Nắng nóng gay gắt trong những ngày hè có thể ghi nhận nhiệt độ ngoài trời ở mức cao nhất có thể lên đến gần 50 độ C. Trời nắng gay gắt là một trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt đối với người tham gia giao thông. Việc say nắng, chói mắt khiến tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới lạc tay lái. Do đó, người điều khiển cần nắm rõ các điều cần biết khi lái ô tô đi xa trong thời tiết nắng nóng để phòng tránh nguy cơ sốc nhiệt xảy ra, xử lý kịp thời những sự cố.
Anh Nguyễn Xuân Hữu ở Phạm Văn Đồng, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cơ quan tôi cách nhà khoảng 12 km, bình thường tôi mất khoảng 50 phút lái xe. Tuy nhiên, thời điểm nắng nóng tôi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới về đến nhà. Chưa kể công việc của tôi linh hoạt, nhiều khi giữa trưa nắng nóng tôi phải đi ra ngoài đường lo công việc, mặc dù lái ô tô nhưng vẫn cảm thấy vô cùng bức bối khó chịu.
Còn chị Trần Thị Thu ở quận Cầu Giấy cho biết, tôi đi làm bằng ô tô nhưng không tránh khỏi sự mệt mỏi, trời nắng nóng, tắc đường, cảm giác rất uể oải. Từ đầu hè đến giờ hệ thống điều hòa trong xe của tôi cũ nên không thể tải nổi khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 45 độ C, nhiều khi phải giảm nhiệt độ điều hòa trong xe xuống dưới 20 độ mà vẫn cảm thấy không đủ mát. Bận việc nên tôi cũng chưa đi bảo dưỡng lại điều hòa. Chui vào xe ôtô mùa nắng nóng mà điều hòa yếu không khác gì cái phòng xông hơi. Đã vậy thời tiết nắng nóng giờ cao điểm cũng đông hơn mọi khi nên xe phải nhích từng chút một.
Ảnh minh họa: KT
Để giúp người tham gia giao thông có thêm kỹ năng khi lái xe trời nắng nóng, cần lưu ý một số thông tin quan trọng sau:
Mối nguy hại lớn nhất khi lái xe trong những ngày nắng nóng cao điểm là tình trạng lóa mắt, sốc nhiệt, mệt mỏi, căng thẳng hạ huyết áp... gây ảnh hưởng tới việc quan sát xe khi đi đường. Vì vậy người lái xe cần tránh những cung đường đông đúc, nơi hay xảy ra tình trạng tắc đường. Luôn mang theo nước để trên xe, đặc biệt là nước mát để bổ sung cho cơ thể, tránh tình trạng bị mất nước sinh ra các triệu chứng lóa mắt, chóng mặt,…
Khi lái xe dưới trời nắng, lái xe thường gặp tình trạng lóa mắt. Do đó, lái xe cần giữ vững tốc độ ổn định và khoảng cách an toàn. Không nên dừng, đỗ đột ngột vì người lái phía sau có thể phản xạ chậm đâm vào đuôi xe.
Thêm một điều cần biết khi lái xe ô tô trong thời tiết nắng nóng là sử dụng điều hòa với chế độ lấy gió ngoài hoặc hạ cửa sổ để giữ cho xe thoáng mát. Thông qua cách này, khoang xe có thể loại bỏ một lượng khí nóng đang tồn đọng trên xe một cách hiệu quả và nhanh chóng. Người lái xe cũng cần lưu ý khi điều hòa yếu có thể tự lấy lọc gió điều hòa ôtô ra gõ xuống đất vệ sinh bụi bẩn. Tuyệt đối không rửa bằng nước. Nếu điều hòa vẫn không đảm bảo, lái xe cần đưa đến xưởng để sửa chữa, bảo dưỡng. Khi điều hòa đã hoạt động tốt, không nên lạm dụng tránh bị sốc nhiệt.
Hơn nữa trong mùa nắng nóng, nhiều người thường có thói quen mở điều hòa ôtô ở nhiệt độ khá thấp mà không biết rằng tình trạng sốc nhiệt ở ôtô nguy hiểm hơn nhiều so với sốc nhiệt khi từ phòng điều hòa ra ngoài trời. Lý do không gian bên trong ôtô có thêm khá nhiều CO2 và thường điều hoà trên ô tô hay để chiếu thẳng vào người. Khi đó nhiệt độ ngoài trời nắng và trong ô tô bị chênh lệch khá cao, nếu bước ra ngoài sẽ dễ bị sốc nhiệt dẫn đến choáng váng, chóng mặt, thậm chí là đột quỵ.
Để tránh nguy cơ sốc nhiệt, trước khi khởi động và dừng hẳn xe, lái xe nên tắt chế độ điều hòa A/C, tắt quạt để thích nghi dần với nhiệt độ ngoài trời. Khi khởi động xe có thể bật quạt thông gió, mở cửa kính để thổi bớt khí nóng ra ngoài khoang hành khách. Sau đó đóng cửa kính rồi mới bật điều hòa và tăng dần mức độ lạnh và tốc độ quạt gió để cơ thể dần thích nghi.
Điều tiếp theo cần lưu ý khi lái xe mùa nắng nóng là phải chú bảo dưỡng xe, đặc biệt là áp suất lốp. Cần đảm bảo áp suất lốp xe luôn trong mức yêu cầu để hiệu suất sử dụng nhiên liệu tốt nhất. Việc duy trì áp suất lốp phù hợp không chỉ giúp bạn tiết kiệm nhiên liệu mà còn giúp kiểm soát xe tốt hay giúp lốp không bị quá nóng dẫn đến hư hỏng các bộ phận kết nối như bánh xe, phanh hay các bộ phận liên quan khác.
Kính chắn gió cần giữ sạch sẽ cũng là một điều cần lưu ý khi lái ô tô đi xa trong thời tiết nắng nóng. Kính chắn gió bẩn có thể khiến người lái bị chói mắt nặng hơn vì bụi bẩn và các mảnh li ti làm phân tán ánh sáng mặt trời. Do đó, trước khi bắt đầu chuyến đi, chủ xe nên lau sạch, vệ sinh kính chắn gió cả bên trong lẫn bên ngoài, tránh để lại các vết mờ trên kính khiến cản trở tầm nhìn khi lái.
Lưu ý khi ô tô quá nóng hoặc gặp trục trặc dưới thời tiết nắng gắt
Thời tiết nắng nóng vào mùa hè có thể khiến các bộ phận trên xe nhanh bị hao mòn, đồng thời gây ra những mối nguy hiểm khó lường. Vì thế, chủ xe nên chú ý tới một số vấn đề khi ô tô gặp sự cố ngay trên đường để kịp thời khắc phục.
Đầu tiên, khi di chuyển trong thời tiết quá nóng, hãy luôn để ý đến đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát. Nếu đang di chuyển và đèn cảnh báo sáng lên có nghĩa là xe động cơ xe đang nóng quá mức, lái xe cần lái xe vào lề đường ( chỗ có bóng râm càng tốt) và dừng lại. Tuyệt đối không mở nắp bộ tản nhiệt ô tô cho đến khi động cơ nguội hoàn toàn vì hơi nước và chất lỏng có thể thoát ra.
Đồng thời gọi cứu hộ trong trường hợp bị mắc kẹt ở những khu vực hẻo lánh và không thể khởi động lại xe.
Lưu ý những vật dụng nguy hiểm không nên để trong ô tô
Những vật dụng không để trong ô tô khi đỗ ngoài trời nắng nóng. (Ảnh minh họa: Honda)
Có những đồ vật khi để trong ô tô sẽ đem tới nguy cơ mất vệ sinh hoặc cháy nổ. Chủ xe cần lưu ý điều này để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn trong thời tiết nắng nóng gắt gắt đó là: Các loại bật lửa, bình cứu hỏa, bình xịt, các loại bình phun như nước hoa, xịt khoáng, khử mùi, keo tóc,... đều có dạng nén nên sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Khi áp suất bên trong tăng cao, có thể làm nổ/vỡ bình, giải phóng các chất đẩy dễ cháy, có nguy cơ dẫn tới hỏa hoạn nếu gần tia lửa.
Bên cạnh đó các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại và sạc dự phòng,... đều được làm bằng kim loại, dẫn nhiệt nhanh cũng không nên để trên xe ô tô nếu đỗ xe dưới trời nắng mà tắt máy không dùng điều hoà. Nhiệt độ cao sẽ làm các vi mạch điện tử, điện trở nóng lên bất thường, từ đó làm giảm tuổi thọ hoặc nặng hơn là có thể hỏng ngay. Các thiết bị này đều chứa pin lithium-ion rất nhạy cảm với nhiệt độ. Khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao, như ở trong xe ô tô đóng kín cửa đỗ dưới trời nắng, pin có thể nóng chảy, dẫn tới nguy cơ cháy nổ.
Ngoài ra chai nước, kính mắt cũng là một trong những đồ dùng có thể hấp thụ nhiệt từ ánh nắng và sức nóng của mặt trời có thể gây cháy nổ trên xe./.
Theo VOV