Nỗi buồn phố giáp ranh

18/09/2023 15:46

Gần 10 năm, Hà Nội vẫn cứ loay hoay chưa tìm ra hướng giải quyết vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Phố Vọng-con phố nằm trên địa bàn 3 phường Đồng Tâm (Hai Bà Trưng); Phương Mai (Đống Đa); Phương Liệt (Thanh Xuân) là một ví dụ điển hình...

Tính từ cổng trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) tới điểm giao cắt với đường Giải Phóng tại số nhà 501, phố Vọng dài 850 mét, nằm trên địa bàn 3 phường, thuộc 3 quận. Đó là các phường: Đồng Tâm (Hai Bà Trưng); Phương Mai (Đống Đa); Phương Liệt (Thanh Xuân).

Tuy ngắn, nhưng phố Vọng có tối 2 đồn công an: Đồng Tâm và Phương Liệt-  gần như giữa phố. Tuy nhiên, những bất cập, lộn xộn cũng phát sinh từ đây...

Xe dù, bến cóc bủa vây

Ngày 11/1/2023, Hà Nội thông xe đoạn trên cao đường vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy, kết hợp với việc mở rộng dưới thấp theo quy hoạch… Ngã tư Vọng bừng lên thay áo mới, theo đó trật tự đô thị, trật tự giao thông cũng bị “bung, toang”. Đến nay, Hà Nội đã qua 7 tháng giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Phố Vọng vẫn… như chưa hề có cuộc ra quân.

Trước đây - ngày chưa có cầu vượt trên cao, phố Vọng chỉ có mỗi một “Công ty TNHH xe Việt Nam” (xin được gọi Công ty xe Việt) 38 phố Vọng (phường Phương Mai). Năm 2023, địa điểm này đã sang tên cho phát chuyển nhanh hàng hóa (PCNHH) Thai com Express. Công ty xe Việt chuyển đến 74 phố Vọng.

Đánh hơi thấy một địa bàn mới “tiềm năng”, nhiều nhà xe nhanh chóng vào cuộc cạnh tranh, tìm kiếm địa chỉ, thuê nhà mặt phố phố Vọng (phường Đồng Tâm), chen chân vào thị trường PCNHH. Đó là nhà xe: Khánh An (47), Duy Khang (93), công ty cổ phần đầu tư - thương mại Tràng An (107). Có lẽ, Hà Nội ít có những đoạn phố như đầu phố Vọng (khoảng 100 mét), có tới 5 cơ sở PCNHH.

Đặc điểm chung của 5 cơ sở này: hầu hết sử dụng loại xe Limousine, 16 chỗ, sơn màu đen, biển đăng ký Hà Nội. Địa điểm hoạt động chủ yếu các tỉnh phía nam Hà Nội: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, xa nhất Thanh Hóa. Dù có nhiều tên gọi khác nhau, như: xe hợp đồng, PCNHH, công ty… thực chất cả 5 cơ sở này là bến cóc, xe dù - chở khách là chính. Điều này rõ như ban ngày.

Dân phố Vọng ai cũng biết. Người đi đường biết. Chỉ có chính quyền và các ngành chức năng địa phương không biết, không nghe và không thấy? Phố Vọng ngắn và hẹp (chỉ có 7 mét), đường 2 chiều. Từ ngày thông xe cầu vượt trên cao đến nay phố càng hẹp, càng chật.

Vì sự lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan. Cụ thể: đoạn thuộc phường Phương Mai, trên hè ngổn ngang xe máy, hàng ăn, hàng rong, bia hơi, giải khát…; dưới đường có vạch sơn trắng - chỉ địa giới của công ty TNHH cho thuê điểm đỗ ô tô, thuộc sở Giao thông - vận tải Hà Nội.

Xuôi xuống - bên kia cầu vượt đến giáp đường Giải Phóng, theo một nhà chức trách cho biết không cấm đỗ ô tô, nên các nhà hàng không chỉ biến vỉa hè thành không gian kinh doanh, mạnh ai nấy làm, mà còn biến luôn đoạn đường trước nhà thành gara gia đình.

Điển hình, trước nhà bán đồ điện 136 phố Vọng, chiếc Toyota Camry, biển kiểm soát 29A 407.45 đỗ suốt ngày dưới đường. Không những vậy, ô tô chễm chệ đỗ trên hè cũng thành chuyện thường ngày. Ngay trước cổng đồn công an phường Phương Liệt, dưới đường ô tô đỗ, trên hè là bốt điện, phần còn lại không ít lần là điểm đỗ ô tô (như xe 15A-915.25), chiếm trọn cả một đoạn vỉa hè.

Cùng với xe buýt, ta xi, ngày ngày “bến cóc, xe dù” hoạt động hết công suất. Biết rằng, bước chân xuống đường đi bộ cùng ô tô, xe máy là hết sức nguy hiểm nhưng người dân như bị bỏ rơi, không còn lựa chọn nào khác. Có người nói không ngoa rằng: vỉa hè phố Vọng ngày nay đã và đang là của xe máy, ô tô.

Theo nhận xét của dân, trong 5 cơ sở “bến cóc, xe dù” ở đầu phố Vọng, công ty xe Việt “đình đám” hơn cả. Vì, có nhiều xe, vị trí đắc địa - đầu góc ngã tư phố Vọng - Trường Chinh, sát đường vành đai 2. Chiều chiều vào lúc 17h-18h, nhiều lúc 4 - 5  xe Việt cùng về, trả và đón khách giữa đường. Thiếu chỗ đỗ dưới đường, xe Việt lên vỉa hè chờ.

Hễ có “động” là họ trà trộn vào dòng xe dưới chân cầu vượt ra đường Trường Chinh, Giải Phóng. Nhiều người gọi đây là bến “xe Việt”. Vì, có đủ “tiêu chuẩn” của một bến xe, như: nhiều khách chờ, hàng vận chuyển xếp đống để trên hè; thường xuyên có 5 - 7 xe ôm sẵn sàng đón khách. Ai cần giải khát, có ngay bên cạnh - “bãi” bia hơi “Anh em quán”, 76 phố Vọng.

Không thuê nhà, trưng biển, hoạt động tấp nập như “bến cóc, xe dù” đi các tỉnh phía Nam; bến “lậu” đi các tỉnh phía Đông thủ đô có phần “kín tiếng” hơn. Hàng ngày, khách đi đường thấy những người đeo ba lô, túi xách đứng ngồi trên hè trước cửa hàng điện thoại, thẩm mỹ Doãn Lâm, bệnh viện An Việt, từ số nhà 1A đến 1E đường Trường Chinh, ai cũng biết đây là “bến cóc, xe dù” đi các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Không biết, có được ngành chức năng cấp phép hay không, mà đoạn phố này thường xuyên có 5 - 10 ô tô đỗ dưới đường, trên hè kín “hàng rào” xe máy. Khác với xe dù đầu phố Vọng, chủ yếu mang biển số 29… Ở đây hội đủ, từ biển số 29, 89, 34 đến 14, 15,16… ngang nhiên đón khách ngay giữa đường, cách chốt cầu vượt đường Giải Phóng không xa và rất gần đồn công an Phương Liệt.

“Bốn không” thành “không bốn”

Không kém bến “Xe Việt” và “Anh em quán” phường Phương Mai, “Phở Tin” 139 phố Vọng, phường Đồng Tâm chiếm trọn cả một góc ngã tư. Dưới đường 4 - 5 ô tô xếp dãy dài, trên hè xe máy xếp 2-3 dãy. Tiếp đến, bàn nối bàn. Hàng ngày, từ 5h30' đến gần 10h, hàng chục, nhiều lúc cả trăm người say sưa xì xụp với bát phở, không còn chỗ chen chân cho người đi bộ.

Theo thông tin của một người trong cuộc (xin được dấu tên), để có được chốn “đắc địa” này, hàng tháng chủ quán đều phải "nộp" 1 khoản chi phí cho nhà chức trách. Mỗi ngày bán hết từ 150 - 200 kg bánh phở, ai cũng đều đặt câu hỏi, chắc chắn nhà hàng này phải gánh thêm nhiều lệ phí khác mới được yên (!).

Chuyện khác. Vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, UBND phường Đồng Tâm để biển “Tuyến phố văn minh đô thị - thương mại” tại góc ngã tư 209 Đại La - 161 phố Vọng, với nội dung “4 không”: không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh; không bán hàng rong, vứt rác, đổ rác, phế thải ra vỉa hè, lòng đường; không để xe đạp, xe máy ngoài vạch sơn vàng; không lắp mái che, mái vẩy, bệ chiếm dụng lòng đường, vỉa hè.

Nội dung quá đầy đủ. Nhưng, buồn thay, biển sắt không biết nói năng, chỉ được mấy ngày “đứng” giữa ngã tư, ai đó đã chuyển vào để xiêu vẹo dưới gốc cây, trước số nhà 207 Đại La. “4 không” thành “không 4”. Góc ngã tư lại “Nguyễn Y Vân”.

Bà chủ 161 phố Vọng, thuê được mấy mét vuông chỉ đủ ngồi, vẫn kéo mái che bán giải khát đủ loại; nuôi thêm đàn chó, mèo. Con thả rong, con xích ngồi trên yên xe máy như là sự trêu ngươi, thách thức? Có người hỏi: đây là “trại” thú cưng hay hiểm họa giăng bẩy người qua đường?

Không thua kém, Ngọc Lâm mô tô bên cạnh treo 2 mái vẩy, thêm ô che nắng, che mưa, treo biển sửa chữa, mua xe máy cũ, nhưng suốt ngày chặn cả góc ngã tư rửa xe, nước bắn tung tóe bất chấp người qua lại. Tội nghiệp cho vợ chồng anh thợ khóa, suốt ngày ngồi  nép mình dưới gốc cây, biển báo chỉ đường, bị “tra tấn” đủ thứ ô nhiễm.

Nếu ở đoạn đầu phố Vọng “loạn” bến cóc, xe dù, thì ở đây “loạn” cửa hàng rửa xe. Chỉ hơn 50 mét, có tới 3 cửa hàng rửa xe. Ngoài Ngọc Lâm mô tô, còn có Ngọc Tăng mô tô, 177 phố Vọng và một cửa hàng mới chuyển đi nơi khác (vì chủ nhân bán nhà). Cả 3 cửa hàng đều chặn hè phố làm nơi hành nghề; gây ô nhiễm môi trường, đẩy người đi bộ xuống đường, trong khi đồn công an Đồng Tâm 261, Phương Liệt 128 phố Vọng quá gần, ngày ngày xe tuần tra vẫn ngang qua phố.

Theo kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, giai đoạn 3 đã được 7 tháng, nhưng phố Vọng như chưa hề có cuộc ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về: trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Ngược lại, “3 trật tự” đã và đang bị “bung, toang” hơn  bao giờ hết. Phải chăng vì phố giáp ranh ?

Năm 2022, qua thông tin của dân, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đến kiểm tra công ty TNHH GHS thuê nhà số 5, trong ngõ cụt 128 Phố Vọng làm trường học, giữa khu dân cư đông đúc, chật, hẹp. Một ngày GHS dạy nhiều ca. Trong đó, 2 ca: 18h và 20h đông nhất, tập trung hàng chục, thậm chí cả trăm học sinh.

Qua kiểm tra, vì sự an toàn PCCC, nhà chức trách buộc công ty GHS phải làm cầu thang thoát hiểm cho căn nhà ống 4 tầng, không được để xe máy dọc hai bên ngõ hẹp để người, phương tiện của dân và nhà chức trách có đường vào - ra khi cấp thiết. Theo lệnh, công ty GHS đã làm cầu thang thoát hiểm.

Còn hàng chục, hàng trăm xe máy lâu nay mẹ con Liên - Hà (bán cháo đầu ngõ) tự nhận trông giữ, chuyển đi đâu? Không thể bỏ miếng bánh béo bở, chủ nhân tìm cách “liên kết, chung chi”- cùng các nhà đối diện ngõ 128.

Từ đó, đoạn vỉa hè từ số nhà 181 đến 193, từ 18 giờ trở đi bị chặn lại thành bãi trông xe. Chưa đủ, xe còn xếp tràn xuống lòng đường. Vài tháng nay xe còn để bao quanh bốt điện - vỉa hè đồn công an Phương Liệt; nhiều chiếc đã “mon men” xếp vào ngõ 128 bị cảnh sát PCCC cấm để xe.

Một người dân ở ngõ 229 bức xúc, khi đi qua vỉa hè không còn nơi đi bộ như lâu nay. Lập tức chủ nhân lên giọng, đáp trả, gọi ngay con trai ra định gây sự. May có bà con dân phố can ngăn, tránh được cuộc ẩu đả. Điều rất đáng quan tâm, giữa những ngày cả Hà Nội đang ra quân dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chuyện lại xẩy ra trên đất Đồng Tâm, cách đồn công an phường khoảng 100 mét và gần đối diện với đồn công an  phường Phương Liệt?

Nơi đuổi, nơi cho phép? Dân không hiểu nổi? Hỏi chủ nhân: nhà trong ngõ, sao lại được ra phố chặn vỉa hè tự tung, tự tác trông xe? Trả lời: được nhà chức trách khu vực “bật mí”, ngày không được để xe vì nhiều đoàn kiểm tra, tối cho để nhưng phải nộp thuế. Ra thế! Chuyện không có gì mới - kẻ chống lưng (?) Câu hỏi được đặt ra: Có hay không sự thỏa hiệp với sai phạm trên vỉa hè và cả phố Vọng?

Đâu rồi “3 rõ” ?

10 năm, 5 lần “phố nhỏ, ngõ nhỏ” cùng phường, quận ra quân, đến nay vẫn lúng túng trong tổ chức quản lý, dẫn tới hệ lụy: không chỉ vỉa hè mà bộ mặt cả phố Vọng trở nên nhếch nhác, lộn xộn và thành lãnh địa cho những kẻ trục lợi. Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông - Vận tải, lý giải về thực tế nhiều chiến dịch dẹp loạn vỉa hè sớm về con số 0, các đô thị nhanh thất bại vì nguồn lợi từ hoạt động kinh tế trên vỉa hè rất lớn, tiền chảy vào túi các tổ chức, cá nhân riêng lẻ.

Cách đây 4 năm (30/8/2019), trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã cho rằng: “Họ (hộ kinh doanh) đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn”.

Gần 5 năm qua cũng như hiện tại, trong những lần tổng kết, sơ kết công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường Hà Nội né tránh một thực tế lớn - phần chìm của miếng bánh vỉa hè. Trái lại, những nguyên nhân muôn thủa, như: lực lượng mỏng, cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu… luôn được đề cập tới.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Hà Nội hiện có tới 6 lực lượng có thể kiểm tra, xử lý vi phạm trên vỉa hè, lòng đường. Ngoài UBND phường, công an phường, quận; còn có đội thanh tra giao thông vận tải quận, thành phố, đội trật tự 113 công an thành phố. 6 lực lượng này tập trung lại, có lẽ số quân không ít.

Vấn đề đặt ra là ứng xử với vỉa hè phải đi cùng năng lực quản trị, cách làm lâu nay lại biến nó thành những cuộc rượt đuổi không hồi kết… Đất nước đang tìm cách giảm biên chế, áp dụng công nghệ số, công tác lập lại trật tự vỉa hè và giao thông đô thị không thể bỏ qua. Vỉa hè theo luật đường bộ Việt Nam là giành cho giao thông, không thuộc quyền sở hữu của bất cứ ai.

Từ thực tế phố Vọng nhìn ra, quyền bình đẳng đi lại cuả người dân đang bị gạt sang một bên, mục tiêu người đi bộ vẫn xếp đằng sau để lập nên các bãi trông giữ xe, quán bia, nhà hàng… lấn hết không gian công cộng.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy: muốn dẹp được nạn lấn chiếm trước hết người đứng đầu chính quyền phải quyết tâm, phải có sự nhất quán từ trên xuống dưới quan điểm - vỉa hè giành cho người đi bộ. Khó khăn nhưng là việc phải làm để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và mỹ quan đô thị; phải thực hiện kiên trì, liên tục, chứ không phải ra quân rầm rộ vài tuần, vài tháng rồi đâu lại vào đó.

Sáng ngày 31/3, tại Hội nghị giao ban quý 1/2023, khi nói về vấn đề quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý Ban Chỉ đạo 197, Ban cán sự đảng UBND thành phố phải suy nghĩ, bàn cách làm sao cho căn cơ, đảm bảo công bằng, minh bạch.

“Nếu cứ tình hình này, cứ thỉnh thoảng phát động chiến dịch thì tôi e thành kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực, thậm chí cả tiền nữa”. Gần 10 năm, Hà Nội vẫn cứ loay hoay chưa tìm ra hướng giải quyết vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thêm một lần Hà Nội phải nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật.

Còn nhớ, ngày 18/10/2018, công an thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện mệnh lệnh số 02, về: trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Phát biểu kết luận hội nghị, sau khi nêu ra những chuyển biến tích cực, Đại tá Nguyễn Văn Viện - nguyên Phó giám đốc Công an TP Hà Nội (nay là Thiếu tướng, Cục trưởng cục điều tra tội phạm ma túy - C04, Bộ Công an) đã chỉ ra những tồn tại và yêu cầu các đơn vị, địa bàn nhanh chóng khắc phục trên tinh thần: rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm, tránh tình trạng “cha chung”, ra quân ồ ạt, hết chiến dịch lòng đường, hè phố lại “Nguyễn Y Vân”, mà trách nhiệm không biết thuộc về ai?

Cùng với nhanh chóng khắc phục trên tinh thần “3 rõ”, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đề nghị: “Để có thể xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường , ngoài xử lý nghiêm người vi phạm, cần có quy định về trách nhiệm cá nhân khi để vi phạm tái diễn.

Các cơ quan chức năng cần dựa vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè cụ thể để có phương án cần thiết, hữu hiệu, giải quyết được bài toán lợi ích của người dân và lợi ích chung cộng đồng một cách công khai, minh bạch, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa lập lại trật tự mỹ quan đô thị”.

Cuối cùng là sự phối hợp giữa các lực lượng, các phường, các quận. Xin đừng để “Nỗi buồn phố giáp ranh” - phố Vọng, lây lan sang phường khác, quận khác trong những đợt Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè những năm tới, không rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”(!).

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn phố giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO