Thời gian qua dư luận xôn xao, lo lắng việc UBND Ninh Thuận dự kiến lấy gần 12ha rừng của Vườn quốc gia Núi Chúa để làm dự án khu du lịch nghỉ dưỡng gần vịnh Vĩnh Hy. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận tại website của Bộ.
Theo ĐTM, dự án có 11,58ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,60 ha; rừng trồng 0,98 ha) thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Vườn quốc gia Núi Chúa đã được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đầu tháng 11 sẽ lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động
Ngày 29/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy có tổng diện tích 64,6ha. Trong đó, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án là 11,5ha tại khoảnh 2, 3, 5 tiểu khu 150, thuộc phân khu dịch vụ, hành chính, lâm phần quản lý của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa.
Trong đó, gồm 10,6ha rừng tự nhiên (rừng gỗ tự nhiên núi đá nghèo kiệt) và 0,9ha rừng trồng (rừng trồng khác núi đá; loài cây điều). Toàn bộ diện tích 11,5ha nêu trên thuộc quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025 tại Nghị quyết số 13 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Tháng 4/2022, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã trao bằng công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cùng thời gian trên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng trao bằng xếp hạng danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy là di tích cấp quốc gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin dự án này thuộc thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng. Do vậy, nếu được Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Hiện UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham vấn ý kiến của Ủy ban UNESCO Việt Nam và Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án phù hợp các điều khoản cam kết quốc tế khi được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.
Theo nội dung thông báo của Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Ninh Thuận, đầu tháng 11, chủ đầu tư dự án sẽ phối hợp UBND xã Vĩnh Hải tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra và sẽ có văn bản gửi trực tiếp đến UBND xã Vĩnh Hải, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Hải, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa để tham vấn theo quy định.
Gần công trình nhạy cảm, điểm đang được bảo tồn nghiêm ngặt?
ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng cũng nêu rõ các công trình nhạy cảm, ảnh hưởng khi thực hiện Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy.
Khu đất dự án nằm trong phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia Núi Chúa, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50m về phía Bắc, cách khu vực trung tâm vườn quốc gia khoảng 8km. Do vậy quá trình thi công và hoạt động của dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan của khu vực này.
ĐMT cho rằng, giáp khu vực dự án không có các công trình nhạy cảm như đình, chùa, miếu; chỉ có chùa Vĩnh Ân cách khoảng 1km về phía Tây Bắc. Cách khu vực dự án khoảng 100m về phía Đông Bắc có nghĩa trang của người dân thuộc xã Vĩnh Hải mới được quy hoạch và chỉ có một vài mộ phân bố rải rác.
Đồn biên phòng Vĩnh Hy và khu nghỉ dưỡng Amanoi Resort cách dự án khoảng 700m. Cách phía Tây dự án khoảng 100m là vịnh Vĩnh Hy - nơi trú ngụ, tránh bão của dân chài, tàu đậu trong vịnh chủ yếu của người dân địa phương và khoảng 50-100 tàu thuyền từ nơi khác đến.
Tại vịnh Vĩnh Hy còn có một số hoạt động phục vụ du lịch như: Cảng tàu đáy kính Vĩnh Hy cách dự án 500m; khu vực lặn ngắm san hô.
Dọc ven biển xung quanh khu dự án có rạn san hô phong phú cùng với các loài thủy sinh đa dạng. Khu vực rạn san hô gần nhất cách dự án khoảng 150m về phía Nam.
Báo cáo ĐTM thống kê được ở vùng biển khu vực Núi Chúa và lân cận có 333 loài thuộc 57 giống, 14 họ của bộ san hô cứng Scleractinia.
Ngoài ra, báo cáo ĐTM còn ghi nhận ở đây có bãi rùa đẻ. Hơn 3km bờ biển kéo dài từ bãi Ngang đến bãi Móng Tay ở thôn Thái An có quần thể rùa biển lên đẻ trứng.
Các dải sát ven bờ nơi rùa lên đẻ trứng thường xuyên là Bái Thịt, Bãi Ngang và Bãi Hõm. Mùa rùa đẻ kéo dài từ tháng 4-11, cao điểm là tháng 7. "Đây là điểm đang được bảo tồn nghiêm ngặt", báo cáo ĐTM cho hay.