Nghề rèn trăm năm tuổi tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) được kế thừa qua nhiều thế hệ và cũng là nghề truyền thống hưng thịnh một thời. Tuy nhiên, hiện nay nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một bởi không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.



Thợ rèn tại xã Nhị Thành

Vào những năm 1980, thời kì của công cuộc mở cõi, khai phá đất hoang ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên… toàn xã Nhị Thành có hơn 100 lò rèn, các bếp lò ở làng rèn Nhị Thành luôn đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Tiếng đe, tiếng búa đập chan chát vang lên đều đặn nhằm cung ứng sản phẩm cuốc, xẻng, dao búa, liềm, phảng và nhiều loại nông cụ, dụng cụ… cho bà con.



Nghề rèn là một nghề khá vất vả, cần có sức khoẻ tốt, có đôi tay khéo léo và sự cần mẫn mới có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng

Anh Lê Minh Trí (45 tuổi, chủ lò rèn Út Nhựt, xã Nhị Thành), cho hay, anh cũng không biết nghề này có từ khi nào, chỉ biết từ khi sinh ra đã nghe tiếng chan chát làm rèn của cha và của cả làng, khi lớn lên anh tiếp nối nghề của cha (ông Út Nhựt) để lại.

Anh Trí cho biết, anh em nhà anh là thế hệ thứ 4 làm nghề rèn. Nghề này khá vất vả, chỉ có đàn ông có sức khoẻ tốt, có đôi tay khéo léo và sự cần mẫn mới có thể tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng phục vụ bà con trong vùng đất nông nghiệp ĐBSCL.

Tuy nhiên, hiện nay, khi cái cày, cái cuốc, cái liềm đã được thay thế dần bằng những chiếc máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp thì những người làm nghề rèn ở Nhị Thành phải đối mặt với không ít khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, chủ yếu phục vụ bà con nông dân nghèo sản xuất nhỏ lẻ.





Các sản phẩm rèn đang được bán chạy hiện nay

“Thời hoàng kim của gia đình anh đã sắm 5 chiếc máy dập và nhiều máy cắt trị giá hàng chục cây vàng hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm với hàng chục thợ giỏi. Đến nay máy móc đã phải “trùm mềm”, bạn hàng dần thưa thớt. Hàng làm chỉ đủ trang trải chi tiêu trong gia đình. Hiện nay, Làng nghề rèn Nhị Thành cũng không còn bao nhiêu hộ duy trì nghề vì bị cạnh tranh bởi những sản phẩm được làm bằng chất liệu inox của Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, bắt mắt, sáng bóng…”, anh Trí tâm sự.



Người thợ rèn rất cần nguồn vốn ưu đãi để duy trì, phát triển nghề

Để bám trụ được với nghề này, gia đình anh Trí phải làm thêm nghề hàn sắt thép phục vụ các công trình phụ theo kiểu ai yêu cầu gì làm nấy, vừa giữ được thợ vừa có thêm thu nhập.

Ông Lê Minh Hồng (xã Nhị Thành), một thợ rèn có tay nghề cao và là chủ một cửa hàng bán nông cụ rèn chia sẻ, hiện còn khoảng 40 hộ đang bám trụ với nghề rèn ở Nhị Thành, luôn tâm huyết lưu giữ nghề của ông cha, bởi sản phẩm rèn truyền thống có độ bền rất cao nên nhiều nông dân vẫn trung thành sử dụng.

Tuy nhiên, để giữ được nghề này, cần sự đồng hành của chính quyền địa phương để người thợ tiếp cận được nguồn vốn trang bị thêm máy móc, như: máy định hình, máy tạo khuôn, máy nung sắt chạy điện nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và không gây ô nhiễm môi trường…



Máy dập sắt đã nhiều năm không hoạt động

Ông Nguyễn Tú Em, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Nhị Thành, cho biết: “Làng nghề rèn còn hơn 40 hộ, tạo việc làm cho gần 100 lao động chủ yếu là người thân gia đình nối nghiệp. Nhiều hộ chưa được đầu tư máy móc hiện đại, chủ yếu vẫn làm thủ công nên gặp rất nhiều khó khăn. Hội và các ban, ngành, đoàn thể đang tiếp tục vận động hộ sản xuất cá thể liên kết thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã, đồng thời hỗ trợ các hộ vay vốn sản xuất.

Ngoài ra, hội nông dân sẽ phối hợp UBND xã và các cơ quan chức năng vận động, hỗ trợ các hộ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nghề rèn”.



Ngọc Phúc

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Níu giữ nghề rèn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO