Sáng 26/7, TPHCM tổ chức hội nghị Tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và khu vực giáp ranh giữa TPHCM giai đoạn 2019-2022, tiếp tục giai đoạn 2023-2026.
Theo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố thường xuất hiện tại các tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ.
Nguyên nhân Cần Giờ là điểm nóng "cát tặc"
Sở TNMT thống kê, trữ lượng cát san lấp được thăm dò ở các vùng sông, biển TPHCM là hơn 35,8 triệu m3, phần lớn nằm ở 11 mỏ cát trên biển Cần Giờ. Cụ thể biển Cần Giờ có trữ lượng cát nhiễm mặn lớn (dùng làm cát san lấp) chiếm khoảng 35 triệu m3.
Do đó, nơi đây trở thành điểm nóng thu hút "cát tặc". Báo cáo của lực lượng Bộ đội biên phòng TPHCM cho biết, có thời điểm trên vùng biển Cần Giờ xuất hiện khoảng 8-12 sà lan trọng tải từ 500 đến 1.000 tấn hoạt động khai thác cát trái phép.
"Các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi", ông Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM, nhận xét.
Ông Thắng thông tin, những người khai thác cát trộm chủ yếu hoạt động trong bóng tối từ 21h hôm trước đến 4h hôm sau. Họ lợi dụng điều kiện sóng to gió lớn, thường chọn địa điểm xa khơi 6-10 hải lý giáp ranh giữa vùng biển TPHCM với các tỉnh lân cận.
Phương tiện khai thác cát trái phép thông thường là các sà lan có tải trọng lớn, được thiết kế chịu được sóng gió, có họng xả dưới đáy để xả cát khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trong quá trình khai thác các trộm, nhóm người luôn có sự quan sát, cảnh giới. Khi phát hiện lực lượng chức năng, chúng thông báo cho người khai thác cát rút vòi bơm, xả cát xuống biển, chạy trốn qua địa bàn các tỉnh giáp ranh.
Ngoài ra, nhóm khai thác cát trộm còn vận chuyển cát từ các tỉnh miền Tây như Long An, Bến Tre… lên TPHCM để bán cho các công trình san lấp mặt bằng. Cạnh đó, họ có cho phương tiện ra biển Cần Giờ khai thác cát trái phép.
Theo thông tin từ Công an TPHCM, 10 năm qua thành phố không cấp phép mỏ cát dùng để khai thác. Do đó, mọi hoạt động khai thác cát trên vùng biển, sông ở TPHCM đều trái phép.
Xử lý "cát tặc" còn gặp khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, thực tế từ khảo sát, trữ lượng nguồn cát xây dựng, cát san lấp không đủ phục vụ nhu cầu xây dựng trong thành phố và các tỉnh lân cận.
Song song đó là chủ trương hạn chế khai thác khoáng sản, tăng cường kiểm soát đối với việc cấp phép khai thác cát san lấp, cát xây dựng của Trung ương, các tỉnh phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
"Hai yếu tố trên tạo ra chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu và nguồn cung ứng nguyên vật liệu", ông Ngô Minh Châu nói.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép được đánh giá là siêu lợi nhuận do lấy sẵn tài nguyên từ tự nhiên, kinh phí đầu tư không nhiều. Vì vậy các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để đối phó lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt, thậm chí đánh chìm phương tiện để tẩu thoát.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, hậu quả của khai thác cát trái phép là làm thất thoát tài nguyên, gây tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
"Các phương tiện nạo vét, khai thác cát khu vực biển TPHCM cũng như Cần Giờ phải gắn thiết bị định vị mới được hoạt động. Cơ quan chức năng cũng đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý, tuy nhiên còn gặp khó khăn", bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TNMT TPHCM, nêu tại hội nghị.
Tại hội nghị, vấn đề phối hợp giữa cấp phường, xã tại các khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh và TPHCM nêu ra chưa thực sự đồng bộ.
Về công tác xử lý, TPHCM đang thiếu địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, gây khó khăn cho việc trông giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm; chế tài xử lý đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép mặc dù đã tăng nhưng chưa đủ sức răn đe.
Các đối tượng khai thác cát trái phép có nhiều hành vi đối phó lực lượng chức năng, manh động trong việc chống lại lực lượng thi hành công vụ, sẵn sàng chống trả bằng vũ lực.
Chúng cũng sử dụng kẽ hở trong hoạt động xuất hóa đơn, truy xuất nguồn gốc của cát vận chuyển để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng thông qua các hợp đồng khai thác, mua bán, vận chuyển, hóa đơn, chứng từ có sẵn từ các mỏ cát ở các tỉnh miền Tây.
Bên cạnh đó, việc thiếu và chậm đầu tư các hệ thống giám sát tự động (AIS) cũng đã hạn chế khả năng phát hiện sớm các hoạt động khai thác cát trái phép trên biển.
Từ đó, lãnh đạo Sở TNMT TPHCM đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư trang thiết bị và kỹ thuật nghiệp vụ.
Trong đó, giải pháp trọng tâm là sớm triển khai xây dựng Trạm kiểm soát Biên phòng trên biển (theo quy mô nhà giàn nhỏ), trang bị các phương tiện, kỹ thuật để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra, đồng thời thực hiện nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng, các địa phương cần tiếp tục rà soát kiến nghị bổ sung, thay thế các quy định chưa phù hợp so với tình hình thực tiễn; điều chỉnh chế độ, chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia kiểm tra, phòng chống khai thác cát trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.
Hơn nữa, các địa phương cần đẩy mạnh công tác dân vận; xây dựng cơ chế chính sách nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ an toàn; động viên, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng chống tội phạm khai thác, vận chuyển cát trái phép.
"Phòng, chống khai thác cát trái phép là hoạt động mang tính liên vùng. Do đó rất cần sự phối hợp giữa các địa phương", bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhận định.
Lãnh đạo sở ngành, chính quyền một số địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh... tại hội nghị cũng đã trình bày tham luận nêu nhiều khó khăn trong việc phòng, chống "cát tặc". Tất cả đồng thuận trong việc phối hợp giữa các địa phương.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, từ năm 2019 đến 2022, lực lượng chức năng thành phố đã bắt và xử lý 365 vụ "cát tặc" và tịch thu 208 phương tiện cùng tang vật, 65.000m3 cát và xử phạt khoảng 6 tỷ đồng.
Theo đề án phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh với các tỉnh, năm 2019, UBND TPHCM chi hơn 103 tỷ đồng để trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2021, TPHCM dự kiến chi hơn 61 tỷ đồng để thực hiện kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép; điều tra, thăm dò trữ lượng cát xây dựng, cát san lấp trên sông, trên biển.
Về thực trạng nguồn tài nguyên cát xây dựng, cát san lấp ở TPHCM:
- Cát xây dựng có trữ lượng khoảng 41 triệu m3, nhu cầu sử dụng cát xây dựng khoảng 20,38 triệu m3 (theo tính toán đến năm 2020).
- Cát san lấp được thăm dò với trữ lượng 35,8 triệu m3, trong khi nhu cầu sử dụng riêng cho một số dự án lớn trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2030 chiếm khoảng 24-38 triệu m3.