Đào bới thâu đêm để tìm kỳ nam
Sau 2 ngày hòa mình vào cuộc phiêu lưu tìm kỳ nam trên rừng đặc dụng Đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), anh Tiến (tên nhân vật đã được thay đổi) trở về lại với công việc mua bán hải sản của mình.
Anh Tiến nhớ lại, hơn một tuần trước, nhóm 9 phu trầm ở thị xã Đông Hòa (sống cạnh nhà anh này) băng rừng, ngược lên núi Đèo Cả để tìm kỳ nam.
"Họ từng đi rừng và nghe có mùi thơm, đã tìm một lần nhưng chưa thấy. Đây là lần thứ hai nhóm phu trầm leo núi Đèo Cả để tìm kỳ nam", anh Tiến nói.
Theo lời anh Tiến, nhóm phu trầm tỏa ra các hướng để tìm kỳ nam nhưng một ngày trôi qua trong vô vọng. Đến đêm, họ cúng bái thắp hương thì được "chỉ điểm".
Trong ngày thứ 2, các phu trầm theo hướng đã định và thực sự đã tìm thấy kỳ nam.
"Đi tìm kỳ phần lớn là nhờ tâm linh chứ cây dó bầu chết nằm rục dưới đất biết đâu mà tìm. Theo thông tin tôi được biết họ trúng được khoảng vài lạng kỳ nam. Sau khi trúng kỳ, nhóm người gọi điện về gia đình thông báo rồi thông tin bị lộ lọt ra ngoài", người đàn ông này chia sẻ.
Nghe tin đồn có người trúng kỳ nam, tối ngày 7/4, hàng trăm thanh niên trai tráng ở thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) rủ nhau băng rừng ngay trong đêm để tìm cơ hội đổi đời.
"Đêm đó, làng tôi gần như không còn một người đàn ông nào ở nhà. Mọi người đều leo núi tìm kỳ nam, phần cầu may, phần ham vui", anh Tiến nói.
Để đi tìm kỳ nam, nhóm người của anh Tiến mang theo một thùng mì tôm, vài chục lon gạo, nồi niêu, xoong chảo để nấu ăn. Sau 6 giờ vượt những đoạn đường dốc dựng đứng ở Đèo Cả, nửa đêm nhóm người anh Tiến đến gốc cây được cho là có kỳ nam.
Đến nơi, cả nhóm thanh niên nghỉ ngơi lấy sức chừng 15 phút, sau đó đội đèn pin bắt tay vào đào bới thâu đêm sang phẳng cả khu vực, nhưng vẫn không thấy kỳ nam.
Anh Tiến cho biết, sáng ngày 8/4, nhóm người tìm kỳ nghỉ tay nấu cơm để ăn, sau đó có một tốp khoảng 100 người "bỏ cuộc chơi" xuống núi. Còn lại khoảng hơn 100 người tiếp tục đào bới đến giữa trưa.
Cuối cùng, chỉ còn khoảng hơn 30 người "bám trụ" đào tìm kỳ nam đến ngày 9/4 mới chịu đi về.
"Tính ra cả nhóm hơn 200 người, mất mấy ngày ăn bờ ở bụi nhưng đều về tay không", anh Tiến kể.
Bác bỏ tin đồn trúng kỳ nam
Liên quan đến tin đồn trúng kỳ nam, sáng 10/4, phóng viên Dân trí đã liên hệ với ông T.V.H. (60 tuổi, quê thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - người bị vướng vào tin đồn trúng kỳ nam bán được 10 tỷ đồng). Người đàn ông này đã phủ nhận thông tin gia đình ông trúng kỳ nam, bán được tiền tỷ.
Ông H. cho biết bản thân năm nay đã 60 tuổi, chủ yếu đi làm nông ở quê, không đi rừng nên không có chuyện trúng kỳ nam bán được 10 tỷ đồng như mọi người đã đồn thổi.
Thượng tá Trần Khắc Quang, Trưởng Công an thị xã Đông Hòa, cho biết phía đơn vị đang xác minh để làm rõ về tin đồn trên. Thượng tá Quang nhận định tin đồn trên là không có căn cứ.
Trưởng Công an thị xã Đông Hòa cho biết, đến nay không còn người dân nào tại khu vực đồn đoán có kỳ nam ở trong rừng Đèo Cả. An ninh trật tự trở lại bình thường, các lực lượng đang chốt chặn không cho người dân vào rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cũng ra văn bản yêu cầu lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm việc người dân vào rừng chặt phá, đào bới tìm kỳ, trầm trái phép trong khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả.
Như đã thông tin, ở thị xã Đông Hòa xuất hiện tin đồn có người đào kỳ nam ở rừng đặc dụng Đèo Cả bán 10 tỷ đồng.
Hay tin, hàng trăm người dân đã mang theo các vật dụng như cuốc, xẻng, xà beng… leo núi Đèo Cả để tìm cơ hội đổi đời. Tại đây, nhóm người đào bới, nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn chưa thấy kỳ nam.
Nhận được tin, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã giải tán đám đông vì lo ngại về tình hình an ninh trật tự và nạn phá rừng tại địa phương.
Theo một vài ghi chép cũng như dân gian truyền miệng, kỳ nam là một loại gỗ có nguồn gốc từ cây dó bầu, chứa một lượng lớn chất nhựa có mùi thơm. Cây này thường mọc trong những cánh rừng lâu năm như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Các yếu tố quyết định giá kỳ nam bao gồm lượng dầu có trong gỗ, khả năng chìm nổi của khối gỗ và kích thước của nó. Nhiều người cho rằng kỳ nam có giá trị hàng tỷ đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm Hương Khánh Hòa, cho biết trầm kỳ nam được hình thành sau hàng trăm đến hàng nghìn năm, chỉ xuất hiện duy nhất ở Việt Nam. 1kg kỳ nam có giá hàng chục tỷ đồng.
"Hiện nay kỳ nam rất khó tìm, lâu lắm mới có một người tìm được mẩu nhỏ. Giá kỳ nam tùy theo chất lượng, dao động từ hơn 10 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/kg", ông Dũng cho hay.