Những điều nên và không nên khi cho bé ăn dặm lần đầu

23/08/2024 08:06

Ăn dặm là giai đoạn cho bé làm quen với thức ăn đặc là một cột mốc thú vị. Khi trẻ bắt đầu tiếp xúc vói thực phẩm ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, trẻ nên được hình thành phong cách ăn uống lành mạnh.

1. Khi nào nên cho bé ăn dặm?

Tổ chức Y tế Thế giới và các Hướng dẫn chế độ ăn uống đều khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ , nghĩa là trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để có được lợi ích sức khỏe và dinh dưỡng tối ưu. Sau khi cho trẻ ăn dặm, các chuyên gia y tế khuyên nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ ít nhất đến 12 tháng tuổi và sau đó, theo mong muốn của mẹ và bé. Thời điểm cho trẻ ăn dặm sẽ tùy thuộc vào trẻ nhưng không nên cho trẻ ăn trước 4 tháng tuổi hoặc muộn hơn 6 tháng tuổi.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì từ 6 tháng tuổi trở đi, bé tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên trong khi nguồn năng lượng từ sữa mẹ không còn đủ cung cấp cho sự phát triển của trẻ.

Sự sẵn sàng ăn dặm của trẻ còn phụ thuộc vào tốc độ phát triển của từng trẻ. Các dấu hiệu trẻ có thể đã sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm như trẻ có thể ngồi dậy với sự hỗ trợ tối thiểu, thể hiện khả năng kiểm soát đầu tốt, đưa đồ vật vào miệng hoặc nắm lấy những đồ vật nhỏ. Tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ có một cuộc kiểm tra với bác sĩ nhi khoa trước khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc.

Những điều nên và không nên khi cho bé ăn dặm lần đầu-1
Cha mẹ nên tập cho trẻ ăn từ loãng tới đặc để dạ dày làm quen với dạng thức ăn mới ngoài sữa.

2. Một số nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm

Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, thức ăn đặc có thể được cho ăn theo bất kỳ thứ tự nào. Tuy nhiên, thịt xay nhuyễn, thịt gia cầm, đậu và ngũ cốc tăng cường chất sắt được khuyến khích là thực phẩm đầu tiên, đặc biệt nếu con bạn chủ yếu bú mẹ vì chúng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết. Kết cấu mềm mại hơn rất quan trọng khi lần đầu tiên cho trẻ ăn dặm do đó mẹ nên xay nhuyễn.

Trẻ sơ sinh thường bắt đầu ăn thức ăn xay nhuyễn hoặc nghiền khi được khoảng 6 tháng tuổi. Khi trẻ sơ sinh phát triển các kỹ năng nhai và vận động, chúng có thể xử lý các đồ vật như miếng trái cây mềm và thức ăn cầm tay. Mỗi lần chỉ nên cho trẻ ăn một loại thực phẩm đơn thành phần mới. Khi trẻ lớn lên, nhiều loại thực phẩm lành mạnh được khuyến khích.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cha mẹ nên nắm rõ một số nguyên tắc khi bắt đầu cho bé ăn dặm:

Ăn từ loãng đến đặc.

Ăn từ ít đến nhiều.

Ăn đúng giờ.

Không ép con, không quan trọng số lượng.

Con đói con sẽ ăn. Con không muốn mẹ sẽ dừng.

Ngồi ăn một chỗ.

Không ăn vặt trước giờ ăn ít nhất 1 giờ.

Không bế rong.

Không đồ chơi, ti vi, hoạt hình trong khi ăn.

Không vừa ăn vừa uống nước.

Không kéo dài bữa ăn quá 30 phút.

Không nêm gia vị vào đồ ăn của trẻ cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Không cho trẻ nếm thử thức ăn người lớn.

Giờ ăn là giờ vui vẻ.

Thay đổi thực đơn hằng ngày.

3. Lưu ý về an toàn thực phẩm

Những lo ngại về an toàn thực phẩm đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bao gồm dị ứng thực phẩm, nghẹt thở và nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm . Hãy ghi nhớ những lời khuyên an toàn sau:

- Việc cho trẻ thử một loại thực phẩm mới mỗi lần trong vài ngày sẽ giúp bạn có thời gian theo dõi các phản ứng dị ứng của trẻ. Các thực phẩm có khả năng gây dị ứng như trứng, sữa, đậu nành, đậu phộng và cá. Trên thực tế, cho trẻ ăn thực phẩm có chứa đậu phộng ngay từ 4 - 6 tháng tuổi có thể giúp ngăn ngừa dị ứng đậu phộng. Các bậc cha mẹ lo ngại về dị ứng thực phẩm nên thảo luận về cách cho trẻ ăn những thực phẩm này với bác sĩ nhi khoa.

- Không cho bé ăn thức ăn đặc từ bình. Đây có thể là một nguy cơ gây nghẹt thở và mặc dù có quan niệm sai lầm phổ biến, việc cho ngũ cốc vào bình sữa sẽ không giúp trẻ ngủ suốt đêm.

- Các loại thực phẩm được coi là có nguy cơ gây nghẹn được liệt kê dưới đây không nên dùng cho trẻ dưới 4 tuổi:

Bắp rang và ngô nguyên hạt.

Các loại hạt và hạt giống.

Những miếng thịt, thịt gia cầm và phô mai lớn.

Kẹo, kẹo cao su và thạch.

Trái cây hoặc rau quả cứng, sống như táo, cần tây, cà rốt.

Quả nho và cà chua bi, trừ khi cắt làm tư.

Xúc xích, trừ khi được cắt thành từng dải và phù hợp với lứa tuổi, miếng vừa ăn.

Thực phẩm dính đặc, chẳng hạn như bơ đậu phộng, có thể bị kẹt ở phía sau miệng.

Đối với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo, hãy cắt nhỏ các thực phẩm: thịt, thịt gia cầm, xúc xích, rau, trái cây như nho thành từng miếng nhỏ (cỡ ngón tay của trẻ hoặc nhỏ hơn).

- Hãy giám sát con bạn trong khi ăn. Trẻ nhỏ có thể ngồi thẳng và hướng mặt về phía trước khi bạn lần đầu tiên cho trẻ ăn dặm. Điều này làm cho việc nuốt dễ dàng hơn và ít bị nghẹn hơn.

- Đừng cho trẻ ăn trực tiếp từ lọ thức ăn mà thay vào đó, hãy múc một ít thức ăn vào một đĩa riêng trước. Cho ăn trực tiếp từ bình có thể đưa vi khuẩn từ miệng bé vào thìa và quay trở lại thức ăn, gây ra vấn đề mất an toàn thực phẩm.

- Không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ăn mật ong vì nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm.

4. Tham khảo một số thực phẩm rắn thích hợp với độ tuổi của trẻ

6 tháng:

Thịt, thịt gia cầm hoặc đậu được nấu chín kỹ và xay nhuyễn.

Ngũ cốc xay, nấu chín, ngũ cốc đơn hoặc ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh với sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Rau nấu chín và xay nhuyễn.

Chuối nghiền hoặc bơ.

Những điều nên và không nên khi cho bé ăn dặm lần đầu-2Cần đảm bảo các loại thực phẩm được nấu chín, mềm và cắt nhỏ phù hợp với trẻ độ tuổi ăn dặm.

9 tháng:

Thịt, thịt gia cầm hoặc đậu nấu chín kỹ, băm nhỏ hoặc thái nhỏ.

Nhiều loại rau nấu chín được cắt thành miếng nhỏ, chẳng hạn như đậu que, bông cải xanh, bầu, bí xanh, bí đỏ.

Chuối cắt lát và cắt thành từng miếng nhỏ hoặc các loại trái cây mềm khác như bơ.

12 tháng:

Thịt, thịt gia cầm hoặc cá mềm, thái nhỏ.

Rau nấu chín miếng nhỏ.

Những miếng trái cây nhỏ mềm, dễ nhai.

Các món ăn hỗn hợp trong bữa cơm gia đình chia thành từng miếng có kích thước phù hợp.

Theo GĐXH

Theo tintuconline.com.vn
https://tintuconline.com.vn/lam-me/nhung-dieu-nen-va-khong-nen-khi-cho-be-an-dam-lan-dau-n-609220.html
Copy Link
https://tintuconline.com.vn/lam-me/nhung-dieu-nen-va-khong-nen-khi-cho-be-an-dam-lan-dau-n-609220.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những điều nên và không nên khi cho bé ăn dặm lần đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO