Những ứng cử viên tiềm năng của Giải thưởng Nobel Vật lý 2023

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)| 03/10/2023 14:01

Những gương mặt có tiềm năng đoạt giải là nhà vật lý người Tây Ban Nha Ignacio Cirac, nhà vật lý người Anh David Deutsch, giáo sư người Mỹ Peter Shor và nhà vật lý lý thuyết người Áo Peter Zoller...

Nhung ung cu vien tiem nang cua Giai thuong Nobel Vat ly 2023 hinh anh 1Toàn cảnh Lễ trao giải Nobel tại Stockholm (Thụy Điển), ngày 10/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kế hoạch, vào lúc 16h45 chiều 3/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố chủ nhân của Giải Nobel Vật lý 2023. Đây là giải Nobel Vật lý thứ 117 được công bố trong lịch sử.

Tạp chí Physics World đánh giá ủy ban Nobel luôn nỗ lực phân bổ đều giải thưởng cho các lĩnh vực vật lý. Các chuyên gia của Physics World đã sử dụng dữ liệu đồ họa để nghiên cứu và dự báo về chủ nhân của Giải Nobel Vật lý mỗi năm.

Qua công tác đánh giá dữ liệu đồ họa, Physics World nhận thấy ba năm trong số sáu năm gần đây, các giải thưởng đều thuộc về những nhà vật lý làm việc trong lĩnh vực thiên văn học, vật lý thiên văn và vũ trụ học.

Do đó, họ dự báo rằng chủ nhân của Giải Nobel Vật lý năm nay sẽ không làm việc trong các lĩnh vực này, đồng nghĩa với việc loại trừ khả năng giải thưởng năm nay liên quan đến Kính Viễn vọng Không gian James Webb.

Điện toán lượng tử đã phát triển nhảy vọt trong vài thập kỷ qua, do đó Physics World dự đoán Nobel Vật lý năm nay sẽ được trao cho các công trình phát triển nền tảng lý thuyết của điện toán lượng tử.

Những gương mặt có tiềm năng đoạt giải bao gồm nhà vật lý người Tây Ban Nha Ignacio Cirac, nhà vật lý người Anh David Deutsch, giáo sư người Mỹ Peter Shor và nhà vật lý lý thuyết người Áo Peter Zoller.

Hai nhà khoa học khác trong lĩnh vực lượng tử cũng xứng đáng được xướng tên là nhà vật lý Yakir Aharonov (người Israel) và nhà vật lý Michael Berry (người Anh). Họ được đánh giá cao với những khám phá về hiệu ứng cơ học lượng tử Aharonov-Bohm và pha Berry.

Dữ liệu đồ họa của Physics World cho thấy kể từ năm 2016 đến nay chưa có Giải Nobel Vật lý nào được trao cho lĩnh vực vật lý vật chất ngưng tụ và năm 2018 là lần gần nhất giải thưởng danh giá này tôn vinh vật lý nguyên tử, phân tử và quang học, trong khi đây đều là những lĩnh vực quan trọng.

Do đó, các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng một trong những lĩnh vực này sẽ được xướng tên trong buổi công bố giải thưởng chiều 3/10.

Một số nhà khoa học có tiềm năng đoạt giải là nhà vật lý Federico Capasso (người Italy) vì những nghiên cứu tiên phong về quang tử học; nhà vật lý người Đan Mạch Lena Hau cho nghiên cứu về ánh sáng chậm và nhà vật lý người Tây Ban Nha Pablo Jarillo-Herrero về công trình nghiên cứu graphene xoắn.

Ngoài ra, Physics World cũng lưu ý danh sách những người đoạt giải Wolf Vật lý có thể gợi ý những ứng cử viên có tiềm năng được trao giải Nobel.

Trong số này, đáng chú ý nhất có lẽ là các nhà khoa học Paul Corkum (người Canada), Ferenc Krausz (người Áo gốc Hungary) và Anne L'Huillier (người Pháp) “vì những đóng góp tiên phong cho khoa học laser siêu tốc và vật lý atto giây (một phần tỷ tỷ của một giây).”

Nobel là hệ thống giải thưởng quốc tế được Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 theo ý nguyện của nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng Alfred Nobel.

Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật, phục vụ lợi ích của nhân loại, trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình.

Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế. Từ năm 1901-2022, giải thưởng Nobel đã được trao 615 lần cho 989 cá nhân và tổ chức trên thế giới.

Giải Nobel Vật lý năm 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo) với các nghiên cứu liên quan lĩnh vực lượng tử.

Ba nhà khoa học trên đã thực hiện những thí nghiệm mang tính đột phá với các trạng thái vướng víu lượng tử hay rối lượng tử - hiệu ứng trong đó trạng thái lượng tử của hai hay nhiều vật thể có liên hệ tức thời với nhau dù chúng có nằm cách nhau bao xa./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

  • Lịch sử ra đời và phát triển của những chiếc răng giả
    Thời xa xưa con người đã bắt đầu nghiên cứu và tìm tòi những vật có thể thay thế cho răng bị mất để việc ăn nhai trở nên tốt hơn.
  • Lịch sử du nhập cây cà phê vào Việt Nam
    Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những trở mình mạnh mẽ, thoát khỏi các định chế bao cấp, trở thành một trong những cây trồng có giá trị xuất khẩu cao nhất (sau lúa gạo), đưa nước ta lên vị trí thứ 2 của bản đồ cà phê thế giới.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những ứng cử viên tiềm năng của Giải thưởng Nobel Vật lý 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO