Ba nhà khoa học nhận Giải Nobel Hóa học. (Nguồn: NobelPrize)
Chiều 4/10 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Stockholm, Hội đồng Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Hóa học.
Giải năm nay trao cho các nhà khoa học Moungi Bawendi từ Viện Công nghệ Massachusetts, Louis Brus từ Đại học Columbia và Alexei Ekimov, người làm việc tại công ty Nanocrystals Technology ở Mỹ, tôn vinh công trình khám phá và phát triển các chấm lượng tử.
Đây là giải thưởng thứ ba được công bố trong mùa Nobel năm 2023, sau các Giải Nobel Y Sinh và Nobel Vật lý.
Chiều 2/10, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã công bố giải Nobel 2023 Y sinh thuộc về nhà khoa học người Hungary Katalin Karikó và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman với phát hiện về việc biến đổi cơ sở nucleoside để phát triển vaccine công nghệ mRNA hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19.
Nữ Giáo sư Kariko đã tìm ra phương pháp giúp ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch đối với vaccine công nghệ mRNA được sản xuất trong phòng thí nghiệm - vốn là trở ngại lớn nhất đối với mọi liệu pháp điều trị sử dụng công nghệ mRNA.
Năm 2005, bà đã cùng nhà khoa học Drew Weissman phát hiện ra cách điều chỉnh nucleoside, vốn là các khối phân tử cấu tạo nên mRNA, tạo ra mRNA lai có thể xâm nhập vào tế bào mà không cần cảnh báo cho hệ phòng thủ của cơ thể.
Những phát hiện mang tính đột phá của hai nhà khoa học Kariko và Weissman đã thay đổi sự hiểu biết căn bản về cách mRNA tương tác với hệ miễn dịch của con người.
Vào lúc 16h45 ngày 3/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý năm 2023 thuộc về 3 nhà khoa học Pierre Agostini (Mỹ), Ferenc Krausz (Đức) và Anne L'Huillier (Thụy Điển) về "các phương pháp thí nghiệm tạo ra các xung ánh sáng attosecond để nghiên cứu động lực học điện tử trong vật liệu."
Ba người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2023 được công nhận cho các thí nghiệm của họ, mang lại cho nhân loại những công cụ mới để khám phá thế giới điện tử bên trong nguyên tử và phân tử.
Họ đã chứng minh được một phương pháp tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn có thể dùng để đo những quá trình diễn ra cực nhanh, trong đó các electron chuyển động hoặc thay đổi năng lượng.
Đây là giải thưởng thứ hai được công bố mùa Giải Nobel năm 2023 và là Giải Nobel Vật lý thứ 117 kể từ năm 1901.
Năm ngoái, Giải Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo) về "các thí nghiệm với các photon ở trạng thái vướng mắc lượng tử, thiết lập sự vi phạm các bất đẳng thức Bell và khoa học thông tin lượng tử tiên phong"./.