Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch

Huy Hậu| 25/06/2023 09:25

Nhiều năm nay, hàng chục hộ gia đình lựa chọn bám trụ và sinh sống giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) trước thời gian khu vực trên hoàn tất quá trình quy hoạch.

Cuối buổi chiều, sau khi trở về từ công trường, ông Chương Quang Đại (49 tuổi) lại mắc chiếc võng giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) để nằm nghỉ ngơi.

Vào thời điểm TPHCM vào mùa nắng nóng đỉnh điểm, ông Đại chia sẻ bản thân thường lui tới khu vực đất trống ở dãy mộ để tận hưởng gió trời. Thậm chí nhằm tránh mưa bão, ông còn mua thêm bạt, vải che chắn phía trên.

"Tôi thường xuyên ở đây tới 12 giờ đêm, lễ Tết thì có thể tận 3 giờ sáng nhưng chưa bao giờ sợ hãi. Tôi sống giữa nghĩa trang đã lâu, từ ngày quy hoạch an ninh càng được đảm bảo nên rất thích thú. Đến Tết nhiều khu mộ vẫn được tôi thắp nhang cúng kiếng", ông Đại chia sẻ.

Cứ vậy, mặc dù nơi đây nằm trong diện quy hoạch, thế nhưng hơn 20 năm nay, hàng chục người dân còn lại vẫn chọn bám trụ, sinh sống giữa khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 1

Ông Đại sinh sống ở khu trọ giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa được hơn 2 năm (Ảnh: Hoàng Hướng).

Những hộ dân cuối cùng

Đầu năm 2023, UBND quận Bình Tân tiếp tục chia sẻ những khó khăn trong việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Theo đó, khu nghĩa trang có tổng diện tích hơn 53ha với gần 54.000 ngôi mộ, là nơi an táng lớn nhất của TPHCM. Từ năm 2010, UBND TPHCM đã có chủ trương di dời toàn bộ khu vực này để hình thành các khu phức hợp dân cư, trung tâm thương mại.

Thế nhưng, đến nay sau hơn 20 năm, việc di dời vẫn chưa thể hoàn tất. Hơn 300.000 hộ dân vẫn chịu ảnh hưởng bởi tình hình an ninh trật tự phức tạp, ô nhiễm môi trường.

Riêng ở giữa nghĩa trang, hiện tại vẫn còn hơn chục hộ gia đình bám trụ, sinh sống. Một số trong đó dựa vào việc trông coi, chăm sóc, quét dọn mộ nhằm làm kế sinh nhai.

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 2

Ông Công hành nghề trông coi, chăm sóc cho những khu mộ (Ảnh: Hoàng Hướng).

Con đường dẫn vào nghĩa trang là đường đất với một ít ngôi nhà được dựng tạm bợ. Nhiều năm nay, dựa vào việc quy hoạch nên khu vực chôn cất đã trống trải, được phủ kín bởi rất nhiều cây xanh.

Một cư dân trong xóm trọ giữa nghĩa trang cho biết, người dân ở đây chủ yếu hành nghề thợ hồ, bán hàng rong… Vì giá nhà thuê rẻ, đồng thời sinh sống lâu đời nên họ chưa có ý định rời đi.

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 3

Vẫn còn hơn chục hộ gia đình sống trong dãy trọ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Ảnh: Hoàng Hướng).

Giữa trưa, chị Trang (45 tuổi) vẫn không ngưng tay bán cà phê cho khách. 2 tháng trước, chị Trang quyết định mở quán nước giữa nghĩa trang nhằm bán cho các hộ dân cận kề, cải thiện kinh tế.

"Mặc dù ít hộ nhưng ai nấy đều ủng hộ nên mỗi ngày vẫn cho tôi thu nhập 80.000 - 100.000 đồng đóng tiền nhà trọ" - chị Trang nói.

Chị Trang chia sẻ, chị sinh sống ở khu nghĩa trang được gần 20 năm. Trước đây, khu vực trên đều bao quanh bởi mồ mả, tạo điều kiện trộm cắp và tệ nạn xã hội hoành hành. Thế nhưng, gần đây, nhờ lực lượng chức nên tuần tra liên tục nên nhà chị luôn được đảm bảo.

"Nghĩa trang đã đóng cửa từ lâu, nhiều mộ cũng được di dời. Vì kinh tế khó khăn nên chúng tôi vẫn chấp nhận thuê nhà ở đây để mưu sinh" - chị Trang nói.

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 4

Nhiều căn chòi tạm bợ được dựng lên giữa những khu mộ (Ảnh: Hoàng Hướng).

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 5

Người dân sinh hoạt giữa những khu mộ (Ảnh: Hoàng Hướng).

Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Công (57 tuổi) đang vảy thóc cho đàn gà ăn giữa những khu mộ. Nhiều năm nay, việc sống chung với mồ mả xung quanh đã trở thành điều hiển nhiên.

40 năm trước, ông cùng vợ đến khu vực Bình Hưng Hòa dựng chòi để hành nghề chăm sóc mộ. Đến thời gian gần đây, con cái ông  chuyển đi nơi khác sinh sống, riêng bản thân ông Công vì quen nếp sống giữa nghĩa trang nên quyết định ở lại trong căn chòi gỗ sập sệ.

"Tôi tận dụng căn nhà bên cạnh làm chỗ tiếp khách, nhặt nhạnh đồ đạc để sinh hoạt. Mặc dù nhiều mồ mả, thế nhưng sống quen nên mọi thứ rất yên bình, không gì phải lo ngại" - ông Công nói thêm.

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 6

Được biết nghĩa trang Bình Hưng Hòa đóng cửa và di dời từ năm 2014 (Ảnh: Hoàng Hướng).

Phấn khởi nếu nghĩa trang được quy hoạch 

Năm 2014, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa chính thức được thành lập, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2014 với mục tiêu di dời hơn 15.000 ngôi mộ trên diện tích 12ha. Thế nhưng, đến nay vẫn còn 1.800 ngôi mộ chưa thể di dời.

Giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2019, hướng tới việc di dời hơn 13.000 ngôi mộ. Quận Bình Tân đã di dời hơn 50% khối lượng công việc, vẫn còn hơn 5.000 ngôi mộ.

Trong thời gian tới, UBND quận Bình Tân đang tiếp tục xin TPHCM thông qua thủ tục đầu tư cho giai đoạn 3 với dự kiến di dời hơn 21.000 ngôi mộ nằm trên 16ha còn lại.

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 7

Nhiều gia đình sinh sống ở giữa khu vực nghĩa trang (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo quy hoạch để kêu gọi đầu tư ban đầu, khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ được dùng để hình thành khu phức hợp, khu thương mại, nhà cao tầng, 16ha của giai đoạn 3 được định hướng làm nơi đặt công viên, không gian công cộng.

"Quận đang xin ý kiến thành phố việc không làm các công trình thương mại, nhà cao tầng. Toàn bộ đất sau khi di dời nghĩa trang được dùng để hình thành 2 cụm trường học, công viên cây xanh, khu thể thao, quảng trường và một số công trình công cộng khác", ông Nguyễn Minh Nhựt (Chủ tịch UBND quận Bình Tân) từng chia sẻ.

Nhiều năm nay, chị Trang vẫn luôn xem tin tức về chuyện quy hoạch nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đầu năm nay, khi lắng nghe từ lãnh đạo quận Bình Tân sẽ biến nghĩa trang thành không công cộng, chị rất phấn khởi.

"Tôi ở thành phố để cho con ăn học. Đến giờ con cũng sắp ra trường cao đẳng nên bản thân cũng đã hoàn thành ý nguyện. Nếu nhà nước quy hoạch tôi sẽ trở về quê, riêng nghĩa trang này biến thành công viên, trường học thì người dân đều chấp thuận" - chị Trang nói.

Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch - 8

Căn chòi của ông Công ở giữa những khu mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Ảnh: Hoàng Hướng).

Mặc dù chưa có dự tính gì cho tương lai, thế nhưng ông Công cho biết bản thân vẫn mừng nếu thành phố quyết định sẽ xây dựng dự án lớn trên đất nghĩa trang. Bởi với người đàn ông, khu vực trên trước đây rất phức tạp, việc biến thành công trình công cộng sẽ rất lợi ích cho những hộ gia đình sống xung quanh.

Riêng gia đình ông Đại thì có dự tính đón đầu những công trình công cộng trên khu nghĩa trang từ lâu. Theo đó, sắp tới sẽ cùng vợ đấu thầu mặt bằng để mở quán nước phục vụ cho công nhân công trình và những người dân trong khu vực.

"Việc bán quán nước vừa tạo ra kinh tế, vừa phù hợp với chính sách quy hoạch của nhà nước nên bản thân rất hài lòng", ông Đại nói thêm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những hộ dân cuối cùng ở nghĩa trang lớn nhất TPHCM trước quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO