Bà Phạm Thị Sen - Trưởng phòng Tổ chức Hành Chính, Bệnh viện 09 (Hà Nội) - cho biết, nhiều bác sĩ hiện nay do có mức lương khiêm tốn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Họ có thể hành nghề tại các cơ sở tư nhân, phòng khám tư vào ngoài giờ hành chính.
Thế nhưng, nghịch lý là các nhân viên y tế tại Bệnh viện 09 (Hà Nội) không thể đi làm thêm. Bởi đây là đơn vị đặc thù, chuyên điều trị HIV. Thậm chí, các nhân viên y tế của bệnh viện này khi được hỏi còn không dám nói thật về việc đang công tác tại đây để tránh sự kỳ thị. Do đó, việc đi làm thêm là rất khó với nhân viên ở đây.
Bệnh viện 09 được thành lập vào năm 2009, là bệnh viện chuyên khoa hạng II thuộc Sở Y tế Thành phố Hà Nội. Đây là nơi chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS có những hoàn cảnh đặc biệt. Những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 đa số là người nghiện ma túy, nhiễm HIV chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện về.
“Chúng tôi đều có khả năng lây bệnh, rủi ro nghề nghiệp cao. Bệnh nhân phần lớn từ các trung tâm cai nghiện, trại giam, gái mại dâm. Hầu hết họ nghiện ma túy nên tuân thủ điều trị kém. Khi lên cơn, họ đập phá, tấn công cả nhân viên y tế. Vì thế, cửa kính các phòng phải liên tục thay, rất nguy hiểm. Bệnh nhân thì phức tạp, thường xuyên đe dọa anh em” - bà Sen chia sẻ.
Giai đoạn 2004-2010, điều kiện tiếp nhận bệnh nhân còn ngặt nghèo, bệnh nhân phải có tổng tế bào miễn dịch dưới 200 mới được tiếp nhận điều trị. Lúc này, bệnh nhân có hệ miễn dịch vô cùng kém, yếu. Y bác sĩ của viện khám, điều trị chăm sóc toàn diện từ việc cho ăn uống, thuốc men, sinh hoạt… Thậm chí, khi bệnh nhân qua đời, bác sĩ tại đây khâm liệm và lo hết các công đoạn sau cùng.
Hiện nay, đối tượng vào viện có mở rộng hơn, nhưng đa phần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị gia đình bỏ rơi hoặc gia đình phó thác toàn bộ chăm sóc cũng như điều trị cho bệnh viện.
Trưởng phòng Tổ chức Hành Chính, Bệnh viện 09 chia sẻ, nếu nói y bác sĩ có hài lòng, yên tâm để công tác không thì phải khẳng định là không. Họ sẵn sàng đi nếu có cơ hội. Đây là một thực trạng đáng buồn.
“Những người còn ở lại hoặc là do không còn khả năng xin việc chỗ khác, hai là thương bệnh nhân. Nếu không làm thì ai sẽ lo cho bệnh nhân. Nếu như thu nhập ổn hơn thì cuộc sống nhân viên cũng dễ thở hơn để họ chuyên tâm vào công việc hiện nay” - bà Sen nói.
Theo Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương, từ ngày 1.7.2024, lương của y bác sĩ sẽ có điều chỉnh.
Bà Sen mong muốn có điều chỉnh để bác sĩ ngành Y được hưởng lương khởi điểm cao hơn, phù hợp với thời gian đào tạo và thời gian thực hành. Bởi thời gian họ bắt đầu sự nghiệp vốn đã muộn hơn so với các ngành nghề khác. Sự điều chỉnh này rất chính đáng và cần thiết với đội ngũ bác sĩ trẻ. Có như thế, vấn đề chảy máu chất xám cũng như khó tuyển người của bệnh viện mới được giải quyết.
Sáng 3.11, bên hành lang Quốc hội, trả lời phóng viên Lao Động, bà Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho rằng, cải cách tiền lương đối với viên chức, người lao động, trong đó, có cán bộ Y tế là một vấn đề rất quan trọng và cần phải sớm được ban hành để giúp đỡ phần nào cho những khó khăn của cán bộ Y tế.
Ngoài ra, cần có những quy định để tăng mức đãi ngộ, có những hệ số phụ cấp cho cán bộ Y tế công tác tại những ngành nghề đặc thù. Ví dụ, làm việc trong môi trường ô nhiễm, làm việc tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS, hay là cán bộ Y tế làm việc ở những môi trường xét nghiệm độc hại sẽ có những chế độ phụ cấp từ 0,2; 0,3; 04; 0,7...