Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm, TP.HCM, nhiều phụ huynh vẫn lo lắng hậu Covid-19 của trẻ con. Trên các diễn đàn, cha mẹ bàn tán rất xôm về chủ đề hậu Covid-19 ở trẻ.Thực tế, các triệu chứng này hoàn toàn bình thường và không có gì đáng lo nhưng chủ yếu do cha mẹ “lo quá” nên thành ra nhìn thấy đâu đâu cũng là hậu Covid-19.
Một bà mẹ tìm tới bác sĩ than thở cho con đi khám hậu Covid-19 với mớ thuốc gần chục triệu đồng nhưng con vẫn nhớ nhớ quên quên, ngủ không ngon giấc. Khi bác sĩ xem ra thì cả túi thuốc chỉ là thuốc bổ và trẻ nhớ nhớ, quên quên chỉ là do cha mẹ nghĩ rằng con mình đang gặp phải.
BS Khanh cho biết, nếu như các năm trước, vào mùa này các bệnh vặt sẽ rất nhiều nhưng năm nay sau dịch Covid-19 thì trẻ đeo khẩu trang, vệ sinh nên cũng hạn chế bệnh vặt hơn. Nhiều nhà trường cũng vệ sinh tốt hơn trước nên bệnh truyền nhiễm ở trẻ đi học cũng không nhiều.
BS Khanh chỉ ra các lầm tưởng của cha mẹ về hậu Covid-19 ở trẻ.
Thứ nhất, hô hấp
Trẻ hậu Covid-19 chỉ có vài hội chứng như về hô hấp. Có nhiều trẻ nếu cơ địa dị ứng, trẻ dễ chảy mũi, dễ ho hơn sau khi mắc Covid-19. Một số trẻ có cơ địa suyễn chưa phát ra và sau Covid-19 thì phát ra. Những trường hợp này, trẻ không nhiễm Covid-19 nếu mắc cảm cúm cũng có thể phát bệnh như vậy.
Những lầm tưởng của cha mẹ về hậu Covid-19 ở trẻ |
BS Khanh cho biết trước kia, trẻ bị cảm, ho sau 1, 2 tuần mới hết nhưng phụ huynh không lo. Và sau Covid-19 thấy con ho thì cha mẹ lại lo hơn cho rằng con bị hậu Covid-19 và cho con đi khám.
Kết quả khi đi khám trẻ cũng chỉ được cho thuốc ho, thêm vài thuốc bổ, thậm chí thêm kháng sinh nhưng tất cả thuốc này đều có ở các bệnh lý khác như trẻ viêm hô hấp thông thường.
Thứ hai, trẻ nổi mề đay
Trẻ bị nổi mề đay cũng hay gặp nhưng đến nay chưa tổng kết trẻ nổi mề đay do thời tiết, cơ địa hay do Covid-19. Nổi mề đay có thể xảy ra ở bất cứ trẻ nào thậm chí có thể do thức ăn. Nhưng nhiều phụ huynh cho rằng con bị mề đay do hậu Covid-19. Với trường hợp này trẻ nổi mề đay nên xem lại thức ăn, quần áo, môi trường và cho trẻ uống thuốc chống dị ứng, không cần lo lắng do hậu Covid-19.
Thứ ba, tâm lý ở trẻ
Nhiều trẻ khi mắc Covid-19 bị áp lực tâm lý. Nhiều cha mẹ nói với con rằng con phải ở trong phòng khi nào xét nghiệm âm tính mới được ra khỏi phòng. Việc cho trẻ cách ly, không cho trẻ ra ngoài sợ lây cho người khác, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý lớn. Ngay cả người lớn cách ly cũng bị ảnh hưởng tâm lý.
Vì vậy, sau khi Covid-19 nhiều trẻ đóng kín lại và chúng giận bố, mẹ, ông bà và phải đi khám tâm lý. Lúc đó, cha mẹ cho rằng do Covid-19 ăn vào não khiến trẻ thay đổi.
Thậm chí, nhiều cha mẹ suốt ngày hỏi “con có sao không?”, hỏi nhiều lần khiến trẻ cũng mệt thêm, áp lực cho trẻ. Trong khi đó, trẻ chỉ cần quan sát ăn, chơi bình thường là bình thường.
Phụ huynh nên tránh lo quá, liên tục hỏi con có làm sao không, chỉ cần quan sát hành động của trẻ, không cần hỏi trẻ.
Thứ tư, trẻ mất ngủ
BS Khanh cho rằng nhiều phụ huynh thấy con mất ngủ, có người ngồi canh con cả đêm cho rằng ngủ không ngon lăn qua, lăn lại. Nhưng thực tế, lúc nào trẻ ngủ cũng lăn qua, lăn lại và khác trước là cha mẹ cũng ngủ không để ý nên cho rằng con ngủ không được sâu.
Khi trẻ khó ngủ, cha mẹ không cần làm gì, cứ để trẻ thoải mái và sẽ dần dần ngủ ngon lại. Một số trẻ trong giai đoạn cách ly xem nhiều tivi, điện thoại khiến trẻ đau đầu do loạn thị, cận thị, phụ huynh sợ nhưng thực chất do trẻ xem điện thoại nhiều.
Trẻ nhớ nhớ quên quên, bản thân phụ huynh cũng quan tâm thái quá luôn hỏi trẻ con có nhớ nhớ quên quên không thực chất với trẻ như vậy chỉ dùng vitamin B6, magie là đủ không cần quá lo mà cho con đi khám thậm chí MRI cả não để xem não có tổn thương hay không.
Khánh Chi