Hơn 2 tháng qua thành phố Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố với quyết tâm để vỉa hè được thông thoáng. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bên cạnh những nơi vỉa hè càng hẹp lại, đến nay tại một số tuyến đường, phố ở các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm... vỉa hè đã thông thoáng hơn.
Thong dong đi bộ tập thể dục trên vỉa hè phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), ông Đỗ Văn Tiền (76 tuổi) cho hay, ông hoan nghênh chủ trương xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè của Hà Nội và mong việc làm này cần được nhân rộng ở các địa phương khác và tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Hàng loạt ô tô đỗ gọn gàng trên vỉa hè phố Thành Thái (phường Dịch Vọng Hậu), đảm bảo không gian cho người đi bộ. Ông Tống Xuân Duy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, phường tổ chức công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh mặt đường, phố để người dân nâng cao ý thức trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường trước cửa hàng. Đồng thời, phường Dịch Vọng Hậu chủ động rà soát, đề xuất thực hiện các nội dung liên quan đến trật tự đô thị như kẻ vạch sơn phân định khu vực để xe.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 197 phường Dịch Vọng Hậu cũng tăng cường công tác xử phạt đối với các hộ cố tình vi phạm.
"Thời gian tới, đơn vị tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm sẽ lập biên bản xử lý để đảm bảo vỉa hè được thông thoáng", ông Duy khẳng định.
Người dân thoải mái đi bộ trên vỉa hè phố Trần Quốc Hoàn (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Theo ghi nhận, vỉa hè ở tuyến phố này rộng gần 10m, trong đó 2m sát nhà dân được sử dụng làm nơi để xe máy, còn lại dành cho người đi bộ.
Ông Hoàng Văn An (77 tuổi) - bán hàng điện nước ở phố Trần Quốc Hoàn chia sẻ, những ngày đầu các lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm vỉa hè rất ráo riết khiến việc kinh doanh của gia đình ông gặp một số bất tiện nhất định như để xe cho khách, bày biện hàng hóa...
Khi mọi thứ đi vào quy củ, ông chấp hành nghiêm các quy định của quận, thành phố để đảm bảo, duy trì trật tự vỉa hè.
Ông mong thời gian tới, các cấp chính quyền xem xét, sửa chữa, lát lại đá vỉa hè ở phố Trần Quốc Hoàn. Bởi đá lát vỉa hè ở phố này đã sử dụng gần 20 năm nên nhiều chỗ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Vỉa hè trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa) thông thoáng, hàng loạt xe máy để gọn gàng phía trong vạch sơn trắng.
Để đảm bảo vỉa hè trên phố Bà Triệu không bị lấn chiếm, Ban Chỉ đạo 197 phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) đặt rất nhiều tấm biển với nội dung: "Khu vực không để ô tô, xe máy, xe đạp, kinh doanh, buôn bán...".
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành chia sẻ, những ngày đầu ra quân xử lý vi phạm vỉa hè, nhiều hộ kinh doanh, buôn bán tỏ thái độ, phản ứng. Sau này, địa phương kết hợp công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ vấn đề, không lấn chiếm để vỉa hè thông thoáng hơn.
Phường cũng gửi thông báo đến các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại... trên địa bàn về việc không để nhân viên, cán bộ có hoạt động mua bán, ăn uống trên vỉa hè, dưới lòng đường sai quy định.
"Chúng tôi thành lập mỗi tổ dân phố là một tổ tuyên truyền, hàng ngày đi nhắc nhở các hộ kinh doanh dọc hai bên hè phố không vi phạm", bà Hạnh nói, đồng thời cho biết, khi tổ tuyên truyền nhắc nhở đến lần thứ ba mà hộ dân vẫn cố tình vi phạm thì tổ kiểm tra, xử lý sẽ xuống lập biên bản, ra quyết định xử phạt.
Hầu hết các xe máy để trên vỉa hè phố Nguyễn Đình Chiểu (phường Lê Đại Hành) được xếp gọn gàng bên trong vạch kẻ sơn.
Bà Đỗ Thị T. (80 tuổi) - bán nước chè trên phố Nguyễn Đình Chiểu tâm sự, từ khi Hà Nội mở chiến dịch xử lý lấn chiếm vỉa hè, việc bán hàng của bà gặp nhiều khó khăn. Bởi công an phường, tổ tuyên truyền thường đi nhắc nhở, yêu cầu bà không được để khách ngồi quá vạch sơn. Bà bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện để bà tiếp tục được bán nước chè, bởi đây là nguồn nuôi sống gia đình.
Theo Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành, các tuyến phố có vỉa hè rộng trên 2,5m sẽ được kẻ vạch sơn để đảm bảo không gian cho người đi bộ, cũng như tạo điều kiện cho người dân để xe, buôn bán.
(Ảnh: Hàng loạt xe máy được xếp gọn gàng phía trong vạch kẻ sơn trên phố Bà Triệu).
Nguyễn Duy Khôi (ảnh phải) và Vũ Xuân Tiền, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) sau giờ học buổi sáng tranh thủ tập luyện cầu lông trên vỉa hè phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình).
Hàng trăm chiếc xe máy trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) được xếp ngay ngắn, gọn gàng, đảm bảo không gian cho người đi bộ. Theo ghi nhận, tuyến phố này có rất đông cơ quan hành chính, nhà hàng nhưng không xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng lòng đường, vỉa hè sai quy định.
Trước đây, phố Hàng Đào (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) là điểm "nóng" về lấn chiếm vỉa hè. Nhưng, thời gian gần đây tình trạng này đã chấm dứt, du khách có thể thoải mái đi bộ trên vỉa hè. Theo lãnh đạo phường Hàng Đào, địa bàn phường là trung tâm của khu phố cổ Hà Nội nên được các ban, ngành quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Lãnh đạo phường Hàng Đào khẳng định, thời gian qua Ban Chỉ đạo 197 của phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các hộ cố tình vi phạm và trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì việc này để đảm bảo vỉa hè không bị "tái" lấn chiếm.
Vỉa hè trên phố Hàng Gai (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) thông thoáng, người đi bộ có thể thoải mái lưu thông, ngồi nghỉ ngơi.
Một cán bộ Công an phường Hàng Gai cho biết, để vỉa hè được như hiện nay, thời gian qua các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt những hộ cố tình vi phạm.
"Ngày nào chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra, tuyên truyền từ sáng đến đêm để đảm bảo vỉa hè luôn được thông thoáng", cán bộ Công an phường Hàng Gai nói và khẳng định trong thời gian tới đơn vị tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, xử phạt để duy trì trật tự vỉa hè.
Ngày 3/3, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai và ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Công an TP đến các điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
Theo Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thì Hà Nội đang trong giai đoạn 3 - giai đoạn kiểm tra, duy trì, không để tái diễn vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè.