyết định nhận đầu tư để đổi mới mô hình kinh doanh. Việc bán cổ phần cho Kusto Group, thu tiền về giúp doanh nghiệp bứt phá một vài năm sau, nhưng cũng từ đó những bất đồng nội bộ manh nha.
Cuộc khủng hoảng lần này, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường tài chính chao đảo vì dịch bệnh Covid, cạn kiệt nguồn vốn do cuộc chiến chống lạm phát và thị trường trái phiếu đóng băng đột ngột,... nhiều doanh nghiệp lao đao. Đây cũng là lúc xuất hiện những câu chuyện xoáy vào năng lực điều hành của lãnh đạo.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp phải trả giá, như ông Bùi Thành Nhơn, ông Nguyễn Phát Đạt, ông Đỗ Quý Hải,... Doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản và cổ phiếu lao dốc tới 70-90%. Cũng từ đây, các doanh nghiệp chứng kiến sự tái cấu trúc, bao gồm cả cơ cấu cổ đông.
Hôm 30/11/2022, giới đầu tư chứng kiến một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại miền Bắc - CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) - ghi nhận gần 50% cổ phiếu được chuyển nhượng trong buổi sáng. Cổ phiếu tăng trần sau 12 phiên giảm sàn liên tiếp.
Các nhà đầu tư cũng chứng kiến dòng tiền lớn đổ vào bắt đáy cổ phiếu hai "ông lớn" bất động sản đang tái cấu trúc là: Novaland (NVL) và Bất động sản Phát Đạt (PDR). Cũng giống như NVL và PDR, ông chủ của Hải Phát Invest - Chủ tịch Đỗ Quý Hải - cũng bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu do khó khăn về nguồn vốn.
Trước đó, thị trường cũng chứng kiến cuộc chiến nội bộ tại Bibica (giữa PAN Group của ông Nguyễn Duy Hưng và Lotte của Hàn Quốc), tại Vicostone (giữa ông Năng 'Do Thái' và nhóm nhà đầu tư ngoại), Sacombank (giữa nhóm nhà sáng lập Đặng Văn Thành với nhóm ông Trầm Bê),...
Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank đã chấm dứt sau hơn 6 năm, với 8 lần thay đổi chủ tịch. Sự rút lui của một số nhóm cổ đông, trong đó có Thành Công, nhóm ngoại SMBC... đã giúp Eximbank ổn định trở lại, dự kiến tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 1/2023 tại TP.HCM.
Đấu tranh để phát triển, không kéo nhau đi xuống
Trong cuộc chiến tại Coteccons, sự khác nhau về triết lý kinh doanh đã bộc lộ giữa ông Nguyễn Bá Dương và Kusto Group, ngay cả ở cách thức chia lợi ích theo phương châm dụng nhân “con người là tài sản quý nhất", "tôi được 10 đồng, anh em được 7 đồng".
Sau nhiều lần lui bước không thành, ông Dương phải từ bỏ khi mâu thuẫn không ngừng lên cao, kéo dài và Coteccons gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi.
Sau nội chiến, Coteccons ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống rất mạnh, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm ngay từ đầu 2021 do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và sau đó tiếp tục giảm. CTD lỗ trong quý IV/2021, quý II/2022, quý III/2022 và chỉ lãi nhẹ trong quý I/2022. Theo Mirae Asset, với áp lực giá vốn cao, trích lập dự phòng tăng mạnh, Coteccons sẽ lỗ khoảng 110 tỷ đồng trong năm 2022. Doanh thu liên tục sụt giảm kể từ 2019 khi nội chiến nổ ra.
Cổ phiếu CTD từ gần 120.000 đồng hồi đầu 2022 hiện còn gần 35.000 đồng/cp.
Ông Nguyễn Bá Dương gây dựng "đế chế" mới với SOL E&C và Newtecons với doanh thu tăng mạnh. Newtecons liên tục công bố thế chân Coteccons tại nhiều dự án lớn.
Tại Sacombank (STB), ngân hàng này rơi vào tình trạng bê bết, nợ xấu tăng vọt sau khi ông Trầm Bê bất ngờ cùng ngân hàng nhỏ hơn SouthernBank thâu tóm ngược STB của ông Đặng Văn Thành. Nhà sáng lập Đặng Văn Thành sau khi bật khỏi STB quay về nhàn hạ nuôi bò, thỉnh thoảng đi nói chuyện với sinh viên.
Sau khi ông Trầm Bê vướng vòng lao lý, Sacombank trở lại dưới thời ông Dương Công Minh và đang hồi phục mạnh mẽ. Ngân hàng này ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm 2022. Lợi nhuận trước thuế trong quý III/2022 của Sacombank tăng 86% so với cùng kỳ.
Tại Vicostone, cuộc nội chiến bất ngờ với chiến thắng thuộc về ông Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) sau nhiều năm xung đột và thay đổi lãnh đạo liên tục nhưng không cải thiện được tình hình. Vicostone sau đó lột xác ngoạn mục nhờ màn "thâu tóm ngược" của ông Năng và trở thành doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu trên thế giới.
Cuộc chiến kéo dài 10 năm tại một trong những doanh nghiệp đầu ngành bánh kẹo tại Việt Nam - Bibica (BBC) cũng đã khép lại vào đầu năm 2022 khi mà đại gia Việt, PAN Group của ông Nguyễn Duy Hưng hiện thực hóa mục tiêu sở hữu toàn bộ vốn theo như kế hoạch đề ra 3 năm trước đó. Ông lớn Hàn rút lui.
Xung đột trong nội bộ doanh nghiệp là điều không hiếm không chỉ ở Việt Nam mà ở cả trên thế giới. Mâu thuẫn trở nên cao hơn khi có yếu tố ngoại bởi văn hóa quản trị nhiều khi rất khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc nội chiến đều khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, thậm chí kéo dài cả thập kỷ khi lãnh đạo không đồng lòng phát triển doanh nghiệp, trong khi đối tác, ngân hàng, khách hàng e ngại.
Cổ đông và người lao động chính là những người chịu thiệt hại nhiều nhất khi lợi nhuận công ty đi xuống, giá cổ phiếu giảm...
Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều người không muốn có thêm một vụ như tại Coteccons.