Những lưu ý khi tập thể thao dưới trời nắng nóng

ANH ĐÀO| 18/07/2022 17:22

Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài tại nhiều tỉnh thành của cả nước, nhiều nơi đạt nhiệt độ cao từ 39 đến 40 độ C. Theo các bác sĩ khi hoạt động thể thao dưới trời nắng nóng, người dân phải hết sức chú ý.

tai-xuong.jpeg
Thể thao dưới nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm - Ảnh: Internet

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - cho biết ngày nay, không khó để bắt gặp các trung tâm thể dục thể hình với đầy đủ các máy móc, tiện nghi. Thế nhưng điều này vẫn không thay đổi được sở thích của một số người đam mê thể thao ngoài trời.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của việc tập thể dục, chơi thể thao sức bền ngoài trời là được hòa mình với không khí tự nhiên. Nhờ vào việc được trải nghiệm khung cảnh xung quanh mà người tập luyện không bị cảm giác gò bó với “bốn bức tường” vốn đã quen thuộc với dân văn phòng.

Tuy nhiên, mọi việc đều có hai mặt và thể thao ngoài trời không phải là ngoại lệ. Ngoài những điểm tốt nêu trên, việc tiếp xúc trực tiếp với khí hậu nắng nóng của thời tiết nước ta cũng là một vấn đề thường bị bỏ sót.

Cẩn trọng với say nóng

*Thưa bác sĩ, tập thể dục thể thao dưới trời nắng nóng có gây nguy hiểm gì cho sức khỏe không?

Đối với các môn thể thao nói chung, nguy cơ cho người tập luyện đó là không bù đủ nước cho cơ thể. Nhưng đối với thể thao ngoài trời, vấn đề này còn trầm trọng hơn do có sự tác động của yếu tố môi trường là nắng nóng.

Dưới thời tiết nóng, bạn sẽ đổ nhiều mồ hôi hơn như một cách để “giải nhiệt tự nhiên” cho cơ thể. Chính vì thế, lượng nước cần bổ sung cho môn thể thao ngoài trời sẽ nhiều và khắt khe hơn. Loại nước mà người đam mê thể thao cần bổ sung là nước điện giải.

Khi bạn đổ mồ hôi, chất điện giải trong cơ thể bị mất đi theo mồ hôi chảy ra ngoài. Việc bổ sung lượng lớn nước lọc thông thường có thể khiến nước ở mạch máu bị đẩy ra nội tạng gây phù, nếu các tạng ở đây là não hay phổi sẽ gây đe dọa sinh mạng của người chơi thể thao.

Ngoài việc cơ thể bị mất nước thì say nắng, say nóng cũng là một vấn đề nan giải vì chưa nhiều người dân được trang bị đầy đủ thông tin. Ở Việt Nam, do nhiệt độ không khí tương đối ổn định nên dẫn đến tâm lý chủ quan của người chơi thể thao.

Điều này dẫn đến các mối nguy hiểm còn nặng nề hơn việc mất nước điện giải. Tuy nhiên, các hậu quả do say nắng, say nóng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như người chơi thể thao hiểu được cách tự bảo vệ bản thân.

*Say nắng, say nóng là gì và tình trạng này gây nguy hiểm cho người chơi thể thao sức bền như thế nào, thưa bác sĩ?

Con người là sinh vật hằng nhiệt, nghĩa là dù ở thời tiết lạnh hay nóng thì cơ thể luôn “tự điều hòa” để nhiệt độ xoay quanh 37 độ. Việc nhận biết được thời tiết nóng hay lạnh là nhờ vào “cảm biến nhiệt độ” ở vùng cổ gáy. Dưới tác động trực tiếp của nắng nóng trong một thời gian, “cảm biến nhiệt” này sẽ bị rối loạn chức năng nên không điều hòa được thân nhiệt.

Trong trường hợp không tiếp xúc nắng và chỉ chơi thể thao trong thời tiết nóng, vận động viên vẫn có thể bị sốc nhiệt, hay còn được hiểu là say nóng. Khi nhiệt độ môi trường nóng lên, cơ thể sẽ hạ nhiệt bằng cách thoát mồ hôi.

Trong trường hợp phơi mình trong không khí nóng quá lâu và không bù đủ nước làm nguyên liệu giải nhiệt, lượng nhiệt hấp thu vào nhiều hơn so với lượng nhiệt mà cơ thể thải ra sẽ khiến người chơi thể thao bị say nóng.

Dấu hiệu nhận biết của say nắng và say nóng gồm việc khó thở, tim đập mạnh, hoa mắt chóng mặt và chuột rút. Nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng hơn là hôn mê và tử vong.

tap-luyen-ngay-nang-nong.jpeg
Cẩn trọng say nắng khi tập thể dục - Ảnh: Internet

Sơ cứu người bị say nắng ra sao?

*Thưa bác sĩ, khi bị say nắng, say nóng hay gặp phải những vấn đề về sức khỏe khi hoạt động thể theo do nắng nóng cần phải sơ cứu ra sao?

Bởi vì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do cơ thể mất nước và môi trường nắng nóng, nên mục tiêu sơ cứu là phải giúp người gặp nạn thoát khỏi 2 lí do trên bằng cách:

- Đưa người gặp nạn vào khu vực mát mẻ, không có nắng, cởi bớt quần áo hoặc phụ kiện thể thao đang mặc để không cản trở cơ thể thoát nhiệt.

- Dùng khăn lạnh lau các khu vực như nách, bẹn, cổ. Đây là các vị trí cần được làm mát trước tiên, vì ở đó có các mạch máu lớn. Khi máu được giảm nhiệt và đưa đi khắp cơ thể thì người bị nạn sẽ được giải nhiệt tốt hơn.

- Bù đủ nước điện giải. Trong trường hợp không tìm được các loại nước uống thể thao, có thể uống nước mát có pha muối. Hạn chế việc chỉ uống nước lọc sẽ gây phù phổi và não.

*Thưa bác sĩ, khi thể thao dưới trời nắng nóng người dân cần phải chú ý những gì? Khuyến cáo dành cho người dân là gì?

Không chỉ chơi thể thao, với người lao động phải làm việc dưới trời nắng nóng đều cần các trang bị chống nắng như mũ, nón để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào vùng cổ gáy. Riêng đối với những người đam mê các môn thể thao ngoài trời cần lưu ý:

- Quần áo: nên mặc các loại quần áo mỏng, thoáng mát để dễ thoát nhiệt.

- Cường độ tập luyện: bắt đầu từ các bài tập nhẹ và nâng cường độ dần dần. Đối với người chạy bộ, nên chạy chậm để cơ thể điều hòa nhiệt độ từ từ rồi mới chạy nhanh.

- Bổ sung nước: khi chạy bộ hoặc luyện tập trên 60 phút thì cần bổ sung các loại nước uống thể thao để bù đắp lượng điện giải mất đi theo mồ hôi.

- Chế độ ăn: cho dù chơi thể thao ngoài trời hay trong phòng tập, người tập nên ăn chế độ ăn có đường hoặc tinh bột trước khi tập. Sau mỗi buổi tập, để phục hồi cơ thể tốt nhất thì nên ăn chế độ ăn có nhiều chất đạm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những lưu ý khi tập thể thao dưới trời nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO