Những quốc gia phạt nặng nhất khi vi phạm tốc độ, người lái có thể lĩnh án tù

30/09/2024 21:24

Lỗi vi phạm tốc độ ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy mức độ nghiêm trọng của lỗi này và tính răn đe của luật pháp khi áp dụng án tù cho người vi phạm.

Hành vi điều khiển phương tiện vượt quá giới hạn tốc độ có thể dẫn đến các hình phạt hành chính, điểm phạt trên bằng lái hoặc thậm chí bị tạm giữ phương tiện tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Mức phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào tốc độ vượt quá bao nhiêu so với mức cho phép và loại phương tiện (xe máy, ô tô,...).

Tại Mỹ, vi phạm tốc độ là một lỗi khá phổ biến. Theo thống kê của Forbes, năm 2020, các vụ tai nạn liên quan đến vi phạm tốc độ đã chiếm 11.258 trong số 38.824 vụ tai nạn xe cộ gây tử vong.

Ủy ban An toàn Giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) cho biết vào năm 2022, vi phạm tốc độ đã gây ra cái chết cho 12.151 người, chiếm 29% tổng số các vụ tai nạn giao thông trong năm đó tại Mỹ. Mặc dù vi phạm tốc độ là một vấn đề nghiêm trọng ở Mỹ, nhưng quốc gia này có một số luật giao thông dễ dãi nhất trên thế giới, chỉ sau Nam Phi.

qua toc do 1.jpg

Trong các khu vực đô thị, giới hạn tốc độ được đặt ở mức 35 dặm/h (tương đương 56 km/h). Ngoài khu vực đô thị, tốc độ tối đa tăng lên 88 km/h và thậm chí lên tới 129 km/h tùy từng bang. Các mức phạt cũng thay đổi theo từng bang khác nhau, nhẹ nhất là 50 USD (quy đổi khoảng 1,2 triệu VNĐ) và nặng nhất là 2.500 USD (khoảng 61 triệu VNĐ).

Tuy nhiên, có một số quốc gia trên thế giới áp dụng mức phạt nghiêm trọng hơn rất nhiều khi vi phạm tốc độ bởi lỗi này có thể gây hậu quả khôn lường. Dưới đây là danh sách các quốc gia trên, được tổng hợp bởi trang CarBuzz.

1. Na Uy

Luật pháp Na Uy cực kỳ nghiêm ngặt khi nhắc đến hành vi chạy quá tốc độ. Quốc gia này có giới hạn tốc độ thấp nhất ở châu Âu. Người vi phạm phải nộp phạt tối thiểu 790 USD (tương đương 19,4 triệu VNĐ) khi chạy quá tốc độ trên cao tốc. Khi chạy quá tốc độ 13 dặm/h (20 km/h) trong khu dân cư, mức phạt lên tới 1.316 USD (khoảng 32 triệu VNĐ). Tốc độ mà người vi phạm sẽ quyết định việc giấy phép lái xe của họ có bị tịch thu hay phải đối mặt với án tù hay không.

qua toc do 2.jpg

Tốc độ vi phạm để cơ quan chức năng tịch thu giấy phép lái xe sẽ thay đổi tùy thuộc vào khu vực. Khu dân cư có giới hạn tốc độ là 19 dặm/h (30 km/h). Nếu phương tiện chạy quá 54 km/h, giấy phép lái xe sẽ bị tịch thu từ 3 tháng đến ba năm. Khi tốc độ vi phạm lên tới 47 dặm/h (75 km/h), người lái sẽ bị giam giữ vô điều kiện trong ít nhất 18 ngày và thực hiện tối thiểu 30 giờ lao động công ích.

2. Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là một trong số ít quốc gia ở châu Âu đưa ra quy định sẽ đưa người điều khiển phương tiện vào tù vì vi phạm tốc độ. Quốc gia này nổi tiếng với các luật giao thông nghiêm khắc và việc thực thi giới hạn tốc độ. Giới hạn tốc độ ở khu dân cư dưới 19 dặm/h (30 km/h), trong khi giới hạn tốc độ cao nhất trên đường cao tốc là 74 dặm/h (120 km/h).

qua toc do 3.jpg

Mức phạt nặng nhất chỉ 622 USD (khoảng 15 triệu VNĐ), được coi là một hình thức cảnh báo và được áp dụng khi ai đó vượt quá giới hạn tốc độ 11 dặm/h (17 km/h). Bất cứ vi phạm nào sau đó vượt quá mức này sẽ bị tịch thu giấy phép lái xe trong 1 tháng và mức độ nghiêm trọng sẽ tăng dần, với việc chạy quá tốc độ tối đa 24 dặm/h (38 km/h) sẽ bị tạm giữ giấy phép lái xe trong 3 tháng.

Trường hợp nghiêm trọng nhất sẽ đối mặt với án tù tối thiểu 1 năm. Ngoài ra, luật pháp Thụy Sĩ còn quy định mức phạt được tính dựa trên thu nhập chịu thuế và tài sản của người vi phạm.

3. Pháp

Pháp và Monaco có sự tương đồng về luật giao thông, do đó cả 2 quốc gia đều đưa ra mức phạt hành chính nhẹ nhàng với người vi phạm. Cho dù người lái vi phạm tốc độ trong khu dân cư hay đường cao tốc, mức phạt chỉ khoảng 150 USD (tương đương 3,6 triệu VNĐ). Tuy nhiên, điều khiến Pháp và Monaco lọt vào danh sách này nằm ở quy định người vi phạm tốc độ nhiều lần phải chịu án tù.

qua toc do 4.jpg

Một khía cạnh thú vị khác trong luật giao thông của hai quốc gia này là mức phạt với người nước ngoài. Nếu một người nước ngoài bị bắt gặp vi phạm tốc độ, cảnh sát có thể tịch thu xe và buộc người đó phải nộp phạt ngay lập tức, hoặc có thể tịch thu giấy phép lái xe và áp đặt lệnh cấm lái xe tại Pháp.

Việc lấy lại chiếc xe bị tịch thu sẽ gặp khó khăn vì tòa án có thể quyết định rằng nếu vi phạm tốc độ nghiêm trọng (chẳng hạn như vượt quá giới hạn tốc độ gấp đôi trong khu dân cư), họ sẽ không trả lại xe cho chủ sở hữu và thậm chí đem ra đấu giá. Ngoài 5.000 camera bố trí khắp cả nước, Pháp còn trang bị hàng nghìn camera giả để chống hành vi chạy quá tốc độ.

4. Đan Mạch

Đan Mạch - mặc dù có quan hệ gần gũi với Na Uy – nhưng có mức phạt nhẹ hơn rất nhiều so với quốc gia láng giềng này. Các mức phạt ở Đan Mạch cao hơn so với mức phạt ở Mỹ, đặc biệt là ở các khu vực đô thị hoặc khu dân cư.

Giới hạn tốc độ ở khu dân cư được đặt ở mức dưới 19 dặm/h (30 km/h) và mức phạt khi vượt quá 13 dặm/h (20 km/h) so với giới hạn trên là 673 USD (tương đương 16,5 triệu VNĐ), vượt quá 25 dặm/h (40 km/h) sẽ bị phạt 968 USD (khoảng 23,8 triệu VNĐ).

qua toc do 5.jpg

Luật Đan Mạch cũng quy định rằng nếu lái xe vượt quá giới hạn tốc độ, dù là ở khu dân cư hay trên đường cao tốc, giấy phép lái xe của bạn sẽ bị thu hồi vô điều kiện và có thể kéo dài từ 6 tháng đến 10 năm. Tốc độ tối đa của đường cao tốc là 68 dặm/h (110 km/h) nhưng khi vượt quá 218 km/h, lái xe phải nộp phạt 1.191 USD (khoảng 29 triệu VNĐ).

qua toc do 6.jpg

Tại Việt Nam hiện nay, mức phạt vi phạm tốc độ dành cho người điều khiển ô tô dao động từ 800.000 đồng đến 12 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tối đa 4 tháng. Người điều khiển mô-tô, xe gắn máy thấp hơn khi ở phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng, giữ nguyên mức phạt với GPLX như ô tô.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những quốc gia phạt nặng nhất khi vi phạm tốc độ, người lái có thể lĩnh án tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO